cart.general.title

Văn hóa đọc: 'Cậu bé Sài Gòn' - một Lục Vân Tiên tuổi thiếu niên

Cuốn sách Cậu bé Sài Gòn của nhà văn Đài Loan (Trung Quốc) Trương Hữu Ngư đã được Phạm Thanh Vân chuyển ngữ, NXB Kim Đồng ấn hành từ năm 2020. Cuốn sách đã đoạt được rất nhiều giải thưởng ở xứ Đài và được đưa vào chương trình khuyến đọc của vùng lãnh thổ này. Tâm đắc với cuốn sách, và với góc nhìn đặc biệt, nhà văn Trần Quốc Toàn đã có bài viết dành cho Thể thao và Văn hóa nhân mùa sách Hè này.

1. Ở chương cao trào của Cậu bé Sài Gòn của Trương Hưu Ngư, câu chuyện diễn ra bên TP Cao Hùng, người mẹ chồng xứ Đài đòi lột truồng cô con dâu Việt Nam trước sự chứng kiến của số đông xóm giềng để tìm hai sợi dây chuyền vàng bị mất! Trước đó chính bà ta tát trái con dâu trước mặt đứa cháu trai nối dõi tông đường, cô con dâu sinh cho bà! Những tính huống giàu kịch tính ấy tạo đà văn để nhân vật chính, cậu bé Thiếu Khoan ứng xử như một hiệp sĩ.

Thiếu Khoan như lính cứu hỏa dập tắt "đám cháy" lõa thể kia bằng cách nhận tội ăn cắp dù mình không làm: "Em giận dữ, mặt nóng lên hét lớn: "Là con lấy đấy. Con đem bán rồi, tiền cũng tiêu hết rồi […] Sau này kiếm được tiền, con sẽ mua mười sợi dây chuyền đền cho bà" (tr.100).

Thiếu Khoan chịu nhục, chịu ăn đòn, để giữ tiếng thơm cho mẹ mình. Kiểu hành hiệp nóng vội, tự phát của Thiếu Khoan đưa nhận vật này tới một thử thách khác. Thiếu Khoan buồn bực bỏ nhà đi chơi game ngoài tiệm cà phê, sắp lạc lối trong đời sống ảo, khiến người điềm tĩnh như ba em cũng nổi đóa "gầm lên" và dạy con bằng một trận đòn: "Ba chống nạng bằng tay trái, còn tay phải đánh em…".

Thiếu Khoan đứng chịu trận vì nghĩ: "Em chỉ cần lùi lại phía sau một bước hoặc đẩy nhẹ một cái là ba có thể ngã sóng soài, vì một cái nạng của ba không đỡ nổi cả nửa thân trên vạm vỡ, nhưng em không làm thế" (tr.111).

Không chỉ là đứa con ngoan khoanh tay chịu đòn, Thiếu Khoan còn là người có học, biết ứng xử đẹp, biết nghĩa hiệp với người khuyết tật.

Cuốn “Cậu bé Sài Gòn” của Zhang You Yu (Trương Hữu Ngư)

2. Người cha Đài Loan tên Tân của cặp song sinh Thiếu Khoan - Thiếu Nam lại nghĩa hiệp một kiểu khác, nói ít làm nhiều!

Ông có khuyết tật ở đôi chân vì bị bại liệt từ nhỏ nhưng là thợ đồng hồ lành nghề. Người cha Đài Loan ấy nhờ tay nghề thâm hậu, mà như đã làm chủ được thời gian! Ngay khi muốn nói những lời đầu tiên với hai đứa con sinh đôi của mình, ông cũng giao việc ấy cho thời gian, ông để dòng sức mạnh vô hình kia lên tiếng bằng thứ "bản ngữ" của nó, thứ ngôn ngữ không cần phiên dịch, một ngôn ngữ chung cho loài người, ông "… lấy ra hai chiếc đồng hồ đeo tay. Giơ tới sát gần tai em và Thiếu Nam. Em nghe thấy những tiếng kêu tích tắc tích tắc" (tr.15).

Người cha ấy có một kho thời gian như thế, vì ông, hành nghề như hành hiệp. Thiếu Khoan từng chứng kiến "Có lần ba nhặt từ dưới đất lên một chiếc đồng đồng hồ đã bị dẫm bẹp, vừa lau bụi vừa nói: Có thể sửa được, có thể sửa được. Trong ngăn kéo bàn của ba đầy ắp những chiếc đồng hồ đã sửa xong. Cả nhà đều không biết ba em tích trữ những chiếc đồng hồ đó làm gì?" (tr.141).

Một dấu chấm hỏi thật khéo trong việc dẫn dắt cốt truyện! Nó vừa tạo dịp để chính Thiếu Khoan trả lời tức thì, thêm màu cổ tích vào một tác phẩm dành cho thiếu nhi: "Em nghĩ hẳn là ba rất muốn thu nhỏ lại để có thể chui vừa vào trong ngăn kéo. Mỗi ngày trong đó đều có mấy chục chiếc đồng hồ đeo tay kêu tích tắc tích tắc mê hoặc ba". Câu hỏi ấy cũng là cách phục bút để, hỏi từ trang 141 này, nhưng tới trang 157 bạn đọc mới được nghe câu trả lời, qua lời kể của mẹ Thiếu Khoan, khi "Đội vệ sĩ nhà má  đẻ" muốn quyên góp đề có quỹ hoạt động, bảo vệ các cô dâu người nước ngoài, thì: "Chồng tôi đưa cho tôi cái túi bằng giấy nặng trĩu tay. "Em mang đi bán gây quỹ" - anh Tân nói. Tôi mở túi ra xem, là bảy mươi chiếc đồng hồ hỏng trong ngăn kéo mà anh Tân đã sửa cho chạy tốt".

Và tới trang 184, bạn đọc biết thêm, túi quà thiện nguyện của cha Thiếu Khoan bán được những  7.000 tệ, biết thêm chính Thiếu Khoan rủ ba, cùng ba hướng việc nghĩa hiệp tới thời sự toàn cầu "…bỏ ra chút tiền mua những chiếc đồng hồ cũ sửa lại rồi đem bán, vừa có thể bảo vệ môi trường, lại kiếm được tiền" (tr184).

Một người thợ sống lặng lẽ trong một góc phố nhỏ vậy mà có người biết tiếng, từ Đức mang đồng hồ Thụy Sĩ tới Đài Loan nhờ ông sửa chữa, để được đưa cái đồng hồ mới sống lại, ắp vào tai mình, nghe lại "... tiếng của ông nội tôi trong kí ức" (tr.167).

Là người thợ nhưng ba Thiếu Khoan cũng là nhà thơ của em khi ông có lời nói đẹp: "Nếu ví máu của người Đài Loan có màu xanh da trời, máu của người Việt Nam có màu vàng thì khi con đi xét nghiệm máu, con sẽ phát hiện ra máu của mình có màu xanh lá cây" (tr.90).

Thông điệp tích cực nhất, của cuốn sách, nữ tác giả Trương Hữu Ngư đã để đưa con Thiếu Khoan nói lên ngay từ dòng đầu tiên, của câu chuyện: "Em là người trái đất" (chứ không của riêng quốc gia nào), tới đây với màu máu xanh có tính ẩn dụ, người cha nói với con, thì nhân vật hiện thực mẹ Việt, cha Đài, 10 tuổi, học lớp 5 tên là Thiếu Khoan, lại như có sức vóc và nội lực của một huyền thoại!

3. Có thể ví bà mẹ Việt Nam của bé Thiếu Khoan là người sinh ra câu chuyện này bằng đức hi sinh của mình vì chuyện bắt đầu khi bà chấp nhận dấn thân xa quê, làm nàng dâu xứ Đài Loan để "nhà mình sẽ có ruộng và mọi người sẽ sống trong ngôi nhà khang trang" (tr.5). Nhân vật này có đủ học vấn để tự lí sự, giữa cho mình lẽ phải, để dạy con nói và viết tiếng Việt! Bà phản ứng khi bị coi là một món hàng, chứ không phải một cô dâu cùng những sính lễ: "Khi còn ở Việt Nam tôi là người kiếm tiền chính trong gia đình, sau khi lấy chồng Đài Loan, gia đình tôi thiếu mất một chỗ dựa. Ngược lại gia đình Đài Loan lại có thêm một người làm việc nhà. Chẳng lẽ họ không cần trả cho gia đình tôi ở Việt Nam một phí bồi thường sao? Tôi nói có gì sai không? Sai ở chỗ nào?" (tr.37).

Bà tự tin giữa nhiều khó khăn và phiền muộn: "Nếu nội tâm của tôi vững vàng như một tòa thành, thì dù người ta công kích thế nào cũng không thể khiến tôi sụp đổ được" (tr.60).

Bằng sự tự tin cùng với tình yêu "điềm tĩnh" và "trầm lặng" mà người chồng dành cho mình, nàng dâu ấy, người mẹ hai con ấy, nhẫn nhịn chịu đựng tới ngày người mẹ chồng khó tính tìm ra hai sợi dây chuyền vàng chính bà giấu đi, rồi quên chỗ giấu (như đã kể ngay đầu bài viết này)! Bà mẹ Đài Loan đã "tâm phục" tặng con dâu xấp vải đẹp cùng tiền công may để cô may và diện, áo dài Việt Nam.

4. Cậu bé Sài Gòn có tới 2 nhân vật người kể chuyện ở đại từ ngôi thứ nhất, đấy là Thiếu Khoan xưng "em" và mẹ của Thiếu Khoan, xưng "tôi". Lối kể 2 giọng này khiến tác phẩm hợp với nhiều lứa tuổi độc giả cho dù ngoài bìa sách xác định đây là tác phẩm dành cho tuổi 10+ . Hai giọng kể như một đối ca kết nối các tình tiết, diễn biến khiến tác phẩm như một hợp xướng ngợi ca lối sống nghĩa hiệp.

Ngợi ca Phúc thợ giầy "ục ịch và lùn tịt", nhưng kiên trì luyện đường kim, để không những có thể "sửa giầy miễn phí suốt đời" cho Thiếu Khoan bạn mình mà còn có thể kiên trì giấc mơ thiết kế "đôi giầy đa năng" cho người Trái đất dùng nó "nhảy qua sông". Giấc mơ nghĩa hiệp chưa thực hiện được nhưng tinh thần nghĩa hiệp ấy đã giúp em trở thành nhân vật chính của cuốn sách "Thiếu hiệp sửa giầy" mà tác giả là ông chủ tiệm sách cũ tên Kính Đen, bác hàng xóm độc thân của Thiếu Khoan, một "Đại hiệp cô độc" (tr.158) người đã mở khung cửa văn học nối dài giấc mơ cho những nhân vật thiếu nhi của cuốn sách.

Câu chuyện của Thiếu Khoan - Thiếu Nam, bên mẹ Việt, cha Đài, của hai em, cùng những người hàng xóm… chính là ca từ của bản hợp xướng truyền đi cảm hứng, hãy  sống nghĩa hiệp để kết nối con người vào một quê hương chung tên là Trái đất.

"Chú cảnh sát xoa đầu em, cảm ơn em đã giúp họ. Chú còn khen em nói tiếng Việt rất lưu loát. Em vui sướng như thể giữa bao nhiêu đứa trẻ mang hai dòng máu Đài - Việt chỉ mình em biết tiếng Việt. Về nhà em kể lại chuyện này với mọi người. Má em vui như trúng xổ số, má liếc trộm bà nội. Bà nội cười nửa miệng thủng thẳng phán: "Con phải nói tiếng Mân thạo như tiếng Việt mới là giỏi" (Trích "Cậu bé Sài Gòn, tr.163)

Nguồn: TTVH