cart.general.title

Lời hoa

Hoa là cây cỏ, vậy mà từ thời thượng cổ, người bất kỳ ở châu lục nào cũng đã xem hoa là bạn tri âm, là sinh vật biết buồn cảm vui thương như người, hoa dễ thể cùng người chia sẻ tâm tình.

Mỗi năm hoa về đây
Hoa nói gì với người
Lòng đời chắc nặng lắm
Hoa nói hoài không thôi.1

Hoa là cây cỏ, vậy mà từ thời thượng cổ, người bất kỳ ở châu lục nào cũng đã xem hoa là bạn tri âm, là sinh vật biết buồn cảm vui thương như người, hoa dễ thể cùng người chia sẻ tâm tình.

Học giả Nhật Bản Kakuzo Okakura[1] ngẫm: “Khi chàng trai thời nguyên thủy lần đầu tặng bông hoa cho người yêu, ấy là lúc loài người tự nâng mình qua khỏi tình trạng dã thú. Bằng động tác vượt lên các bản năng thô bạo của thú, chàng trai thật sự trở thành người”. Thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore: “Ta mang một đóa hồng đến tặng người yêu, có phải vì sẵn có trong hoa một thông điệp không sao diễn đạt nổi bằng lời?”

Một lần, tôi được tham dự cuộc họp quốc tế tại một nước Bắc Âu. Chủ tọa là bà Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà, mái tóc bạc phơ mà vẫn còn duyên dáng. Sau lễ bế mạc, tôi nhờ chuyển biếu bà cái lọ sơn mài nhỏ bé xíu mang theo, gọi là kỷ vật Hà Nội, rồi vội vã chuẩn bị hành trang sáng mai về nước. Sáng tinh mơ hôm sau, trước khi rời khỏi phòng tôi đảo mắt kiểm tra một lượt, chợt nhìn thấy trên mặt bàn có cái phong bì nhỏ mang dấu quốc huy, không biết ai mang tới đặt vào đó lúc nào. Mở ra là tấm thiếp của bà Chủ tịch với dòng chữ viết tay: “Cảm ơn ngài về cái lọ tuyệt vời. Tôi đặt lên bàn làm việc, sáng sáng cắm vào lọ một bông hoa tươi để luôn nghĩ tới Việt Nam”.


Tập tản văn "Xin đừng quên nhau: Lời hoa muốn nói" của nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang (Ảnh: Vũ Xuân Hoàn)

Tôi không rõ Phố hoa Hà Nội có tự bao giờ. Chỉ nhớ từ cái Tết đầu tiên khi hòa bình vừa lập lại, lớp thanh niên chúng tôi từ các nơi về thủ đô đã nô nức đi chợ hoa. Hầu như ai cũng đổ về chợ hoa Hàng Lược, đương nhiên không thể thiếu bạn cùng đi, để cùng nhau nhìn ngắm chen chúc lượn lờ, đôi khi ai đó chọn mua một cành đào nhỏ. Rồi hớn hở làm sao, có được cành đào ưng ý, trên đường về nương nhẹ đưa hoa cao khỏi đầu cho người chen lấn khỏi chạm vào hoa.  Mấy con phố nhỏ vỡ tung vì người và hoa, mà không hề nhìn thấy cảnh giẫm đạp tàn bạo lên hoa hay cầm nhầm hoa nhà khác. Thành phố Hà Nôi sau ngày giải phóng sớm tổ chức Hội Hoa Xuân. Đầu tiên là trong khuôn viên Cung văn hóa Thiếu nhi. Hội hoa đến đâu là địa điểm mở hội nơi đó mau chóng trở thành chật chội. Hội dời ra Công viên Thống nhất cho có không gian khoáng đãng hơn, cùng lúc có nhiều hội hoa khác nữa mở tại nội thành và ngoại thành. Người Hà Nội còn nghèo, sao yêu hoa quý hoa đến thế. Dự hội hoa xuân dần dà trở thành lễ tục văn hóa như đi lễ chùa ngày xuân. Càng thấy tấm lòng người Việt Nam ta trân trọng hoa sâu đậm dường nào.

Ngày nay, cũng như thời trang, mỗi loại có thời của nó, có lớp lang của nó, cách chơi hoa thay đổi liên tục theo năm, theo mùa. Thời mọi người đều nghèo, Tết đến, phổ thông nhất là hoa chân chim, hoa mõm chó, hoa thược dược, hoa đồng tiền…, riêng các tên gọi đã nói lên tính chất dân giã của hoa. Cúc vàng đại đóa coi như thuộc loại sang, lại không dễ tìm, vì người Hà Nội phong lưu sành hoa đã đặt mua hết từ nhà vườn. Lay ơn có thời được tôn vinh là vua các loài hoa, rất sang trọng dù dễ úa tàn, ngày nay ở nước ta cũng như trên thế giới đã nhường chỗ cho nhiều loại hoa lộng lẫy hơn, mới được lai tạo nên hoặc du nhập từ nước khác về. Dường như càng ngày có đông người chơi hoa, chuộng hoa không phải vì cái đẹp cái hương cái thần của hoa, mà bởi cái mới cái lạ cái hiếm cái khủng, nhất là cái đắt tiền của nó…

Cũng may, lắm gia đình còn giữ thú tao nhã. Trưa hè oi bức hay chiều đông hanh heo, còn gì thanh thoát hơn khi được bước vào một gian phòng mát hoặc ấm tự nhiên một phần nhờ hơi nước tỏa lan từ cái âu sứ đẹp hay chiếc ang sành, trên mặt nước là mấy bông hoa thoang thoảng mùi hương. Nghe nói cách chơi hoa này gốc gác từ đất nước Hoa anh đào, xứ sở của Hoa đạo, Trà đạo. Tương truyền các vị cao tăng một ngôi chùa nọ ngày xưa, các ngài có lệ, cứ sau mỗi trận bão tràn qua xứ sở, với tấm lòng ân cần vô hạn đối mọi sinh linh, các ngài lại đi tìm những bông hoa rơi rụng tả tơi đâu đó, nhặt lên thả nhẹ vào bình nước mang theo, như thể nguyện cầu: Biết đâu những đóa hoa tàn này có thể hồi sinh, cho dù ngắn ngủi, nhờ tấm lòng sâu lắng của người đối với hoa.

Nhà thơ Chế Lan Viên thương hoa vì lẽ khác:
Xuân chửa qua, hoa đã ném bên thềm
Nhặt lên, cành úa vất đi, cắm vào bình lại
Đâu chỉ yêu hoa, đâu phải tiếc tiền
Sợ con ong lúc về phòng lạc lối…

Tết năm nay, mở trang mạng điện tử, tình cờ tôi bắt gặp một chùm ảnh hoa rực rỡ chẳng hiểu bạn yêu hoa nào vừa treo lên, kèm mấy vần thơ phỏng ý ca từ nhạc khúc của một nghệ sĩ tài danh mà tuổi hoa niên đã lùi về quá khứ:
Càng có tuổi
tôi càng cảm nhận sự diệu kỳ mỗi độ xuân về,
Càng có tuổi
tôi càng tâm tình nhiều hơn với hoa,
Càng có tuổi,
tôi càng thâm tạ đất trời
Cho tôi vẫn còn có dịp đón xuân…

Hà Nội, Tết Canh Dần 2010
Phan Quang
(Trích “Xin đừng quên nhau: Lời hoa muốn nói”, NXB Kim Đồng, 2016)


1 Thơ Huy Cận.
[1] Kakuzo Okakura: là người có đóng góp lớn cho sự phát triển nghệ thuật ở Nhật Bản. Ông là hiệu trưởng đầu tiên của trường Mĩ thuật Tokyo, dưới thời Minh Trị.