cart.general.title

Bé gái 15 tuổi bị bắn vào đầu và giải Nobel Hòa bình trẻ nhất lịch sử

Trong cuốn sách hấp dẫn “Tôi là Malala”, Yousafzai kể một câu chuyện về lòng dũng cảm, sức mạnh và niềm tin ở nơi bóng đêm khủng bố bao trùm.

Malala Yousafzai là người Pashtun, một tộc người sống trải khắp Afghanistan và Pakistan. Cô sống cùng bố mẹ và hai người em trai sống tại thành phố Mingora, thành phố lớn nhất trong thung lũng Swat ở tây bắc Pakistan.

Tên Malala được cha cô đặt theo Malalai - vị nữ anh hùng trẻ tuổi người Pashtun đã truyền cảm hứng cho đồng bào cô bằng sự dũng cảm của mình. Cái tên Malala đã báo hiệu một cuộc đời phi thường với cô gái nhỏ Pakistan này.

Ngay từ khi còn nhỏ, cha của Malala đã luôn muốn Malala được tự do làm những điều cô muốn. Ông thường nói với mọi người “Malala sẽ sống tự do như cánh chim trời”.

Tự truyện Tôi là Malala của Malala Yousafzai, được viết cùng với nhà báo Christina Lamb.

Khác với rất nhiều trẻ em nữ không được đến trường ở Pakistan, Malala đến trường khi cô năm tuổi, bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ được đi học, được vươn tới tri thức cháy bỏng của mình. Mỗi ngày đến trường, được biết thêm những điều mới đối với Malala đều là những ngày tuyệt vời.

Tháng 10/2005, trận động đất tồi tệ với cường độ 7,6 độ richter đã khiến Pakistan bị tàn phá nặng nề. Đây cũng chính là sự kiện khiến bọn khủng bố Taliban lợi dụng, và bắt đầu phủ bóng đêm tăm tối của khủng bố xuống vùng đất này.

Vào một ngày, người đàn ông tên là Fazlullah, trên chương trình radio của mình, đã cầu xin người nghe ngừng nghe nhạc, ngừng đi xem phim và ngừng nhảy. Ông nói rằng nếu họ không làm thế, Chúa sẽ gửi những trận động đất mạnh hơn. Với sự hiểu biết nhờ được đến trường, Malala biết điều này không đúng; cô biết rằng trận động đất là một sự kiện địa chất và có thể giải thích một cách khoa học.

Tuy nhiên, những phụ nữ nghe chương trình này không được hưởng lợi từ giáo dục và xem đài phát thanh này là một nguồn thông tin đáng tin cậy. Taliban đã cấm các bé gái đi học, đốt các trường học, và giết người một cách dã man khiến dân chúng khiếp sợ.

Một trong những khoảnh khắc biến đổi nhất trong cuốn sách và trong cuộc đời Malala, là vụ ám sát Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto. Benazir Bhutto là nữ thủ tướng đầu tiên của một quốc gia Hồi giáo và bà phục vụ từ năm 1988 đến 1990 và từ năm 1993 đến năm 1996. Bà đã phải sống lưu vong vào năm 1998 đến Dubai và Vương quốc Anh. Bà đã trở lại vào tháng 10 năm 2007 để chiến đấu với Fazlullah và Taliban.

Hai tháng sau khi trở về, bà đã bị giết trong một vụ nổ. Đây là khi Malala nhận ra rằng không có ai an toàn ở Pakistan.

Cất cánh bay giữa bầu trời đêm tối

Malala điều trị tại Anh sau khi bị Taliban bắn.

Từ thời điểm này, Malala, lúc đó 10 tuổi, bắt đầu thể hiện lòng can đảm của mình; lúc đầu bằng cách tiếp tục đến trường và sau đó lên tiếng chống lại Taliban. Năm 11 tuổi, cô bắt đầu viết nhật ký cho BBC để những người bên ngoài Pakistan có thể biết được tình hình của đất nước cô.

Cô tình nguyện làm điều này và viết dưới một cái tên giả, vì nếu không cô sẽ phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp. Ngoài ra, cô cũng bắt đầu thực hiện các cuộc phỏng vấn cho truyền hình quốc gia, lên tiếng ủng hộ giáo dục cho các bé gái.

Vào năm 2012, một nhóm phiến quân Taliban dừng xe buýt của Malala trên đường về nhà và bắn vào đầu cô, khiến cô suýt chết. May mắn thay, cô đã sống sót mặc dù sau đó phải chạy trốn khỏi đất nước mình và hiện sống ở Anh, cô tiếp tục cuộc chiến giành quyền cho phụ nữ.

Malala tin rằng giáo dục là giáo dục. Chúng ta nên học mọi thứ và sau đó chọn con đường nào để đi theo. Giáo dục không phải là phương Đông cũng không phải phương Tây, đó là con người. Malala lên tiếng vì điều đó. Trong khi Taliban cố giết Malala, để làm cô câm lặng. Cô ấy đã sống sót.

Việc bị bắn đến suýt chết đã mang đến cho Malala một tiếng nói toàn cầu, và cô đã sử dụng để tiếp tục cuộc chiến của mình. Cuộc chiến của cô đã mang lại cho cô giải thưởng Nobel khi mới 17 tuổi; trở thành người đoạt giải Nobel trẻ nhất mọi thời đại.

Thế giới đang lắng nghe Malala

Vào sinh nhật mười sáu tuổi, Malala được mời tới phát biểu tại Liên Hợp Quốc. Bài phát biểu của cô là tiếng nói gửi đến tất cả mọi người trên khắp thế giới, với khao khát rằng mỗi người đều có thể có được can đảm, sự quyết liệt và đứng lên đấu tranh vì nhân quyền của mình. Cô muốn trở thành “cô gái đã tranh đấu vì giáo dục, nhân quyền”, cô gái đã đứng lên vì hòa bình với vũ khí là tri thức.

Malala phát biểu tại Liên Hợp Quốc.

Hòa bình nằm trong mỗi ngôi nhà, trên mỗi góc phố, tại mỗi ngôi làng, ở mỗi quốc gia.

Giáo dục cho mọi đứa trẻ trên thế giới. Cô gái mới chỉ mười sáu tuổi ấy đã mang trong mình ước mơ bao la, và đã không hề sợ hãi để ngày ngày đấu tranh thực hiện ước mơ ấy.

Thế giới đã biết đến Malala Yousafzai, nhưng ở ngoài kia, biết bao nhiêu đứa trẻ như Malala đã phải chết mà không thể cất lên tiếng nói của mình. Malala muốn rằng, có thể cất tiếng thay cho mọi đứa trẻ như Noor Aziz, tám tuổi khi bị giết bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan; Zayda Ali Mohammed Nasser, chết lúc bảy tuổi vì một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Yemen; hay Abeer Qassim Hamza al Janabi, cô bé 14 tuổi bị cưỡng hiếp và đốt cháy bởi quân đội Mỹ ở Mahmudiyah, Iraq.

Câu chuyện của cô ấy là một câu chuyện mà mọi người nên biết và cô ấy là giọng nói mà mọi người nên lắng nghe. Nó thực sự mạnh mẽ và Malala là người mà tất cả chúng ta có thể học hỏi.

Khi đọc cuốn sách, bạn dễ dàng quên rằng Malala chỉ là một đứa trẻ khi các sự kiện này xảy ra. Cô đã sử dụng nỗi đau và quá khứ bi thảm của mình để xây dựng ý chí đấu tranh.

Cuộc chiến vẫn đang diễn ra, và cuốn sách Tôi là Malala, là một minh chứng về sức mạnh, về tinh thần tranh đấu mà mỗi chúng ta đều có thể có được để mang hòa bình thực sự cho mỗi mái nhà, mỗi ngôi làng, mỗi số phận.

Theo: Zing