11 bài học đáng giá từ những trang sách của Roald Dahl
Roald Dahl – “Người kể chuyện số 1 thế giới” là tác giả nhiều tác phẩm thiếu nhi xuất sắc, gây hứng thú không ngờ cho độc giả. Nhưng không chỉ có vậy, các tác phẩm này còn dạy cho chúng ta những bài học giá trị về cuộc sống.
Bộ truyện 15 cuốn của nhà văn Roald Dahl mới được NXB Kim Đồng tái bản.
1. Ta có thể học được nhiều điều từ những người khác chúng ta
Trong cuốn “James và quả đào khổng lồ”, James đánh bạn với lũ sâu bọ khổng lồ. Bọ khổng lồ thật đấy! Thế mà bạn biết không, chúng dạy cho James nhiều thứ rất hay! Cả Sophie trong cuốn “BFG – Người khổng lồ thân thiện” cũng thế. Cô bé đánh liều kết bạn với một tên khổng lồ, và cuối cùng có một tình bạn xứng đáng. Người Oompa Loompa trong “Charlie và nhà máy sôcôla” cũng đem đến nhiều lời vàng ý ngọc cho các em bé, qua những bài hát dí dỏm vần điệu.
2. Khác người cũng không có gì sai cả
Rất nhiều nhân vật nổi danh do Roald Dahl sáng tạo ra đều không đi theo khuôn mẫu nào cả. Willy Wonka là một người rất đỗi kỳ quặc. Cả gia đình Matilda thích xem TV, riêng cô bé lại thích đọc sách. Mấy bà dì của James (cuốn “James và quả đào khổng lồ”) không giống cậu bé một tí nào, thế nên cậu bé luôn ước ao một cái gì đó khác lạ.
Ấn bản “Charlie và nhà máy sô cô la” do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ.
3. Tự lực rất quan trọng
Thường thì những em bé vai chính trong truyện của Dahl đều có bố mẹ đã qua đời, hoặc cực kỳ tệ bạc (“James và quả đào khổng lồ”, “Cô bé Matilda”, “Phù thủy, phù thủy”, và còn nhiều nữa). Thế là các em bé phải tự mình tìm tòi để tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống. Bài học ở đây là không phải ai cũng có cha mẹ để lúc nào cũng có thể giúp đỡ. Đôi khi chúng ta cần có khả năng tự giúp mình. Mà khả năng này thì mọi nhân vật của Roald Dahl đều có.
4. Cần phải đọc sách, sách có thể thay đổi cuộc đời ta
“Cô bé Matilda” cho ta thấy người ta có thể thoát khỏi thực tại qua những trang sách. Matilda chẳng giống ai trong nhà mình, và mọi người ai cũng đối xử tàn nhẫn với cô bé. Để quên đi, cô bé tới thư viện và gặp cuốn nào đọc cuốn nấy. Một câu trích dẫn nổi tiếng từ câu chuyện này là “Những cuốn sách đem cô đi đến những thế giới mới và cho cô gặp những người tuyệt vời, họ sống những cuộc đời lý thú. Cô bé đi thuyền buồm ngày xửa ngày xưa với Joseph Conrad. Cô bé tới châu Phi với Ernest Hemingway, tới Ấn Độ với Rudyard Kipling. Cô bé đã đi khắp thế giới trong lúc vẫn ngồi trong căn phòng bé xíu, ở một ngôi làng nước Anh.”
5. Đôi khi giấc mơ có thể trở thành sự thật
Charlie mơ được tấm vé vàng để đi thăm quan nhà máy của ông Willy Wonka. Thế rồi sao? Cậu bé có được vé. Sau rồi cậu còn được tặng cả nhà máy. Gia đình Matilda đối xử tệ bạc với cô bé, và cô cầu ước được sống trong một nhà đầm ấm hơn; và rồi cô bé gần như được cô Honey nhận nuôi. James ước có bạn cùng chơi và một gia đình đầm ấm, và rồi cậu được sống hết đời ở Manhattan trong một cái hạt đào khổng lồ, cùng với bạn bè.
Nhiều truyện của nhà văn Roald Dahl xếp trong danh sách những tác phẩm dành cho thiếu nhi hay nhất mọi thời đại.
6. Hai cái sai không bằng một cái đúng
Trong cuốn “BFG – Người khổng lồ thân thiện” không chịu dùng bạo lực chống lại những gã khổng lồ khác, mặc dù chúng dùng bạo lực để chống con người. Thay vào đó, gã nói chuyện với Nữ hoàng Anh (bài học ngoại giao cho trẻ em!), và họ nghĩ ra cách bắt những tên khổng lồ và xử tội chúng một cách nhân đạo.
7. Đừng tin vào vẻ bề ngoài
Gã khổng lồ trong “BFG – Người khổng lồ thân thiện” là một gã khổng lồ thân thiện. Tuy nhiên, gần như toàn bộ khổng lồ đều xấu xa và có bộ dạng khủng khiếp. Trong cuốn “Phù thủy, phù thủy”, các mụ phù thủy đều có vẻ bề ngoài là phụ nữ hấp dẫn, bình thường. Trong cuốn “James và quả đào khổng lồ”, James đánh bạn với sâu bọ khổng lồ, bọn chúng nhìn thật đáng sợ. Tất cả những cuốn sách kể trên đều chỉ ra rằng cần phán xét dựa vào tính cách, thay vì vẻ bề ngoài.
8. Ta cần tự tin vào chính mình
Ông Cáo trong “Bác Fox tuyệt vời” suýt nữa thì bị coi là kiêu căng. Ông rất tự tin vào chính mình và tin rằng nếu ông muốn cái gì, thì ông cũng làm được. Phải nói là ông Cáo đúng là giỏi thật! Thế nên ông có quyền tự hào và tự tin lắm chứ.
9. Thông minh rất có lợi
Không ai lừa được “Bác Fox tuyệt vời”! Ông có thể bắt gà của nông dân Boggis, Bunce và Bean mà không bao giờ bị bắt. Thế rồi khi ba nông dân nghĩ ra cách chặn đầu hang cáo để bắt giết ông, khiến ông chết đói, thì ông Cáo lại dùng trí khôn để tìm ra giải pháp: đào hang tìm đồ ăn!
10. Chỉ cần quyết tâm, ta có thể làm tất cả
James làm cho quả đào khổng lồ bay lên được. Một cậu bé cùng với bà (trong “Phù thủy, phù thủy”) lập ra một kế hoạch để tiêu diệt toàn bộ phù thủy trên thế giới. Ông Cáo nghĩ ra được một kế hoạch sáng láng giúp gia đình không chết đói, không bị bắt. Các nhân vật của Dahl đều quyết tâm, và hoàn thành mọi nhiệm vụ.
11. Hoặc chấp nhận đối phó với nghịch cảnh, hoặc hết sức nỗ lực nhằm thay đổi nghịch cảnh đó
Rất nhiều nhân vật của Dahl gặp hoàn cảnh cực kỳ xui xẻo. Gia đình Charlie cực nghèo. Gia đình Matilda thật xấu tính và coi thường cô bé. Các bà dì của James toàn bỏ đói cậu bé, thậm chí khóa cậu trong phòng cả ngày. Các mụ còn đánh đập, chửi mắng cậu, và cấm không cho chơi với trẻ con hàng xóm. Ba đứa trẻ này đều chấp nhận nghịch cảnh; và khi nhận ra rằng như vậy vẫn chưa đủ, thì các em đều cố thay đổi nghịch cảnh đó. Cả ba đều thành công, và sống hạnh phúc mãi mãi.
(Theo Freely.vn)