“Hái trăng trên đỉnh núi” - Mỗi đứa trẻ như một thiên sứ gieo yêu thương đến với cuộc đời
Vũ Thị Huyền Trang là tác giả của nhiều cuốn sách hay, ý nghĩa viết cho thiếu nhi như: “Cỗ xe mây”, “Khi không còn bà”, “Chỉ thấy mây trời”, “Bình yên bóng mẹ”, “Những đám mây ngoan”... Tập truyện ngắn “Hái trăng trên đỉnh núi” (2021, NXB Kim Đồng) nối dài thêm những nhịp cầu giữa tác giả và bạn đọc, giữa những yêu thương với yêu thương.
Với dung lượng hơn 100 trang, tập hợp 12 truyện ngắn, cuốn sách “Hái trăng trên đỉnh núi” mở ra thế giới đầy sinh động ở cả khu vực miền núi và làng quê nông thôn. Nơi đó có những đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó, khổ cực nhưng vẫn luôn hồn nhiên, lạc quan vui sống. Đặc biệt, những đứa ấy đã biết vượt lên nghịch cảnh để san sẻ tình yêu thương, biết trân trọng những gì mình có, khao khát được cắp sách đến trường...
Đó là những đứa trẻ vẫn thường đến trường với chiếc cặp lồng cơm nguội hay mèn mén như Dơ, Sùng, Thào... Con đường đến trường xa hàng chục cây số đầy gian nan, vất vả. Ngày nắng thì chân trần bấm vào đất, sỏi đá cựa mình dưới chân, muốn xuống dốc phải bẻ cây làm gậy; mùa mưa lũ thì chỉ còn nước ngồi bè vượt nước lũ, sơ sẩy chút thôi là nước lũ cuốn phăng đi mất. Bạn bè của Dơ từng bị dòng nước cuốn đi mãi không về. Vậy mà Dơ, Sùng, Thào vẫn ngày ngày hăng hái đến lớp, đường đến trường râm ran tiếng nói, cười hồn nhiên, thích thú. Dơ học thay phần của người chị bạc phận, học luôn cả phần của mẹ - hình mẫu chung của những người đàn bà miền núi và học để theo đuổi ước mơ đời mình: “Dơ sẽ học làm thầy thuốc về chữa bệnh cho dân bản. Mẹ nói chỉ cần có quyết tâm là làm được. Mỗi buổi sáng đến trường Dơ đều nghĩ sau này những đứa trẻ từng bước qua con suối này, vượt những đoạn đường khó khăn này nhất định cùng nhau xây những cây cầu, làm những con đường to đẹp”.
Lần giở từng trang sách, độc giả chạnh lòng xót xa nhìn theo bước chân dứt khoát, thoăn thoắt của Xíu khi biết mẹ đã mang mình cho một gia đình hiếm muộn. Hoàn cảnh trớ trêu khiến cô bé 8 tuổi hiểu chuyện đến đáng thương. Xíu gọi những người không phải ruột rà máu mủ là bố, mẹ; ở một nơi xa lạ luôn dè chừng, ý tứ nhìn thái độ của người khác mà cư xử mỗi ngày... Ngay cả khi Xíu chưa từng biết mặt bố mình là ai, cô bé vẫn không ngừng tưởng tượng. Dẫu có buồn, tủi vì mẹ nỡ đành lòng để Xíu đi ở nhà người khác, trái tim cô bé vẫn không ngừng yêu thương, nhớ nhung về mẹ. Lựa chọn sau cùng của Xíu càng khiến mỗi chúng ta thêm cảm phục, thêm tin vào sức mạnh của tình yêu thương chân thành.
Trong ngan ngát hương sen, số phận của những đứa trẻ như Cá, Khách, Sóc vừa khơi gợi tình thương vừa như hồi chuông tỉnh thức: “Mỗi đứa trẻ đều có một câu chuyện để kể về chính thân phận mình. Thấp thoáng trong những câu chuyện đó luôn là hình ảnh người mẹ. Có người mẹ tảo tần sớm hôm nuôi con khôn lớn. Có người mẹ cắt một bên thận cứu con. Có người mẹ bán máu lấy tiền cho con đóng học. Và cũng có những người như mẹ của Cá, của Sóc đã bỏ lại con mình. Họ có quay lại tìm con hay không nào ai biết. Nhưng hình ảnh họ chắc chắn sẽ theo những đứa trẻ suốt đời”.
Bởi vậy, bạn muốn hình ảnh của mình lưu giữ trong lòng con như thế nào, đó là do bạn quyết định. Nhưng hãy luôn luôn khắc cốt ghi tâm một điều: Trên đời này, với một người phụ nữ, niềm may mắn, hạnh phúc nhất là được làm mẹ. Vì vậy, đừng vì bất cứ điều gì mà tước đoạt đi hạnh phúc của con mình và cả chính mình nữa. Để những đứa trẻ sinh ra, ai cũng được ấm êm trong vòng tay mẹ. Vì chúng chỉ được sinh ra có một lần trong đời mà thôi.
“Hái trăng trên đỉnh núi” khắc họa nội tâm của những đứa trẻ thông qua nghịch cảnh và biến cố trong cuộc sống. Nhưng sau tất cả, người đọc vẫn sẽ thấy ấm áp bởi nghị lực, tình yêu thương hồn nhiên, trong sáng của những đứa trẻ dành cho cuộc đời này...
Nguồn: vhds.baothanhhoa.vn