cart.general.title

Câu chuyện về "Nhóc Maruko": Hãy ngồi xuống và trò chuyện với nhau mỗi ngày

Ngày 8/9 tới đây, “Nhóc Maruko” - bộ truyện tranh đình đám gắn với nhiều thế hệ độc giả trong lớp áo “Vintage Version”, sẽ có tại Việt Nam.

Bộ truyện tranh “Nhóc Maruko” của cố họa sĩ Momoko Sakura đã được độc giả Việt Nam biết đến cách đây gần 3 thập kỉ. Dựa trên kí ức tuổi thơ của chính mình, tác giả Momoko Sakura đã sáng tác series truyện xoay quanh cuộc sống ở nhà và ở trường của cô nhóc dễ thương Maruko với vô vàn khoảnh khắc hài hước nhưng không kém phần xúc động về tình cảm gia đình, bè bạn. “Nhóc Maruko” đã nhận được tình cảm yêu mến, trở thành một phần tuổi thơ của rất nhiều bạn đọc thế hệ 8X, 9X.

Bộ truyện tranh “Nhóc Maruko” của cố họa sĩ Momoko Sakura được độc giả Việt Nam yêu thích cách đây 3 thập kỉ

Cùng với chú mèo máy “Doraemon”, “Thám tử lừng danh Conan”, “Nhóc Maruko” được xem là một trong những biểu tượng văn hóa của Nhật Bản. Sau quá trình dài thương thảo bản quyền và tiến hành chuẩn bị các công đoạn liên quan tới bộ sách, nhân dịp kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023), vào đầu tháng 9 tới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức ra mắt bạn đọc Việt Nam bộ truyện tranh kinh điển này.

Khác với ấn bản gốc được ra mắt tại Nhật mang phong cách tạp chí Ribon năm 1987, bản tiếng Việt dành riêng cho độc giả Việt Nam được khoác lên mình một hình thức mới. Dưới sự “phù phép” của designer Tạ Quốc Kỳ Nam, ấn bản Nhóc Maruko của Nhà xuất bản Kim Đồng với tên gọi “Vintage Version” đậm màu hoài cổ nhưng vẫn giữ trọn phong cách vui tươi, dễ thương từ minh họa gốc của tác giả.

Tổng thể bộ sách trông giống như những cuốn nhật kí được vẽ tay, với những tấm hình đầy sống động. “Mình được ngắm những bản scan dữ liệu tranh màu gốc tuyệt đẹp. Cảm giác cứ như mới hôm qua mình còn là cậu bé say mê đọc tới lui mấy cuốn truyện mượn được đó. Màu sắc, đường nét, chi tiết vẽ tay... đầy hồn hậu, mộc mạc, nên mình muốn thiết kế bìa trên tinh thần này. Mỗi tập mình tô lại màu chữ. Việt hóa một font chữ bút chì cho chữ nhỏ. Còn tên tác giả “Momoko Sakura” là bút tích của cô trên tranh tập cuối.” - Kỳ Nam chia sẻ.

Nhiều độc giả cũng bày tỏ tình cảm, sự yêu mến bộ truyện vì “gia đình Maruko vừa cho tôi tiếng cười, vừa cho tôi nước mắt của sự hạnh phúc”, cũng như “ấn tượng với nét vẽ đơn giản nhưng vô cùng đáng yêu, lồng ghép rất nhiều bài học nhân văn ý nghĩa trong bộ truyện”. Những câu chuyện của gia đình Maruko xoay quanh chiếc bàn ở giữa phòng khách gợi nhắc cho chúng ta giá trị của sự sum vầy, sẻ chia “hãy ngồi xuống và trò chuyện với nhau mỗi ngày” như lời một độc giả nhắn nhủ qua tác phẩm của mình.

Cố họa sỹ Momoko Sakura

Ngoài ra để tăng thêm trải nghiệm cho độc giả, Nhà xuất bản Kim Đồng đã quyết định tăng khổ của bản tiếng Việt so với khổ sách Manga truyền thống, để có thêm không gian cho các ô thoại cũng như những dòng chia sẻ đầy tâm huyết của tác giả được rõ nét nhất có thể.

Anh Đặng Cao Cường, trưởng Ban biên tập sách Comic, Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ: “Nhà xuất bản Kim Đồng đã theo đuổi bản quyền tác phẩm từ hơn 10 năm trước với Sakura Production (Công ty nắm bản quyền gốc tác phẩm) và cũng đã dồn nhiều công sức thể hiện nhiệt huyết muốn được đưa “Nhóc Maruko”, một cách chính thức, đến với bạn đọc Việt Nam. Để không phụ công sức ấy, cũng như đáp ứng những mong mỏi của độc giả, chúng tôi đã thể hiện sự trân trọng của mình dành cho “Nhóc Maruko” thông qua việc đầu tư, chăm chút cho bộ sách từ nội dung cho tới hình thức, cũng như chiến dịch truyền thông, làm nóng và lan tỏa thông tin tác phẩm. Bản thân những cán bộ trẻ của Nhà xuất bản cũng chính là những người đọc “Nhóc Marưkô” từ thuở bé, nên trong quá trình thực hiện, chúng tôi không khỏi xúc động và tự hào.”

Ấn bản Nhóc Maruko của Nhà xuất bản Kim Đồng với tên gọi “Vintage Version” đậm màu hoài cổ nhưng vẫn giữ trọn phong cách vui tươi, dễ thương từ minh họa gốc của tác giả.

Dịch giả Hương Giang, người dành rất nhiều tâm huyết cho bộ sách chia sẻ: “Đồng hành với cô bé Maruko hài hước lém lỉnh, mình không những có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và đời sống Nhật Bản thập niên 70, mà còn tìm được niềm vui, cũng như động lực để trở lại với công việc. Thực sự dịch “Nhóc Maruko” với mình không chỉ là công việc, mà đã trở thành hành trình phục hồi và tái khám phá bản thân. Cảm ơn Maruko thật nhiều!”

Nguồn: phunumoi.net.vn