cart.general.title

Lần theo vết cũ…

Vết cũ ngày mưa là những ký ức buồn nhưng đẹp và lãng mạn mà tác giả Đoàn Hạo Lương đã đi qua.

Anita Loos từng nói: “Ký ức khó gột sạch hơn mực”. Những tháng ngày đã qua luôn in sâu trong tâm thức mỗi người, khiến ta nhớ nhung, khắc khoải. Tác giả Đoàn Hạo Lương cũng không ngoại lệ. Anh luôn nhớ về những nơi đã qua, những người đã gặp. Đó là ngọn nguồn và cũng là nội dung tập tản văn Vết cũ ngày mưa vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Vết cũ ngày mưa là những ký ức buồn nhưng đẹp và lãng mạn mà tác giả Đoàn Hạo Lương đã đi qua. Đó là những năm tháng anh được sống với cảm xúc thật - hồn nhiên, trong sáng, pha chút bồng bột. Những cảm xúc ấy, khi trưởng thành, ta không thể nào tìm lại được.

Những tản văn trong cuốn sách hầu hết là những chuyện cũ được viết lại trong nỗi nhớ nhung. Đó là câu chuyện về bà, về mẹ, về ba, về những mái tóc thề đã vắt ngang qua đời tác giả… Bạn đọc có thể cảm nhận những tâm sự ấy qua các tản văn: Bóng chiều của nội, Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi, Kỷ vật, Căn phòng áp mái, Mưa thu tình đầu, Vết cũ ngày mưa… Các bài viết đều gợi nhớ đến tuổi thơ với chuỗi ngày cơ cực của tác giả ở miền Trung gian khó.

Albert Einstein từng nói: “Tôi sống với sự cô đơn đau đớn trong tuổi trẻ nhưng lại ngọt ngào trong những năm tháng trưởng thành”. Những ai đã đi qua một thời tuổi trẻ cơ cực với nhiều thăng trầm thường có nhiều kỷ niệm khó quên làm hành trang cuộc đời. Là người Ăn ký ức, nếm kỷ niệm, Đoàn Hạo Lương không thể quên những tháng ngày khó khăn nơi quê mẹ. Những ngày ấy, dẫu chỉ dĩa bánh ướt ăn với mắm nhưng “Cái vị bánh dân dã, chân chất ấy đã nuôi tôi qua bao năm tháng, cất giữ bao ký ức về một thời thiếu thốn nhưng rất đỗi ấm áp, thân thương” (Ăn ký ức, nếm kỷ niệm).

Với tác giả, ngày đó, đời sống dẫu thiếu thốn nhưng cuộc sống thật nhiều niềm vui và đầy tình người. Trên chuyến tàu cuối năm, anh đã cảm nhận được điều ấy khi bị một người đàn ông giở thái độ côn đồ. Và rồi anh chợt nhận ra rằng “Những chuyến tàu đêm không chỉ có sự chen lấn tranh giành mà còn có cả tình người ấm áp, bao dung” (Trên tàu cuối năm).

Rời quê vào Đà Nẵng để học tập và sinh sống, Đoàn Hạo Lương đã chứng kiến vùng đất sông Hàn từng ngày thay da đổi thịt. Tháng năm tuổi trẻ càng sống động hơn khi đặt vào bối cảnh chân thực mà cũng đầy lãng mạn của Đà Nẵng.

Vẻ đẹp của Đà Nẵng được thể hiện qua Đào chuông Bà Nà, Những cánh tay hoa, Duyên nợ Đà Nẵng. Đọc Duyên nợ Đà Nẵng, bạn đọc còn có thể hình dung ra Đà Nẵng của hơn 20 năm về trước, để thấy được bước nhảy vọt đến sự phát triển vượt bậc như hiện nay.

Ngoài ra, tác giả còn phản ánh được những nét văn hóa độc đáo của vùng đất. Trong các tác phẩm Giòn cay bánh mì Đà Nẵng; Bà ơi, để con xấp bánh!; Mắm Nam ô, đi mô cũng nhớ… tác giả đều cung cấp những giá trị về văn hóa của Đà Nẵng. Đọc Vết cũ ngày mưa, bạn có thể yêu hơn dải đất miền Trung, hiểu hơn con người đang sống và làm việc ở thành phố đầu biển cuối sông.

Với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, Vết cũ ngày mưa như cất lời thủ thỉ, tâm tình cùng bạn đọc. Đọc những dòng văn ấy, đôi khi bạn sẽ cảm thấy nhiều ký ức bỗng chốc ùa về, để rồi thêm yêu quý những kỷ niệm xưa và trân trọng hiện tại.

Nguồn: phunuonline.com.vn