cart.general.title

Thụy Anh - Trở về ‘Cõi tuổi thơ’

Tôi đã nhận ra rằng, ở Thụy Anh nhà giáo và nhà thơ là một. Hành trình trở về “Cõi tuổi thơ” của Thụy Anh cũng là sự đồng nhất hiện thực và lãng mạn. Càng say mê làm việc với trẻ em thì thơ thiếu nhi của Thụy Anh lại càng hoạt bát sinh động và sâu sắc hơn.

Nguyễn Thụy Anh với các em nhỏ ở Trại hè Ecocamp.

Năm 2010 tôi đọc trên internet có một dòng tin đại ý: “Chị Nguyễn Thụy Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quốc gia Moskva. Tiến sĩ ngành giáo dục học sẽ thành lập CLB Đọc sách cùng con - một tổ chức hỗ trợ văn hóa đọc gia đình, cung cấp phương pháp tiếp cận con trẻ cho các bố mẹ và hỗ trợ rèn luyện cho các em nhỏ kỹ năng đọc, tự học và các kỹ năng xã hội khác”. Đọc thông tin này, trong người tôi như có một luồng điện mạnh.

Từ khi là sinh viên sư phạm cho đến lúc trở thành tác giả sách thiếu nhi, biên tập viên NXB Kim Đồng tôi vẫn ôm ấp ước mơ về giáo dục văn hóa đọc và tự học cho trẻ em. Nay gặp được một người được đào tạo ở Nga trở về Việt Nam thành lập một tổ chức có mục đích đó, tôi hào hứng muốn được làm quen. Thấy có địa chỉ email của CLB Đọc sách cùng con, tôi đánh liều viết thư gửi Nguyễn Thụy Anh mong được gặp gỡ để tham gia sinh hoạt CLB. Khi nhận được thư hồi âm của Nguyễn Thụy Anh, tôi vui lắm. Thế là từ đó tôi đến với CLB Đọc sách cùng con.

Thuở ban đầu các buổi đọc sách của CLB Đọc sách cùng con được tổ chức ở nhiều địa điểm: Phòng đọc của Thư viện Hà Nội; Cà phê Thứ bảy (3A Ngô Quyền); Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga: Viện Goethe Hà Nội... Dù ở đâu, các buổi đọc sách do Nguyễn Thụy Anh đạo diễn đều mang phong cách mới mẻ hiện đại, có tiếng nhạc violin, có tiếng đọc thanh thoát, truyền cảm chân thực gần gũi của chính chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con...

Khi nghe Thụy Anh đọc văn, thơ tôi cảm thấy chất sư phạm và văn học đã hòa làm một. Đặc biệt Thụy Anh luôn lắng nghe từng câu trả lời của các em nhỏ, dù có câu tưởng như là vu vơ thế mà cô giáo có học vị tiến sĩ ấy đã nâng niu từng lời của trẻ nhỏ như ngọc quý. Thật là may mắn! Tôi đã tìm được một người bạn tương hợp đồng tâm, đồng chí.

Thế rồi CLB Đọc sách cùng con có trụ sở chính tại phòng 104-K7 Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đó chính là căn nhà thời thơ ấu của Nguyễn Thụy Anh. Căn hộ tập thể cũ này đã được mẹ của Thụy Anh dành cho con gái làm nơi khởi nghiệp - một sự nghiệp giáo dục có tính đặc thù cao: Hỗ trợ văn hóa đọc gia đình, rèn luyện cho các em nhỏ kỹ năng đọc, tự học và các kỹ năng xã hội khác. Căn hộ tập thể bé nhỏ đó đã được sửa sang lại khang trang đầm ấm để đón chờ các em nhỏ bước vào CLB Đọc sách cùng con.

Lúc ấy ai có thể dự đoán được CLB nhỏ bé ở một khu tập thể Bách Khoa xưa ấy đã tồn tại và phát triển đến nay. 13 năm hoạt động với bao buổi đọc sách, bao sự kiện đã được tổ chức theo một phong cách giáo dục hiện đại, thân ái với phụ huynh và học sinh. Phong cách giáo dục Nguyễn Thụy Anh còn được thể hiện trong việc tổ chức trại hè Ecocamp từ năm 2013.

Tính đến nay đã 10 mùa hè, trại hè Ecocamp thu hút hàng nghìn trẻ em vui chơi và học tập tại một khu nghỉ dưỡng bên bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng). Các em trại viên đã được hưởng thụ một chương trình hoạt động, rèn luyện kỹ năng và nhận thức tự nhiên xã hội có tính sư phạm cao. Tôi tin rằng những ngày ở trại hè Ecocamp sẽ là những kỷ niệm đẹp mãi trong ký ức tuổi thơ của hàng nghìn em nhỏ.

Phong cách giáo dục Nguyễn Thụy Anh còn lan tỏa ở những trại hè tiếng Việt được tổ chức tại châu Âu dành cho các em người Việt đang sống ở nước ngoài. Gần đây nhất là chuyến đi châu Âu của đoàn các cô giáo CLB Đọc sách cùng con đi phổ biến cuốn sách “Chào tiếng Việt” của TS Nguyễn Thụy Anh  (NXB Giáo dục Việt Nam, 2022) đã được bạn bè đón mừng thân mật.

Cũng vào thời điểm năm 2013, tôi được Thụy Anh tặng cuốn sách “Gió trắng” (NXB Trẻ, 2012). Đó là tập truyện ngắn của Thụy Anh, viết về những cuộc sống của những người Việt xa xứ. Thụy Anh đã có 17 năm học tập và sinh sống tại Liên bang Nga. Đọc tập truyện ngắn ấy, tôi mới hiểu Thụy Anh đã có trải nghiệm sâu sắc về đời sống mưu sinh vất vả của người Việt ở nước ngoài.

Những tâm trạng, những suy nghĩ, những cảnh ngộ đau thương và khổ ải được Thụy Anh viết nên những truyện ngắn đặc sắc như truyện “Cây cải Taskent”. Ấy thế mà từ phương trời “Gió trắng”, Thụy Anh đã quyết tâm trở về Việt Nam. Trở về không phải để “làm ăn lớn” thành đại gia như các tỷ phú tên tuổi lẫy lừng... Thụy Anh trở về với “Cõi tuổi thơ” của chính mình: Căn hộ phòng 104 - K7 Bách Khoa. Trở về với “Cõi tuổi thơ” ấy để  mà xây dựng nên một giấc mơ mới có tên: CLB Đọc sách cùng con.

Điều gì đã khiến cho Thụy Anh không bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền? Câu trả lời tôi cũng đã tìm thấy chính trong tập truyện ngắn “Gió trắng”. Trong cuốn sách đó có một truyện ngắn mà tôi thích nhất là truyện “Cái chuông”. Câu chuyện kể của một cô sinh viên (hiện thân của tác giả). Trong cuộc đi thăm Khu lưu niệm đại văn hào Lev Tolstoy, cô đã gặp một em bé câm. Tay em cầm cái chuông bằng đất. Em bé câm đã rung chuông để thay tiếng chào. Ông của em bé là người bán đồ lưu niệm bắng đất nặn có nhiều loại phong phú. Tuy vậy em bé câm chỉ nặn chuông đất thôi. Thế rồi cô sinh viên được em bé câm tặng một cái chuông đất. Cô nhớ đến ông anh ở Việt Nam, một doanh nhân chuyên buôn phụ tùng ô tô, nhưng lại mê chuông. Nhà anh có một căn phòng trưng bày các loại chuông thu thập từ mọi nơi trên thế giới.

Trong một dịp về Việt Nam, cô sinh viên mang cái chuông đất để tặng ông anh. Cô hy vọng anh sẽ rất thích sự độc đáo của cái chuông đất. Nhưng trên đường về chiếc chuông đã bị vỡ. Cô gái đã hàn gắn lại để mang chuông đến tặng anh bằng tất cả tình cảm của mình.

Tuy vậy cô đã bị anh từ chối và chê bai vì cái chuông đất đã vỡ. Tác giả Thụy Anh đã viết: “Lấy lại cái chuông từ tay anh tôi, tôi lắc nó. Cứ ngỡ nó không kêu nữa. Ai ngờ, cái tiếng lanh lảnh hôm nọ vẫn cất lên. Nó có khác đi đôi chút, nhưng nó vẫn kêu và bay vút lên, đưa tâm hồn đang nặng trĩu của tôi thoát ra đâu đó, một nơi có nắng, có hoa vàng hoa trắng và có những niềm vui kỳ lạ. Trên giá, trên kệ và trên tủ kính chung quanh tôi, những cái chuông to đẹp vẫn nằm im, trầm ngâm tự tại. Những cái chuông câm”.

Đọc đoạn văn này tôi đã hiểu Thụy Anh, người hướng đời mình đến với cái đẹp lãng mạn và đích thực. Người không để mình mê đắm những gì có vẻ như giá trị cao mà thực ra là giả tạo. Cuộc trở về “Cõi tuổi thơ” của Thụy Anh sáng lập và phát triển hoạt động của CLB Đọc sách cùng con trong suốt 13 năm qua là một hành trình không hoàn toàn vui vẻ và ngọt ngào như nhảy múa và ăn kẹo socola. Đó là một hành trình đầy thách thức trí tuệ, nghị lực và cả tình thương yêu con người của Nguyễn Thụy Anh.

Từ năm 2010 tới nay, khoảng thời gian sung sức nhất của đời người phụ nữ, Thụy Anh đã dành tất cả cho hoạt động của CLB Đọc sách cùng con. Những hoạt động của CLB đặc biệt này đã gắn bó và góp phần cho sự phát triển của văn hóa đọc nói chung trong đó có văn học thiếu nhi Việt Nam.

Cuộc trở về “Cõi tuổi thơ” của nhà giáo dục có tâm hồn thi nhân như Thụy Anh không chỉ hiện hữu sôi nổi bên ngoài bằng hoạt động của CLB Đọc sách cùng con. Có một cuộc biến chuyển khác ở bên trong tâm hồn Thụy Anh. Được cầm trên tay cuốn sách “Phù thủy sợ ma”, tập thơ thiếu nhi của Thụy Anh do NXB Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc vào tháng 12/2022, tôi biết rằng Thụy Anh đã bén duyên với thơ thiếu nhi.

Hành trình đến với thơ của Thụy Anh cũng không hề bằng phẳng. Thụy Anh là tác giả cuốn sách “Olga Berggoltz của tôi” đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Thụy Anh đã dành nhiều năm tháng dịch thơ Nga và bản thân cũng làm nhiều bài thơ trữ tình diễn tả nội tâm phong phú của mình với bạn đọc người lớn từng trải. Thế mà cuộc trở về “Cõi tuổi thơ” đã khiến Thụy Anh trở lại với cảm xúc thơ ngây.

Tập thơ "Phù thủy sợ ma" của Nguyễn Thụy Anh vừa được NXB Kim Đồng ấn hành, 2023.

Tình yêu trẻ em khiến Thụy Anh dành thơ của mình cho tuổi thơ. Năm 2014 Thụy Anh cho ra mắt bạn đọc bộ sách thơ thiếu nhi gồm: “Nhim nhỉm nhìm nhim”; “Ngày xưa, ngày nay, ngày sau”; “Mẹ hổ dịu dàng”; “Vui cùng tiếng Việt”  do NXB Trẻ xuất bản lần đầu năm 2014, sách được tái bản nhiều lần, gần đây nhất là năm 2022. Bộ sách thơ thiếu nhi đầu tiên của Thụy Anh đã được ghi nhận: Giải Đồng “Giải thưởng Sách Việt Nam” của Hội Xuất bản năm 2017. Thơ thiếu nhi của Thụy Anh mang một vẻ duyên riêng như bài thơ của hai chú hổ con đợi mẹ về có bốn câu kết thúc:

“Tiếng gầm dữ dội

Phía núi xa xôi

“Mẹ mình gọi đấy

Dịu dàng quá thôi!!!”

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã gọi nét độc đáo đó là “Bất ngờ kiểu Thụy Anh” (Bài giới thiệu tập thơ “Phù thủy sợ ma”). Thơ thiếu nhi của Nguyễn Thụy Anh vui tươi hóm hỉnh như chính tính cách của tác giả. Hơn thế nữa thơ thiếu nhi của Thụy Anh không  đơn giản dễ dãi. Câu chữ giản dị thôi mà ý nghĩa sâu lắng âm vang. Bài thơ “Lời chúc” nói về những lời chúc mà “Năm nào cũng viết, lời chúc cũ hết, đọc có chán không?” đã có lời kết :

“Đường xa vạn dặm

Thương nhau bằng gì?

Thương bằng kỷ niệm

Mỗi mùa xuân đi…”

Giờ đây CLB Đọc sách cùng con đã trở thành một cái tên quen thuộc với rất nhiều gia đình không chỉ trong nước Việt Nam và cả ở nước ngoài. Những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thụy Anh cũng đã được nhiều em nhỏ ngân nga đọc, trong đó có cả những em nhỏ đang bập bẹ tập nói tiếng Việt. Tôi tin rằng Nguyễn Thụy Anh sẽ còn đem lại cho văn hóa giáo dục Việt Nam những thành tựu có ý nghĩa hơn nữa.

Nguồn: Đại Đoàn Kết