cart.general.title

Thùy Linh Những cuốn sách sử truyền cảm hứng

Một lần nữa, Lịch sử lại là môn thi có điểm trung bình thấp nhất tại kì thi tốt nghiệp THPT 2018. Gần 90% tỉnh thành trong cả nước có thí sinh điểm thi Lịch sử dưới 5, 1.277 thí sinh bị điểm liệt, trong đó có 527 thí sinh bị điểm 0.

Một số cuốn sách sử được độc giả đón nhận do tìm được cách tiếp cận không khô khan.

Sự “thất thủ” đó, bên cạnh cần đổi mới mạnh mẽ cách dạy và học, còn đòi hỏi có thêm những cuốn sách lịch sử mang tính chất truyền cảm hứng, để độc giả trẻ không ngày càng rời xa.

Đứng trước thực tế bộ môn Lịch sử trong nhà trường ngày càng bị “bỏ quên” và học sinh có xu hướng “thờ ơ”, “chán nản” với các tiết học sử, nhiều năm qua, các đơn vị xuất bản đã tích cực xây dựng đề tài, tổ chức bản thảo và ra mắt nhiều cuốn sách sử gồm nhiều thể loại, phù hợp với sự quan tâm của xã hội và nhu cầu đọc ở từng lứa tuổi. Tiêu biểu như NXB Kim Đồng, liên tục có những đầu sách về lịch sử Việt Nam: Lược sử nước Việt bằng tranh, Những vị vua trẻ trong lịch sử, Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Những người thầy trong sử Việt, Những nhân vật tên còn trẻ mãi, Mênh mông biển Việt… 

Bộ sách " Sử ta - Chuyện xưa kể lại"

Đặc biệt là bộ sách “Sử ta - chuyện xưa kể lại” của nhóm tác giả Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Như Mai. Bộ sách gồm 4 tập, dày hơn 1.200 trang, phục dựng những câu chuyện của đời trước, xoay quanh cuộc đời các nhân vật, biến cố và sự kiện nổi bật, theo một cách riêng, dễ đọc và gần gũi, vì thế, bộ sách đã được độc giả đón nhận,  mới đây được tái bản lần thứ 5. 

Phiên bản 2018 của bộ sách với phiên bản minh họa bìa của họa sĩ Phạm Ngọc Tân cùng nhiều minh họa của họa sĩ Vũ Xuân Đông đã đánh thức mọi giác quan, đem đến những cảm hứng mới mẻ cho bạn đọc. Với gam màu sáng, sử dụng họa tiết kiến trúc và điêu khắc làm nền, phần trình bày rất cô đọng, hiện đại, “Sử ta - chuyện xưa kể lại” mang thông điệp nghệ thuật: lịch sử không chỉ là cuộc chiến, lịch sử không chỉ là sự nối tiếp của các vương triều, lịch sử còn gắn liền với nền văn hiến.

Theo ông Nguyễn Huy Thắng- đại diện nhóm biên soạn bộ sách, Lịch sử là bộ môn rất quan trọng, có vai trò hàng đầu trong việc giáo dục truyền thống, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các em. Việc níu các em đến với Lịch sử không chỉ là việc của các thầy cô giáo, của ngành giáo dục mà cần có sự chung tay của nhiều lĩnh vực, trong đó xuất bản và phim ảnh là rất quan trọng. 

Với những tựa sách sử được biên soạn như “Sử Việt - chuyện chưa kể”, các tác giả đã làm được việc kể lại những câu chuyện của lịch sử bằng một cách tiếp cận gần gũi, tránh khô khan, giáo điều. Qua đó, giúp bạn đọc hình dung rõ nét những trang sử vẻ vang và bi tráng của dân tộc, trải dài từ đời Hùng Vương dựng nước đến thế kỉ XX. Không đi theo lối chính sử khô khan, với giọng kể chừng mực, gần gũi, các nhân vật và sự kiện đều hòa quện và hiện lên sống động. 

Đó là câu chuyện “Người Việt chống quân Tần” khẳng định tinh thần gắn bó đoàn kết nhân dân, những hé mở “Bí ẩn thời các vua Hùng” với kiến giải về văn hóa Đông Sơn, sự kiện “An Dương Vương xây thành Cổ Loa” được ví như “Cuộc thiên đô đầu tiên của dân tộc”… 

Không giống như thao tác phác thảo lại lịch sử, ấn tượng bộ sách đem lại là rung động đầy cảm xúc nơi người đọc. Đó là lòng tự hào truyền thống vinh quang của tổ tiên, sự ngưỡng mộ những bậc vĩ nhân tài hoa mà giản dị, nỗi đau xót trước những mất mát của dân tộc… Đắm mình trong những câu chuyện thú vị, bạn đọc sẽ có đủ tâm thế để sẵn sàng tiếp nhận, tìm tòi và khám phá những bí mật của lịch sử, ẩn tàng sau mỗi số phận, mỗi cuộc đời. 

Với xu hướng tiếp cận lịch sử trong nhà trường theo hướng gợi mở, thấu hiểu, không nặng về dữ liệu con số và phương pháp “thuộc lòng”, bộ “Sử ta - chuyện xưa kể lại” cũng có thể là một lựa chọn rất phù hợp, giúp bồi đắp tình yêu với môn học và khơi dậy những tình cảm sẵn có về di sản quá khứ của cha ông. 

Từ “hiện tượng” một bộ sách sử trong thời gian không dài được tái bản tới 5 lần với hàng vạn bản sách cho thấy nếu chúng ta chịu khó tìm tòi, có cách tiếp cận mới mẻ, phù hợp sẽ thu hút được độc giả ở các lứa tuổi khác nhau. Đừng vội quy kết cho độc giả trẻ hay cụ thể là các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chán học sử. Những người làm sách, những người viết sách sử cũng nên tự vấn mình. Hãy đồng hành cùng lịch sử, và đồng hành với bạn đọc đương thời.

Theo: daidoanket.vn