cart.general.title

“Kho báu” văn học Nga dành cho thiếu nhi

Có một thời, văn học Nga với chất lãng mạn cách mạng, với cảm hứng yêu nước ngập tràn trong từng tác phẩm, đã là món ăn tinh thần của nhiều thế hệ người Việt. Đặc biệt, có cả một “kho báu” những tác phẩm văn học Nga dành cho thiếu nhi mà nhiều trong số đó đến nay vẫn liên tục được tái bản.

Một số tác phẩm văn học Nga dành cho thiếu nhi được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: H.Y

“Đáng tiếc là ngày nay có những em không thích đọc sách. Lý do bởi khi còn bé các em không được cầm trên tay những cuốn sách tốt đẹp. Đây là một cuốn sách tốt đẹp, bởi vì Cheburashka, cá sấu Ghena và mụ già Sapokliac đã từng là bạn của cha mẹ các em” - nhà văn Eduard Uspenski từng chia sẻ. Ra mắt lần đầu năm 1966, nhân vật cá sấu Ghena của ông không chỉ nổi tiếng ở nước Nga mà còn làm say mê triệu triệu trái tim trẻ thơ trên toàn thế giới.

Cùng với series “Cá sấu Ghena và các bạn”, “Cá sấu Ghena trên thương trường”, độc giả nhỏ tuổi nước Việt còn được “giao lưu” với nhà văn Eduard Uspenski qua bộ truyện “Bác Phi-ô-đo, con chó và con mèo”, “Bạn gái yêu quý của bác Phiodor”. Ở Nga, hai tác phẩm này đều được xếp vào hàng truyện kinh điển dành cho thiếu nhi. Còn tại Việt Nam, đây là hai trong số ít những tác phẩm văn học thiếu nhi Nga được chuyển ngữ sang tiếng Việt trong những năm gần đây.

Hài hước hoặc giàu chất thơ, đậm tính nhân văn và rất truyền cảm hứng là những điều độc giả có thể “thu nhận” đằng sau những tác phẩm văn học Nga dành cho thiếu nhi. Có những cuốn sách đến từ xứ sở bạch dương đã trở thành người bạn cùng đi theo suốt một thời ấu thơ, một thời tuổi trẻ nước Việt như “Cánh buồm đỏ thắm” của Alexandre Grin, “Chó hoang Dingo hay câu chuyện về mối tình đầu” của Ruvim Phraerman, “Khi bố còn thơ” của Alexander Raskin, “Dagestan của tôi” của Rasul Gamzatov, “Timur và đồng đội” của Arkady Gaydar, “Tuổi thơ mãi mãi cùng ta” của Muxtai Karim, “Con Bim trắng tai đen” của Gavriil Troyepolsky...

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến dòng truyện lý thú làm say mê những độc giả nhỏ tuổi ưa phiêu lưu, mê khoa học và khám phá như loạt tác phẩm “Bột mì vĩnh cửu”, “Người bay Ariel”, “Đầu giáo sư Dowel”, “Người cá” của nhà văn Aleksandr Belyaev - “một trong những người đặt nền móng cho loại truyện khoa học viễn tưởng Xô-viết”. Trong các tác phẩm này, tác giả đã đề cập đến nhiều vấn đề khoa học và kỹ thuật của tương lai với những ý tưởng táo bạo.

Hay có thể kể tới nhà toán học Vladimir Levshin, tác giả của “Ba ngày ở nước tí hon” - một “truyện thần thoại tuy không phải là thần thoại mà như có phép màu làm cho học sinh và cả người lớn trở nên yêu toán học”. Ngoài tiểu thuyết toán học “Ba ngày ở nước tí hon”, nhà toán học Vladimir Levshin, với sự hợp tác của vợ là nhà văn Emilia Aleksandrova, còn viết một số cuốn truyện thú vị khác về khoa học như “Mực trắng giấy đen”, “Thuyền trưởng đơn vị”, “Người mặt nạ đen ở nước An-Giép”, “Tìm số thất lạc”.

Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, dường như văn học Nga có sức sống rất lâu trong tâm hồn nhiều người dân nước Việt, bởi vậy, những tác phẩm nổi tiếng dành cho thiếu nhi đến từ xứ sở bạch dương được tái bản liên tục hằng năm với những cái tên như “Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn” của Nikolai Nosov, “Bác sĩ Aibôlít” của Korney Chukovsky, “Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kì của Buratino” của Aleksey Tolstoy, “Vichia Maleev ở nhà và ở trường” của Nikolai Nosov, “Thời thơ ấu” của Macxim Gorki... Đây là những tác phẩm kinh điển mà không cần truyền thông quảng bá vẫn luôn thu hút độc giả. Nhiều thế hệ bạn đọc mê văn học Nga nay đã trưởng thành cũng thường tìm mua những cuốn sách gắn với tuổi thơ không chỉ để sưu tầm, mà còn để nuôi dưỡng tâm hồn con em mình.

Trước nhu cầu của thế hệ độc giả mới, nhiều đơn vị xuất bản, đơn vị liên kết đã dành nhiều sự quan tâm cho các tác phẩm văn học Nga dành cho thiếu nhi. Từ năm 2005, NXB Kim Đồng đã tổ chức thực hiện bộ sách “Văn học Nga - Tác phẩm chọn lọc” với các tác phẩm được xuất bản như “Chiếc nhẫn bằng thép” của K.Paustovsky, “Maximka” của K.M Stanyukovich, “Số phận chú bé đánh trống” của Arkady Gaidar, “Ông tướng của tôi”, “Những con ngựa gỗ” của Albert Likhanov... rất được độc giả đón nhận. Series truyện về cá sấu Ghena, bác Phiodor do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản cũng thuộc list sách bán chạy. Phanbook liên kết cùng NXB Văn hóa Văn nghệ (nay là NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh) chuyển ngữ “Khi bố còn thơ” của Alexander Raskin từ bản tiếng Anh “When daddy was a little boy”. Hay cách đây không lâu, Mai Hà books cùng NXB Hà Nội giới thiệu bộ truyện tranh dân gian Nga gồm 12 cuốn của nhiều tác giả từng quen thuộc với bạn đọc Việt Nam thế hệ 7x, 8x với minh họa đậm "chất Nga", bộ sách gồm các cuốn như “Túp lều đất sét”, “Cá rô nhảy múa”, “Mặt trời bị đánh cắp”, “Cô ruồi nhỏ hoạt bát”, “Sự tích chó ghét mèo”, “Bầy thú con”...

Có thể nói, văn học thiếu nhi Nga vẫn được độc giả Việt Nam đón nhận như một dòng chảy bền bỉ.

Nguồn: hanoimoi.vn