cart.general.title

Đinh Trường “Ông tướng” của trẻ thơ

A.Li-kha-nốp (Albert Anatolievich Likhanov) chưa bao giờ mỏi mệt. 84 tuổi, tình yêu thương và khát vọng cống hiến dành cho thiếu nhi của nhà văn, nhà hoạt động xã hội ấy vẫn luôn rực cháy.

Viết, chính là cuộc sống

Năm 39 tuổi, Albert Likhanov được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, và phải phẫu thuật. Tuy nhiên, khi đó các bác sĩ và Lilya - người vợ mà tới nay đã chung sống hơn 59 năm với ông trong tình yêu thương vô bờ - đã giấu ông về chuyện này. Bác sĩ dặn Lilya: Sau ca phẫu thuật, “hãy để Albert bình tâm trở về nhà và viết những cuốn sách của mình, rồi mọi chuyện sẽ qua”. Và điều kỳ diệu đã trở thành hiện thực. Phải tới 20 năm sau, Albert mới biết về bệnh tật của mình, nhưng dường như ông không mảy may bận tâm. Mọi suy nghĩ của ông đều dành hết cho tình yêu, văn chương và trẻ em.

Albert Likhanov được tôn vinh như bậc thầy về tâm lý trẻ em và gia đình hiện đại. Ngoài các tác phẩm nổi tiếng như Những ngôi sao tháng chín, Cơn mưa ấm, Mê cung, Những viên đá cuội sạch, Lừa dối về tâm lý thiếu nhi được viết thời kỳ trước, Likhanov còn có một loạt các tác phẩm khắc họa chân dung “tuổi teen” nước Nga ngày nay, như Những cậu bé Nga, Trường học đàn ông, Không một ai, Cậu bé không biết đau hay Cô bé mặc kệ… Albert Likhanov sinh năm 1935 ở thành phố Kirov, có cha là thợ khóa, mẹ là y tá. Likhanov bắt đầu viết văn từ khi còn học ở trường trung học. Sau khi tốt nghiệp khoa báo chí tại Trường đại học Tổng hợp Ural, Albert cộng tác tại các tờ Sự thật Kirov, Ngọn lửa Komsomolskaya, Sự thật Kosomolskaya. Năm 1975, Albert Likhanov tới Mát-xcơ-va (Moskva) và làm việc cho tờ Đổi mới, tạp chí nổi tiếng nhất dành cho thanh niên thời bấy giờ. Albert đã cống hiến trọn vẹn trong suốt hơn 30 năm làm tổng biên tập tạp chí này. Ông nhìn nhận: Chính quãng thời gian làm báo đã khơi dậy đam mê với viết văn trong ông.

“Người cha liên bang”

Với tinh thần người làm báo, Albert Likhanov, không giống nhiều cây bút khác, khẳng định: Nhà văn không nên “ngồi yên trong ngôi nhà được bao quanh bởi lớp hàng rào, và sáng tác trong cô đơn”. Ông luôn bị thu hút bởi những nhân vật sống động, những sự kiện tươi sáng, mới mẻ. Đó cũng chính là lý do Likhanov dành cả đời mình cống hiến cho nhi đồng, thiếu niên, những người trẻ tuổi luôn muốn khám phá thế giới, thậm chí đôi khi còn “cố gắng chạy vượt lên trước đầu máy xe lửa”.

Tên tuổi của Likhanov bắt đầu được nhắc tới như một nhà văn ở khắp nơi trên đất nước Liên Xô sau khi truyện ngắn đầu tay Miếng da lừa của ông được đăng trên tạp chí Thiếu niên, một trong những tờ tạp chí chuyên viết cho tuổi mới lớn, có số lượng bản in thuộc hàng lớn nhất thời bấy giờ. Likhanov có lối viết nhẹ nhàng, vui vẻ, rành mạch về những thứ thường nặng nề, phức tạp và tối tăm. Các tác phẩm của ông được cả người lớn và trẻ em đón nhận. Nhà văn cho rằng, trẻ em thời chiến tranh hay thời bình đều có những nỗi khổ tinh thần giống nhau. Nếu như trong chiến tranh nhiều trẻ em phải chịu cảnh mất đi cha, mẹ, người thân, gia đình ly tán, thì ngày nay nhiều đứa trẻ vẫn phải sống với những nỗi khổ quá sức chịu đựng, khi chứng kiến cha mẹ cãi cọ, đánh đập, ly hôn… Tại Nga, người ta còn đặt cho Likhanov cái tên trìu mến - “người cha liên bang”. Likhanov bảo: “Thật xấu hổ nếu như chỉ tỏ ra thương cảm cho những rắc rối của trẻ con trên trang giấy, mà cần bắt tay vào làm điều gì đó thực tế”. Chính nhờ những bức thư mà Likhanov gửi chính quyền, vào các năm 1985 và 1987, Chính phủ Liên Xô (cũ) đã ra Nghị định về việc trợ giúp trẻ mồ côi. Năm 1987, Quỹ trẻ em Liên Xô mang tên V.I.Lenin được thành lập theo sáng kiến của Likhanov. Tới năm 1992 Quỹ này trở thành Hiệp hội Quỹ Nhi đồng quốc tế, do Likhanov làm giám đốc. Năm 1991, Likhanov sáng lập và trở thành Chủ tịch Quỹ Nhi đồng Liên bang Nga. Ông cũng tham gia thành lập và hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu tuổi thơ.

“Ông tướng của tôi” tái sinh

Ra mắt tại Việt Nam từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỷ trước, Ông tướng của tôi trở thành “sách gối đầu giường” của bao thế hệ trẻ Việt Nam. Truyện kể về Anton, cậu bé sống cùng cha mẹ tại vùng Siberia khắc nghiệt. Ông nội, qua lời kể của cha mẹ, là một vị tướng oai phong, ngực đeo đầy huân chương. Khi về hưu, ông chuyển từ Moskva về sống cùng gia đình Anton. Anton từ tò mò, lạ lẫm, đến xấu hổ khi thấy ông mình, một vị tướng oai phong, cũng “lau nhà, nướng bánh, dọn tuyết, xách chai đi mua sữa…”. Qua quãng thời gian sống bên ông, hiểu được ý nghĩa việc sống hết mình vì mọi người chung quanh của ông, Anton thêm yêu quý, cảm phục “ông tướng” của mình.

Cuối tháng 5-2017, Albert Likhanov lần đầu sang thăm Việt Nam, nhân dịp NXB Kim Đồng cho ra mắt ấn bản mới tác phẩm Ông tướng của tôi. Ở tuổi 83 và khi đã trở thành cụ nội của hai cháu nhỏ, Albert chia sẻ: Mặc dù đã có hơn 30 triệu bản in tại Nga, cùng gần 120 đầu sách được xuất bản tại nước ngoài bằng 34 thứ tiếng, nhưng đây là lần đầu Albert Likhanov được chào đón nồng nhiệt và đặc biệt đến vậy. Vé máy bay sang Việt Nam của ông do Hội cựu lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô trước đây và Nga ngày nay tặng. Song, những chiếc xe buýt chở đầy các em học sinh từ Nam Định hay những độc giả từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để tới buổi gặp gỡ với ông, hoặc cuốn Ông tướng của tôi từ những bản in đầu tiên bằng tiếng Việt đã sờn gáy lại xuất hiện trước mắt mới là những ấn tượng không thể phai mờ về Việt Nam, đối với người cầm bút ấy.

Chia sẻ với độc giả Việt Nam về văn hóa đọc và việc giáo dục con cái, Albert Likhanov khẳng định: Đọc sách cùng con là một phương pháp giáo dục, nuôi dưỡng không thể thay thế. Dù đó là đứa trẻ chưa biết đọc hay đã vị thành niên, thì việc cha mẹ cùng bàn luận về cuốn sách đọc chung với con mang ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc đời đứa trẻ. Nhìn ánh mắt háo hức của các em nhỏ khi cầm trên tay cuốn Ông tướng của tôi mới tái bản, Likhanov không giấu được nỗi xúc động. “Ông tướng” ấy như tìm lại được “thời thanh niên sôi nổi” của mình…

Theo: nhandan.com.vn