cart.general.title

Tuổi thơ của những em bé Hà Nội xưa

Cuốn truyện dài "Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ", của tác giả Mây đã khắc họa một góc tuổi thơ rộn ràng, thân thương của những đứa trẻ ở thành phố ngày xưa.

Quái thú Răng Thỏ sống cùng gia đình trong một khu nhà gỗ của bệnh viện Bạch Mai cấp cho cán bộ. Khu nhà nhỏ cũ ấy giờ đã bị phá đi để xây lên tòa nhà cao tầng, phục vụ bệnh nhân, nhưng biết bao kỉ niệm của nó vẫn hiện diện mạnh mẽ trong ký ức của những người từng sống nơi đây.

Biệt danh quái thú Răng Thỏ là do hai cậu bạn thân ở khu nhà gỗ đặt cho đã gắn liền với cô, như một ký ức đẹp đẽ nhất của tuổi thơ. Cuộc gặp gỡ giữa Quái thú răng thỏ với Ngọc King Kong và Ngọc Rùa, trong một buổi trưa mùa hè, đã tạo nên những cuộc phiêu lưu thú vị trong khu nhà gỗ.

Bìa sách Quái thú Răng Thỏ và khu nhà gỗ.

Những buổi trốn ngủ trưa, lê la trên sân thượng, nhìn ngắm toàn cảnh bệnh viện, rồi tranh luận về đủ thứ chuyện “trời ơi đất hỡi” mà trẻ con thường thắc mắc, hay khi cùng tham gia lớp học buổi trưa của vị giáo sư già, khi Rùa và Răng Thỏ tìm cách nhuộm tóc bạc trắng, cho giống với mái tóc trắng của King Kong, để cậu bạn khỏi lạc lõng trong buổi sinh nhật của mình, đã khiến mọi người cười ngặt nghẽo…

Những kỷ niệm ấy, đã qua mấy chục năm rồi, nhưng cứ sống động trong ký ức, như từng khuôn hình trong một bộ phim, sắc nét và nhiều gợi nhớ.

Sống ở khu nhà gỗ của bệnh viện, cũng khiến tuổi thơ của Thỏ, Rùa và King Kong có nhiều điều đặc biệt, khi đã sớm nhận biết về sự sống và cái chết.

Câu chuyện của Mận chín, Táo xanh, có lẽ là câu chuyện Răng Thỏ ghi nhớ nhiều nhất. Đó là âu chuyện tình yêu của chú Phương và cô Mận. Hai người đều bị bệnh ung thư máu, thời gian sống chỉ còn tính được bằng ngày, bằng tháng nhưng chú Phương và cô Mận đã tìm được sự đồng cảm với nhau, đem lòng yêu thương nhau.

Dẫu gia đình chú Phương phản đối, chú vẫn quyết tâm tổ chức đám cưới ở ngay tại khu nhà gỗ với sự giúp đỡ của gia đình nhà Răng Thỏ. Trong đám cưới, cô dâu vẫn mặc váy trắng, rất xinh đẹp. Khi ấy, mọi nỗi đau buồn đều được đặt ở nơi khác, ở khu nhà gỗ chỉ có tiếng cười, tiếng hát, và niềm hạnh phúc tràn đầy.

Những trang minh họa nhân vật khiến cuốn sách thêm phần sinh động

Không lâu sau đám cưới, bệnh tình trở nặng, nên cô Mận ra đi, bỏ lại chú Phương đau đớn một mình. Những giọt nước mắt của chú Phương đã lưu lại một vết buồn trong tuổi thơ của Răng Thỏ, nhưng cũng dạy cho cô bé bao nhiêu bài học ân tình.

Thơ ấu của tác giả Quái thú Răng Thỏ và khu nhà gỗ xoay quanh khu tập thể nhỏ bé cũ kĩ ở trong bệnh viện Bạch Mai ấy, nhưng cũng là một tuổi thơ thực gần gũi với biết bao thế hệ người Hà Nội, với những khu tập thế, những vòm cây xanh, sân chơi nhỏ, quán nước chè, quán cơm trưa chật ních người…. Tuổi thơ khó nhọc mà thân thương ấy, ngỡ như vừa mới đây thôi.

Những ngày bên nhau của ba đứa trẻ cũng qua mau khi từng gia đình đều lần lượt chuyển đi khỏi khu nhà gỗ của bệnh viện để đến những nơi ở mới rộng rãi hơn, nhưng biết bao nhiêu tình cảm gắn bó đều lưu lại trong ký ức của mỗi đứa trẻ. 

Thành phố hôm nay đổi khác quá, những vết tích xưa kia có nhiều thứ đã mất rồi, nhưng dấu vết lưu giữ trong lòng lại chính là dấu vết lưu níu nhất, sắc nét nhất. Có lẽ cũng như Mây, nhiều đứa trẻ con của thành phố ngày xưa, khi đi qua những nơi đã từng sống thời bé thơ ấy, trái tim lại rung động, khắc khoải.

Quái thú Răng Thỏ giờ đã trở thành tác giả Mây xinh đẹp, dịu dàng.

Quái thú Răng Thỏ và khu nhà gỗ là tác phẩm đầu tay của Mây. Mây thủ thỉ kể chuyện, như đang đứng trước căn nhà gỗ cùng hai cậu bạn giờ đã trưởng thành, chỉ chỗ này chỗ kia, rồi kể lại những chuyện xưa ấy. Kể lại là nhắc nhớ, kể lại là níu giữ. Sợ rằng ký ức sau này sẽ phai đi, nên nhờ trang giấy giữ giùm, nhờ biết bao nhiêu đứa trẻ ngày xưa gắn bó giữ giùm…. Để những ngày xanh ngời, thơ ngây ấy còn được sống mãi.

Tác giả Mây tên thật là Nguyễn Thu Hằng, sinh năm 1986 tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp khoa Đạo diễn truyền hình - ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, biên kịch kiêm đạo diễn phim tài liệu Chuyện của Nhã, biên kịch phim truyền hình Nếu chỉ là giấc mơ, Chân trời nắng.

Theo: Zing