cart.general.title

Sách văn học Việt: Muôn nẻo đường "xuất ngoại"

Những năm gần đây, sự phát triển của Internet đã làm mờ đi khoảng cách biên giới và rào cản ngôn ngữ giữa các quốc gia. Ngày càng có nhiều tác phẩm văn học của thế giới được giới thiệu ở Việt Nam chỉ sau một vài tháng được xuất bản tại chính quốc và cũng có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đương đại được giới thiệu với các nước bạn trên thế giới...

1. Cuối tháng 10 vừa qua, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã có mặt tại Hàn Quốc để tham gia họp báo ra mắt tiểu thuyết "Mình và Họ" của ông với phiên bản tiếng Hàn do NXB Asia ấn hành. Tiểu thuyết "Mình và Họ" do dịch giả Ha Jae-hong - người đã làm luận văn Tiến sĩ chuyên ngành về Văn học Việt Nam - chuyển ngữ. Tiến sĩ Ha Jae-hong cũng chính là dịch giả đã chuyển ngữ một số tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu sang tiếng Hàn như: "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, "Chí Phèo" của Nam Cao.

Theo chia sẻ của dịch giả - Tiến sĩ Ha Jae-hong với truyền thông, chính tác giả của "Nỗi buồn chiến tranh" là người đã giới thiệu cho ông tác phẩm "Mình và Họ" của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Năm 2015, tiểu thuyết "Mình và Họ" được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất với đánh giá cao khi Nguyễn Bình Phương "tiếp tục khai triển lối viết phức tạp, đa tuyến, đa chiều của anh, vừa đẩy nghệ thuật viết tiểu thuyết mang đặc hiệu của tác giả lên một mức độ cao"…

Nhà văn Nguyễn Bình Phương (hàng đầu, ngồi giữa) tại buổi họp báo ra mắt tiểu thuyết "Mình và Họ" phiên bản tiếng Hàn.

Vậy là đến nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã có 3 tiểu thuyết được xuất bản ở nước ngoài. Trước đó, hai tiểu thuyết khác của ông cũng đã được dịch, giới thiệu ở Pháp gồm: "Thoạt kỳ thuỷ" (NXB Riveneuve) xuất bản năm 2014 và "Trí nhớ suy tàn" (NXB Riveneuve) xuất bản năm 2019.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, tại buổi ra mắt tiểu thuyết "Mình và Họ", dịch giả - Tiến sĩ Ha Jae-hong nhấn mạnh rằng: "Giao lưu văn học và tác phẩm văn học là điều vô cùng quan trọng. Ca nhạc hay phim ảnh là văn hóa nghe nhìn nên rất khó có thể hiểu sâu về nội dung hàm chứa bên trong, nhưng văn học thì khác. Văn học phản ánh hiện thực của cuộc sống xã hội. Thông qua văn học và những tác phẩm cụ thể như "Mình và Họ", người Hàn Quốc có thể hiểu sâu sắc, chính xác về văn hóa, đặc tính của dân tộc Việt Nam...".

Có thể nói, do có những đặc điểm tương đồng về lịch sử - văn hóa, nên đến nay đã có khá nhiều tác giả - tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam được giới thiệu tại Hàn Quốc. Ngoài những tên tuổi lớn được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Tô Hoài, Nam Cao… là những nhà văn đương đại như Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Mai Văn Phấn, Lê Minh Khuê, Nguyễn Nhật Ánh, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy... Trong đó, "Nỗi buồn chiến tranh" là một tác phẩm gây được tiếng vang lớn tại Hàn Quốc khi năm 2018, nhà văn Bảo Ninh vinh dự được trao "Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc" trong khuôn khổ "Liên hoan Văn học châu Á lần thứ 2" được tổ chức ở Gwangju, Hàn Quốc.

Trước đó, 2 tác phẩm văn học Việt Nam cũng về đề tài chiến tranh là "Áo trắng" của Nguyễn Văn Bổng và "Nếu anh còn được sống" của Văn Lê đã được độc giả Hàn Quốc biết đến từ khá sớm. Vào đầu năm 2022, tiểu thuyết "Chúa đất" của nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng đã được giới thiệu tại Hàn Quốc qua bản dịch của Giáo sư Ahn Kyong-hwan. Việc dịch, xuất bản tiểu thuyết "Chúa đất" của tác giả Đỗ Bích Thúy do tổ chức "Hanse Yes 24 Foundation" tài trợ và được "Hanse Yes 24 Foundation" chuyển tới các thư viện khắp Hàn Quốc.

2.Hội sách Quốc tế Frankfurt lần thứ 75 diễn ra vào trung tuần tháng 10 vừa qua tại thành phố Frankfurt (Đức) đã thu hút trên 4.000 đơn vị xuất bản của gần 100 quốc gia tham gia. Tại hội sách có quy mô lớn nhất thế giới này, có hàng trăm sự kiện, chương trình giao lưu, gặp gỡ tác giả, hội thảo về sách và xuất bản được tổ chức trực tiếp và trên các nền tảng số. Tham gia sự kiện này, Việt Nam có một số đơn vị xuất bản tham gia như: Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty Đại Trường Phát.

Để chuẩn bị cho sự có mặt tại Hội sách Quốc tế Frankfurt, trước đó vài tháng, NXB Trẻ đã ấn hành 2 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bằng tiếng Anh để giới thiệu đến bạn đọc cũng như các đồng nghiệp của thế giới đó là "Chúc một ngày tốt lành" (Have a good day) và "Ngồi khóc trên cây" (Crying in trees) do Nhã Thuyên và Kaitlin Rees chuyển ngữ. Hai tác phẩm xuất bản bằng tiếng Anh mới này đã làm phong phú hơn danh mục các tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh cũng như được bán bản quyền cho đối tác ở các nước trên thế giới của các nhà văn nổi tiếng Việt Nam như Nguyễn Nhật Ánh, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy... mang thương hiệu NXB Trẻ.

Trước đó, vào năm 2018, NXB Trẻ đã tổ chức dịch, in ấn và phát hành một tác phẩm nổi tiếng khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sang tiếng Anh đó là "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (I see yellow flowers in the green grass) cũng do Nhã Thuyên và  Kaitlin Rees chuyển ngữ. Sau đó, vào năm 2020, tác phẩm đã được NXB Hannacroix Creek Books mua tác quyền để xuất bản, phát hành tại Mỹ và hiện tác phẩm này đang được bán trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Có lẽ đến nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn là tác giả Việt có nhiều tác phẩm được mua bản quyền, xuất bản ở nhiều nước trên thế giới bậc nhất Việt Nam với các tác phẩm như: "Mắt biếc" (tiếng Nhật Bản, 2004), "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" (tiếng Thái Lan, 2011; tiếng Hàn Quốc, 2013; tiếng Anh, 2014; tiếng Nhật Bản, 2020), "Cô gái đến từ hôm qua" (được chọn đưa vào chương trình dạy tiếng Việt của Đại học Moskva M.V. Lomonosov, 2012), "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (tiếng Nhật Bản, 2017; tiếng Anh, 2018), "Đi qua hoa cúc" (tiếng Nhật Bản, 2020), "Tôi là Bêtô" (tiếng Hàn Quốc, 2021).

Cán bộ NXB Kim Đồng làm việc với đối tác ở hội sách Frankfurt (Đức) tháng 10/2023

Có thể thấy, việc NXB Trẻ đi tiên phong trong việc tự tổ chức dịch thuật và giới thiệu tác phẩm của mình sang những ngôn ngữ khác để giới thiệu đến bạn đọc thế giới và các đối tác xuất bản đã đem đến cho chính họ những cơ hội hợp tác mới cũng như quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Cũng với quan điểm này, tham gia hội sách Frankfurt năm nay (cũng là năm thứ 2 NXB Kim Đồng tham gia), đơn vị này cũng đã giới thiệu gần 60 tựa sách thuộc nhiều thể loại: sách tranh đương đại, tranh truyện dân gian Việt Nam, sách văn học… tới các đối tác và độc giả quốc tế.

Có một tin vui đó là, tại Hội sách, Đại diện của Tổ chức Thư viện Thanh niên Quốc tế (International Youth Library) ở Munich (Đức) đã đến thông báo trực tiếp tại gian hàng của NXB Kim Đồng về việc tác phẩm "Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương" vinh dự có tên trong danh mục tác phẩm đáng chú ý nhất năm 2023 dành cho thanh thiếu nhi. Đây cũng là cuốn sách duy nhất của Việt Nam được lựa chọn năm nay, trở thành 1 trong 200 tác phẩm xuất sắc nhất vượt qua 5.000 tác phẩm được đề cử từ 57 quốc gia trên thế giới với 37 ngôn ngữ khác nhau.

Trước đây, ấn phẩm "Lĩnh Nam chích quái" và "Cái Tết của mèo con" của NXB Kim Đồng cũng từng có tên trong danh mục uy tín này. Đại diện đoàn công tác của NXB Kim Đồng cho biết, một số tựa sách khác cũng được quan tâm và có đề nghị mua bản quyền và được quan tâm như "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng, "Lược sử nước Việt bằng tranh" (nhóm tác giả) hay tập "Chang hoang dã - Gấu" và "Chang hoang dã - Voi" của Trang Nguyễn và Jeet Zdũng...

Đây thực sự là những tín hiệu vui không chỉ riêng với NXB Kim Đồng mà còn cho thấy xu hướng hợp tác, tìm kiếm cơ hội quốc tế là tất yếu của sự phát triển. Việc quảng bá sách - xuất bản phẩm nói chung và văn học Việt Nam nói riêng ở nước ngoài đang được nhiều đơn vị xuất bản chú trọng hơn sẽ đem đến cho các nhà văn cơ hội được giới thiệu tác phẩm của mình ra thế giới khi nó là những tác phẩm xuất sắc.

Nguồn: CAND