cart.general.title

Ngày hội "Vui đọc sách Văn học Kim Đồng"

Ngày hội "Vui đọc sách Văn học Kim Đồng" diễn ra vào ngày thứ Bảy 30.7 vừa qua tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga đã thu hút đông đảo độc giả thiếu nhi và phụ huynh tham gia chương trình.

Nhà văn Nguyễn Thúy Loan – Trưởng Ban Biên tập sách Văn học Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ, “trong gần suốt 60 năm qua, có không ít cuốn sách do  Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành đã trở thành “báu vật” gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Trong số những “kỉ vật quý báu” đó luôn có những cuốn truyện - tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi của các tác giả Việt Nam và thế giới”. Cũng theo nhà văn Nguyễn Thúy Loan, ngày hội “Vui đọc sách Văn học Kim Đồng” được tổ chức nhằm chăm lo, nuôi dưỡng, góp phần khơi gợi để “những giấc mơ đẹp bắt đầu từ những tác phẩm văn học được đọc từ khi còn bé xíu của những-ai-đó có thể trở thành hiện thực trong tương lai”.

Buổi sáng, các bạn nhỏ được “Du hành qua các nền văn học trên thế giới” qua các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Phần Lan, tìm hiểu với các nhân vật trong tác phẩm “Khu vườn kì diệu”, “Cụ Rùa Harriet”, “Sophie và tên khổng lồ”, Mumi. Điểm dừng chân khá lâu là đất nước Nga xinh đẹp, cùng tìm hiểu các nhân vật, tác phẩm văn học đến từ xứ sở Bạch Dương trong bộ những tác phẩm văn học kinh điển như Mít Đặc, Biết Tuốt và bộ Văn học Nga - tác phẩm chọn lọc.

Những nhân vật văn học thiếu nhi kinh điển được các bạn nhỏ thể hiện trên sân khấu

Phát biểu trong chương trình, bà Shafinskaya Natalia - Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga khẳng định: “Sách cho thanh thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng hướng tới độc giả với các lứa tuổi khác nhau… Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chính sách xuất bản của NXB Kim Đồng không chỉ hướng tới việc tuyển chọn các tác phẩm kinh điển, mà còn xuất bản những tác phẩm văn học thiếu nhi đương đại.”

Bà Shafinskaya Natalia - Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga phát biểu trong chương trình

Buổi chiều, các bạn nhỏ trở lại Việt Nam, cùng tìm hiểu các tác phẩm văn học Việt Nam kinh điển, giao lưu với ba thế hệ nhà văn viết cho thiếu nhi: Nhà văn Phong Thu, nhà văn Đỗ Bích Thúy và tác giả nhí Đào Diệu Huyền.

Những tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam kinh điển và những tác phẩm tiêu biểu của các tác giả đương đại

Nhà văn Phong Thu – người dành cả đời sáng tác cho thiếu nhi với nhiều tác phẩm được bạn đọc nhiều thế hệ yêu mến như Xe lu và xe ca, Cây bàng không rụng lá, Chuyện cổ tích bên cửa sổ, Chú bé hạt tiêu..., nhà văn Đỗ Bích Thúy – tác giả “Em Béo và Hội Cầu Vồng” “Tết đến rồi Em Béo ơi”, và tác giả nhí Đào Diệu Huyền (con gái nhà văn Đỗ Bích Thúy) với tập truyện “Câu chuyện thiên đường” vừa ra mắt  đã chia sẻ rất cảm động về những cuốn sách tuổi thơ của mình, những cuốn sách đã nuôi dưỡng tình yêu với văn chương, hun đúc ý nghĩ rằng, một ngày nào đó, mình cũng sẽ tự viết nên những câu chuyện như thế.

Từ trái qua: Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, nhà văn Phong Thu, nhà văn Đỗ Bích Thúy và tác giả trẻ Đào Diệu Huyền giao lưu trong chương trình

Sau đó, các bạn nhỏ tiếp tục được giao lưu với hai nhà văn viết cho thiếu nhi là nhà văn Nguyễn Đình Tú và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, tìm hiểu các tác phẩm: Chú bé đeo ba lô màu đỏ, Ba nàng lính ngự lâm, Những ngôi sao trên bầu trời thành phố, Mun ơi chạy đi, Hành trình tới Biển Sông... và rất nhiều điều thú vị về việc làm thế nào để có thể tự viết ra những câu chuyện như các nhà văn.

Nhà thơ dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai và nhà văn Nguyễn Đình Tú giao lưu trong chương trình

Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ, đọc những tác phẩm văn chương hay sẽ giúp cho các em có một nguồn từ vựng phong phú. Đọc và bắt chước các nhà văn cũng là một cách học, nhưng phải sáng tạo hơn, có cách kể của riêng mình. Tác giả “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” ấn tượng mãi về cách tả Dế mèn của nhà văn Tô Hoài và anh cũng bắt chước tả con ve, nhìn xa rồi đến gần ra sao, mắt, mũi, râu, cánh nó thế nào, nhưng anh lại tả thêm những âm thanh mà ve phát ra dựa trên những trải nghiệm, kỉ niệm và cảm xúc của riêng mình.

Còn nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai thì chia sẻ với các vị phụ huynh tham dự chương trình, chị luôn khuyến khích các con, không ép con theo một khuôn mẫu nào cả, để con tự sáng tạo theo phong cách, cá tính riêng. Hãy tạo ra một tủ sách trong gia đình để tạo niềm đam mê đọc và tình yêu văn chương thật tự nhiên ở con trẻ.

Các chương trình giới thiệu sách được thực hiện sáng tạo, đầy màu sắc với sự phối hợp của Dự án Sách ơi Mở ra, CLB Đọc sách cùng con và CLB Ô Xinh đã thực sự tạo nên một ngày hội đáng nhớ với các bạn nhỏ, nuôi dưỡng tình yêu văn chương trong các em.

Một số hình ảnh trong chương trình:

Khán phòng trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga chật kín người trong Ngày hội Vui đọc sách Văn học Kim Đồng

Các em nhỏ biểu diễn "Bài ca trái đất" trên sân khấu

Ngoài sảnh hội trường, không khí cũng rất rộn ràng

P.H