cart.general.title

Ra mắt truyện tranh về công nữ Việt lấy chồng Nhật

Truyện tranh "Công nữ Anio" kể chuyện Ngọc Hoa - con chúa Sãi - yêu thương gia Araki Sotaro và sang Nhật làm dâu.

Theo lịch sử, đầu thế kỷ 17, chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) gả con gái - công nữ Ngọc Hoa - cho thương gia người Nhật Araki Sotaro. Công nữ theo chồng về sống tại Nagasaki, được người dân Nhật yêu mến, gọi với tên "Anio san".

Câu chuyện này được Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM chọn làm chất liệu cho bộ truyện tranh (manga) phát hành dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Hai tập truyện "Công nữ Anio: Nàng công chúa vượt đại dương", NXB Kim Đồng dịch và phát hành. Ảnh: Japanvietnam50

Truyện gồm hai phần, phát hành miễn phí trên Japanvietnam50 - trang web chính của dự án kỷ niệm 50 ngoại giao giữa hai nước.

Tập đầu đã ra mắt trực tuyến, kể quá trình gặp gỡ giữa Ngọc Hoa và Araki Sotaro - người chỉ huy Châu Ấn thuyền đi từ Nagasaki đến vùng đất Quảng Nam. Cảm mến cô gái hoạt bát, vui tươi, Sotaro ngỏ lời thương, mời công nữ xây dựng gia đình tại Nhật. Tập hai dự kiến có trên web ngày 7/7.

Phiên bản sách giấy sẽ phát miễn phí cho các cơ sở giáo dục của Nhật Bản và Việt Nam. Công ty Neo Story sản xuất bản tiếng Nhật, nhà xuất bản Kim Đồng dịch, ra mắt bản tiếng Việt.

Nguyên tác là vở opera Công nữ Anio - công diễn vào tháng 9, tại Hà Nội. Từ nội dung cốt lõi, họa sĩ Higashimura Akiko - từng đoạt nhiều giải manga của Nhật - sáng tác truyện.

Akiko có bề dày sáng tác với hàng loạt tác phẩm như Kuragehime (Công chúa Sứa), Tokyo Tarareba Musume (Những cô nàng Tokyo mơ mộng), Gisou fuurin (Ngoại tình trá hình). Với kinh nghiệm của mình, tác giả thể hiện thành công hình ảnh công nữ Ngọc Hoa dễ mến và thương nhân Nhật Bản cầu tiến.

Hai tập truyện nhắc lại lịch sử giao lưu văn hóa tốt đẹp giữa hai nước, cổ vũ tinh thần đoàn kết, học hỏi văn hóa lẫn nhau. Dưới hình thức manga, câu chuyện trở nên dễ hiểu, với hình minh họa sống động.

Ngày nay, công nữ Ngọc Hoa - Anio san là một biểu tượng của tinh thần hữu nghị, ngoại giao. Nagaski có một đền thờ dành cho Anio san, còn bảo tàng lịch sử và văn hóa của tỉnh vẫn lưu giữ chiếc gương hồi môn của cô. Lễ rước kiệu đón Anio thường được tái hiện trong phân cảnh Châu Ấn thuyền, tổ chức bảy năm một lần tại lễ hội Okunchi.

Nguồn: VnExpress