cart.general.title

Tọa đàm: "Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm"

Thực tế, những tác phẩm Văn học Nga đã ảnh hưởng như thế nào đến lớp lớp độc giả thiếu nhi Việt Nam, ảnh hưởng ra sao đến các thế hệ nhà văn nói chung và nhà văn viết cho thiếu nhi ở Việt Nam nói riêng? Sự tiếp nhận văn học thiếu nhi Nga ở Việt Nam thay đổi theo thời gian như thế nào? Liệu các tác phẩm Văn học Nga chọn lọc từng đi cùng năm tháng với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam trước đây có còn thu hút độc giả hiện nay?

Văn học Nga, hay theo cách gọi trước đây là Văn học Nga - Xô Viết, chỉ cần nhắc lại cụm từ này thôi là bao kí ức lại dội về với các thế hệ độc giả người Việt. Không biết đã có ai đặt câu hỏi, văn học thiếu nhi Việt Nam sẽ ra sao nếu thiếu đi các tác phẩm văn học đến từ xứ sở Bạch Dương, với những ảnh hưởng của nó lên nhiều lớp nhà văn và độc giả Việt Nam.

Một số tác phẩm Văn học Nga kinh điển gắn bó với nhiều thế hệ thanh thiếu nhi Việt Nam

Những tác phẩm bất hủ của văn học Nga – Xô Viết có thể kể đến như “Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”, “Vichia Maleev ở nhà và ở trường” của Nicolay Nosov; “Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện li kì của Buratino” của Alexandre Tonxtoi, “Bác sĩ Aibôlít” của Chukovsky… đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ trẻ em Việt Nam.

Bạn đọc chắc hẳn không thể quên được Axôn với khát vọng chờ mong cánh buồm đỏ thắm suốt cả tuổi thơ, để một ngày vỡ òa cảm xúc khi con tàu mang cánh buồm rực rỡ ấy ghé vào làng đón cô bé. Thiên truyện chan hòa ánh sáng mặt trời và thắm đượm tình người được viết cách đây gần một thế kỉ, cho đến nay vẫn đủ sức làm xao xuyến hàng triệu con tim, với hình ảnh cánh buồm đã trở thành biểu tượng của ước mơ và hi vọng (Cánh buồm đỏ thắm).

Vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng đã ra mắt ấn phẩm mới bộ sách Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc, gồm các tựa sách từng gắn liền với những ước mơ, hoài bão, nuôi dưỡng biết bao tâm hồn thanh thiếu niên và bạn đọc đọc trẻ Việt Nam. Đó là Chiếc nhẫn bằng thép của K. Paustovky, Dagestan của tôi của Rasul Gamzatov, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A. Ostrovsky, Maximka của K.M Stanyukovich, Người cá và Bột mì vĩnh cửu của Alexander R. Belyaev, Timur và đồng đội và Số phận chú bé đánh trống của Arkady Gaidar…

Bộ sách Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc còn là cuộc gợi nhớ về đội ngũ dịch giả một thời hùng hậu, với những bản dịch làm sang, làm đẹp cho nguyên tác, với Phan Hồng Giang, Lê Khánh Trường, Nguyễn Thụy Ứng, Đỗ Ca Sơn, Thúy Toàn… Sách tái bản được chăm chút kĩ lưỡng về mĩ thuật và công nghệ in ấn. Một số cuốn có sử dụng lại minh họa của bản in lần đầu với mong muốn lưu lại kỉ niệm của những năm tháng đã qua, những ước mơ không cũ và hứa hẹn sẽ gây hiệu ứng thú vị với bạn đọc hôm nay.

Thực tế, những tác phẩm Văn học Nga đã ảnh hưởng như thế nào đến lớp lớp độc giả thiếu nhi Việt Nam, ảnh hưởng ra sao đến các thế hệ nhà văn nói chung và nhà văn viết cho thiếu nhi ở Việt Nam nói riêng? Sự tiếp nhận văn học thiếu nhi Nga ở Việt Nam thay đổi theo thời gian như thế nào? Liệu các tác phẩm Văn học Nga chọn lọc từng đi cùng năm tháng với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam trước đây có còn thu hút độc giả hiện nay?

 Những câu hỏi trên và các vấn đề liên quan đến văn học Nga dành cho thiếu nhi, trước đây và đương đại, sẽ được các khách mời trao đổi tại buổi giao lưu:

“CÒN MÃI NHỮNG CÁNH BUỒM ĐỎ THẮM”

Sức sống của tác phẩm văn học thiếu nhi đến từ xứ sở Bạch Dương

Tại TP HCM:

Thời gian: 9.00, Chủ nhật, ngày 18.09.2016

Địa điểm: Lầu 2, Trung tâm Sách Kim Đồng, 248 Cống Quỳnh, Quận 1

Khách mời: PGS. TS Bùi Thanh Truyền, TS Hà Thanh Vân, nhà văn Trần Quốc Toàn

Tại Hà Nội:

Thời gian: 9:00, thứ Sáu, ngày 23.9.2016

Địa điểm: Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, 501 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Khách mời: Dịch giả Thúy Toàn, dịch giả Phan Hồng Giang, PGS TS Phạm Gia Lâm, PGS Đào Tuấn Ảnh, Nhà giáo ưu Tú Vũ Thế Khôi, TS Ngô Tự Lập, TS Nguyễn Thị Thu Thủy, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà văn Trần Thiên Hương, TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh…

P.V