cart.general.title

Có một “miền xanh thẳm” trong văn học

“Miền xanh thẳm” ấy chính là truyện dài của Trần Hoài Dương; tuy tác phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản từ năm 2000, nhưng đến nay sau nhiều lần tái bản vẫn thu hút được khá nhiều độc giả không chỉ các bạn nhỏ tuổi mà cả người lớn. Đây cũng là một trong số không nhiều tác phẩm ngay khi ra đời đã tạo dấu ấn trên văn đàn nước ta và được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học năm 2001.

Bối cảnh chính của “Miền xanh thẳm” là Bắc Giang, Hà Nội và một số tỉnh khác thuộc miền Bắc vào những năm đất nước vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhân vật chính trong truyện là cậu bé Thiện đang học cấp 2, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải từ giã gia đình, đi học xa nhà với cuộc sống tự lập tại một ngôi trường ở thị xã Bắc Giang khi mới 12, 13 tuổi. Lần đầu tiên phải xa rời bố mẹ để đến một nơi xa lạ nhưng dần dà, Thiện quen dần với môi trường mới với thầy cô, với những người bạn nghèo khó nhưng hiền lành, tốt bụng, như: anh Nhu, anh Hoàng, bạn Thiện, bạn Bảo… Mặc dù ngày ngày phải vừa học, vừa làm những việc khá cơ cực, như: Phụ hồ, phụ bếp, vận chuyển xi măng, gạch ngói, tre nứa… để kiếm thêm tiền, giúp đỡ bố mẹ bớt nhọc nhằn, nhưng bù lại, Thiện đã thực sự có những niềm vui sướng khi được sống trong một môi trường vô cùng trong sáng, thiêng liêng và cao quý của tình bạn và tình thầy trò thương nhau như máu thịt.

Với cách nhìn tinh tế, phát hiện được những góc nội tâm cũng như suy tư của tuổi nhỏ, với những trang viết đôn hậu, yêu thương, dung dị và đằm thắm, trong “Miền xanh thẳm”, Trần Hoài Dương đã tái hiện được một bức tranh khá sinh động về một thời kỳ khó khăn của đất nước, nhưng mọi người từ trẻ con đến người lớn đều thương yêu, đùm bọc nhau, lạc quan và cùng chung tay lo cho tương lai, nuôi dưỡng để ước mơ trở thành hiện thực.

Không chỉ dừng lại ở đó, bên cạnh việc miêu tả cuộc sống học tập, sinh hoạt, lao động của các em, trong “Miền xanh thẳm” có bao nhiêu trang viết độc đáo nói về phong tục, tập quán, về những bức tranh nên thơ nơi làng quê. Thật thích thú khi đọc những trang viết về chuyện đi bắt cua, bắt ếch, bắt ba ba, tát đìa hay chuyện ma… mà nhân vật Bảo đã kể cho Thiện nghe, hoặc những trang viết về cảnh các bạn nhỏ khi kiếm được tiền rủ nhau vào tiệm bánh đúc… Đặc biệt, nói về lĩnh vực nào, Trần Hoài Dương cũng có cách miêu tả rất độc đáo tựa như một người kể chuyện tỉ mỉ bằng thứ ngôn ngữ rất nhẹ nhàng. Thiên nhiên trong truyện “Miền xanh thẳm” cũng luôn hiện lên như một thảm cỏ đầy hoa với nhiều màu sắc trải dài ra khi trên núi, lúc trên đồng ruộng, bờ sông. Ví dụ như khi nói về cây đào trong vườn xưa ở nhà mình thông qua ký ức của Thiện, tác giả có đoạn: “Sau cổng là một khu vườn rộng... Một gốc đào lâu năm to bằng bắp chân người lớn, thân xù xì mốc mác, nổi u nổi bướu, phía trên tỏa ra nhiều nhánh cành cong queo phơ phất vài chùm lá thưa thớt, trông có vẻ cằn cỗi khô xác đã hết nhựa sống, nhưng cứ gần đến Tết là cây đào thay đổi hoàn toàn. Như có một phép màu diệu kỳ, cây đào như hồi sinh trở lại sau suốt một năm mơ màng ngủ dưỡng sức. Vừa có hơi xuân, những nụ đào mập mạp tròn căng lập tức nhú ra từ những nách lá, lớn nhanh như thổi, rồi bung ra thành những bông hoa màu hồng phấn đầy kiêu sa làm sáng rực cả khu vườn…”.

Trần Hoài Dương là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông sinh năm 1943 và mất năm 2011. Ông là nhà văn mà cả cuộc đời chỉ sáng tác cho thiếu nhi với hơn 20 cuốn sách đã xuất bản thuộc nhiều thể loại, như: Truyện đồng thoại, truyện ngắn, truyện dài... Còn rất nhiều điều lý thú mà người đọc sẽ tìm thấy khi đọc “Miền xanh thẳm” của ông!

Nguồn: Báo Khánh Hòa