cart.general.title

Khi tuổi hoa viết cho chính mình

Văn học thiếu nhi không chỉ là nơi người lớn kể những câu chuyện cho trẻ nhỏ. Đây còn là mảnh đất màu mỡ để các bạn nhỏ viết về cuộc sống của chính mình.

Tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương trong buổi đọc sách cùng độc giả. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Đoàn Lữ Thụy Phương là tác giả nhí bước ra từ Giải thưởng Dế Mèn lần thứ tư, năm 2023. Tác phẩm Bố con cà khịa và Những bức thư của cô bé 11 tuổi này đã nhận được Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Dế Mèn 2023. Mới đây, tác phẩm đã được phát hành rộng rãi đến bạn đọc trong cả nước.

Lối kể chuyện hồn nhiên, dí dỏm

Cuốn sách Bố con cà khịa và Những bức thư của Đoàn Lữ Thụy Phương gồm hai phần: Phần một xoay quanh những câu chuyện nhỏ, xảy ra hàng ngày ở nhà của cô bé Kẹo (tên thân mật của tác giả), phần hai là những bức thư “tưởng tượng” mà những đồ vật quen thuộc như: Đôi dép cũ, chiếc bút, đồ chơi… gửi tới cô bé Kẹo.

Bằng trí tưởng tượng phong phú và văn phong hồn nhiên, pha chút dí dỏm, tinh nghịch của tuổi nhỏ, Thụy Phương đã viết nên những câu chuyện hài hước, sống động về thế giới quanh mình.

Ở đó, người đọc sẽ cảm nhận được tình yêu thương mà cô bé Kẹo dành cho bố mẹ và những người mà em yêu quý như: cô Nhung, em Nai, cô giáo cũ…

Dù chỉ viết về những câu chuyện vụn vặt hàng ngày và một số kỷ niệm đáng yêu của một cô bé, cuốn sách vẫn có sức hấp dẫn riêng. Điểm sáng của tác phẩm Bố con cà khịa và những bức thư chính là giọng văn trong sáng, hồn nhiên, đầy ngây thơ của trẻ nhỏ. Khi đọc cuốn sách này, độc giả, đặc biệt là bạn đọc nhí sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình ở trong đó.

Đối với các bậc phụ huynh, việc đọc một tác phẩm thiếu nhi được viết bởi một cây bút nhỏ tuổi cũng là cơ hội để hiểu con cái mình hơn. Thế giới của con trẻ hiện lên trong trang văn của Đoàn Lữ Thụy Phương rất chân thực và tự nhiên, bởi nó được viết ra bởi một cô bé tuổi hoa.

Có nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi hay và ấn tượng được viết bởi các nhà văn dày dặn kinh nghiệm. Có điều, thế giới của trẻ em khi được nhìn qua lăng kính của người lớn sẽ bị “gọt” bớt những vụng về, ngây ngô. Chính những điều tưởng như “không hoàn hảo” ấy lại mang đến những trang văn đúng chất trẻ thơ.

Tác phẩm Bố con cà khịa và Những bức thư được viết trong những ngày cô bé Đoàn Lữ Thụy Phương học online tại nhà do dịch bệnh. Vì bố mẹ vẫn đi làm, lại không có bạn bè để chơi cùng, nên viết lách trở thành thú vui của Thụy Phương, giúp cô bé xua tan buồn tẻ khi phải ở nhà một mình.

Tác phẩm Bố con cà khịa và Những bức thư của tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Lớn lên cùng văn chương

Tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương là con gái của nhà thơ Đoàn Văn Mật và nhà thơ Lữ Mai. Từ khi con nhỏ, Thụy Phương đã thể hiện khả năng ngôn ngữ khá tốt và tình yêu với tiếng Việt. Khi chưa biết đọc, cô bé được bố mẹ đọc sách cho nghe, và nghe sách nói. Đây là nền tảng để tác giả nhí này phát triển vốn từ và khả năng kể chuyện.

Theo nhà thơ Lữ Mai, có cha mẹ hoạt động trong lĩnh vực văn chương là một lợi thế của Thụy Phương. Bố Mật và mẹ Mai không chỉ là những nhân vật thú vị trong tác phẩm của cô bé, mà họ còn là độc giả đầu tiên tác giả nhí. Bố mẹ đã cho Thụy Phương những lời góp ý để hoàn thiện tác phẩm.

Là một biên tập viên, đã làm việc với nhiều tác giả, nhà thơ Lữ Mai tôn trọng sự hồn nhiên, đôi khi có cả vụng về trong trang văn của con gái. Vợ chồng chị chỉ góp ý về việc khai thác các chi tiết trong tác phẩm, nên đi sâu khai thác những chi tiết nào, và ý nào có thể bỏ qua, còn việc chỉnh sửa tác phẩm ra sao là “quyền” của con gái. Có những lúc “bé Kẹo” không đồng ý với bố mẹ, kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình.

Ngoài viết văn, Thụy Phương rất thích vẽ, vẽ tranh cũng là một trong những đam mê của cô bé. Năng khiếu về hội họa đã cho tác giả nhí này một khả năng quan sát và liên tưởng khá độc đáo.

Văn phong của Thụy Phương khá chỉn chu, kỹ lưỡng nhưng tác giả nhí này vẫn giữ được sự hồn nhiên trong cách kể chuyện và xây dựng nhân vật. Đây cũng là điểm độc đáo của những tác phẩm văn học thiếu nhi được viết bởi các tác giả nhí.

Nguồn: Zing