cart.general.title

Thụy Oanh Bố mẹ ơi, cách tốt nhất là dạy con bảo vệ chính mình

Tự bảo vệ bản thân khỏi các tình huống nguy hiểm là kỹ năng sống quan trọng mà các bậc cha mẹ cần trang bị cho con. Để khi chúng ta không ở bên cạnh, vẫn có thể an tâm về trẻ.

Đời sống phức tạp của xã hội hiện đại luôn ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm. Trong khi đó cha mẹ lại không thể ở bên con cả ngày. Dạy bé các kỹ năng để tự bảo vệ bản thân là cách hiệu quả nhất để trẻ được an toàn. Cẩm nang Phòng tránh xâm hại trẻ em -15 bí kíp giúp tớ an toàn của tác giả Nguyễn Hương Linh, sẽ là cuốn sách bổ ích giúp các bé yêu tự tin trở thành “vệ sĩ” của chính mình.

Cuốn sách được chia làm ba phần tương ứng với ba chủ đề khác nhau như: an toàn ở bất kỳ nơi nào, an toàn khi ở nơi công cộng, an toàn khi ở nhà một mình, an toàn khi ở trường học. Ở mỗi chủ đề, tác giả sẽ đưa ra các tình huống cụ thể, để bé có thể nhận diện được sự nguy hiểm đang rình rập, từ đó linh hoạt ứng biến để bảo vệ chính mình.


Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em của Nguyễn Hương Linh.

Trong thời gian gần đây, nạn xâm hại trẻ em, nạn ấu dâm đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nhiều bậc phụ huynh luôn canh cánh nỗi lo con yêu của mình sẽ là “miếng mồi ngon” để những kẻ xấu thực hiện hành vi đồi bại. Muốn bảo vệ bé yêu trong tình huống này, cách tốt nhất là phải nói chuyện thẳng thắn để con hiểu được, chính bé là “chủ của cơ thể mình”.

Trừ cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bác sĩ trong các trường hợp cần thiết khi đang chăm sóc hay khám bệnh cho bé, mới có quyền chạm vào các “vùng riêng tư” như miệng hay “vùng đồ bơi”. Bé có thể từ chối bất kì hành động đụng chạm của người khác vào cơ thể khiến bé cảm thấy khó chịu, đặc biệt trong “vùng đồ bơi” . Dù cho đó là người mà bé quen biết như họ hàng, hàng xóm hay bạn bè của bố mẹ.

Con có quyền nói “Không” một cách thẳng thắn và rõ ràng với tất cả các hành động đụng chạm vào cơ thể mà con không thích. Bởi con chính là chủ của cơ thể mình và con là người có quyền cao nhất với chính cơ thể của con. Đây là điều quan trọng mà các bậc phụ huynh phải dạy cho trẻ.

Đặc biệt, khi dạy con các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, cha mẹ không nên xây dựng những hình tượng như ông ba bị xấu xí hay bắt cóc trẻ con. Bởi như thế bé sẽ bị lầm tưởng rằng người xấu thường là những người ăn mặc lôi thôi và là đàn ông. Hãy nói với bé rằng không thể phân biệt người tốt, người xấu qua hình dáng. Chúng ta chỉ có thể phân biệt “Tốt” hay “Xấu” qua hành động, kẻ xấu là người thực hiện các hành vi xấu, gây nguy hiểm cho người khác.


Hình minh họa ngộ nghĩnh, dễ thương trong cuốn sách.

Trong cuốn cẩm nang này, tác giả cũng khuyên các bậc phụ huynh nên dạy trẻ các khái niệm về không gian an toàn của bản thân, không cho người lạ mặt xâm phạm các không gian đó. Ví dụ như khi bố mẹ vắng nhà, nếu có người tự nhận là nhân viên bưu điện đến giao hàng, bé không được tự ý mở cửa, phải gọi điện cho cha mẹ cũng như không được tiết lộ với người lạ là bé đang ở nhà một mình.

Hy vọng Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em - 15 bí kíp giúp tớ an toàn của tác giả Nguyễn Hương Linh sẽ là cuốn giáo trình bổ ích để cha mẹ dạy con trẻ cách tự bảo vệ chính mình. Ngoài văn phong gần gũi và các hình ảnh minh họa dí dỏm, hồn nhiên phù hợp với trẻ nhỏ, tác giả còn tạo không gian cho các bé có thể tương tác với cha mẹ và nói lên suy nghĩ của mình thông qua các trang nhật kí đính kèm.

Hơn ai hết, cha mẹ và những người thân trong gia đình là người thấy tốt nhất để dạy trẻ bảo vệ bản thân. Cuối cùng, các bậc phụ huynh nên nhớ cảnh giác là tốt, nhưng cũng đừng vì quá cảnh giác mà biến con trở thành đứa trẻ nhút nhát, luôn e sợ xung quanh.

Nguyễn Hương Linh tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc tại Đại học Tổng hợp Nghệ thuật Hàn Quốc với học bổng toàn phần AMA. Từ đầu năm 2016, Nguyễn Hương Linh bắt đầu được tập huấn về mảng giáo dục giới tính và chống xâm hại bởi dự án “Lớn lên an toàn”, một trong những dự án giáo dục giới tính lớn tại Việt Nam với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ. Cuối năm 2016, cô thành lập page "Quàng Khăn Xanh và Thích Nghịch Đất" nhằm chia sẻ và truyền cảm hứng tới các bậc cha mẹ về trao quyền cho trẻ em nữ tại Việt Nam với hơn 6000 lượt theo dõi.

Theo: Zing.vn