cart.general.title

Lấp khoảng trống phê bình văn học thiếu nhi

Những ấn phẩm được xuất bản thời gian qua, dẫu chưa nhiều nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực phê bình văn học thiếu nhi. Đặt trong bối cảnh đầy sôi động từ sáng tác và xuất bản, có thể xem đây như một nỗ lực để lấp dần khoảng trống đến từ những người trong cuộc.

2 ấn phẩm của TS Lê Nhật Ký và TS Nguyễn Thanh Tâm bổ trợ cho nhau để cùng làm nên diện mạo của văn học thiếu nhi Việt Nam

1.Từ bước chân Dế Mèn (NXB Khoa học xã hội, 2024) là sự tiếp nối các công trình mà TS Lê Nhật Ký đã công bố trước đây, đưa đến người đọc cái nhìn chân thực về văn học thiếu nhi, đặc biệt là thể loại truyện đồng thoại. Sách tập hợp 27 bài viết, được ông chọn lọc từ hơn 30 bài tham luận tại nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế và tiểu luận từng công bố trên các tạp chí khoa học. Đóng góp lớn nhất của Từ bước chân Dế Mèn chính là tác giả đã mang đến cái nhìn toàn cảnh, từ sự hình thành, phát triển đến tiếp nối của thể loại được xem là “đặc sản” của văn học thiếu nhi: truyện đồng thoại.

Theo tác giả, thể loại truyện đồng thoại ở Việt Nam đã trải qua hơn nửa thế kỷ phát triển, với sự đóng góp của nhiều thế hệ tác giả tâm huyết và tài năng. Đã có những tác phẩm gây được tiếng vang không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài, được xếp vào hàng kiệt tác của văn học thiếu nhi như Dế Mèn phiêu lưu ký (1941) của nhà văn Tô Hoài. Đây được xem như tác phẩm khơi nguồn cho thể loại truyện đồng thoại mà về sau được tiếp nối bởi những tên tuổi tài danh khác như Võ Quảng, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Trần Hoài Dương, Trần Đức Tiến, Nguyễn Nhật Ánh…

Tiếc rằng, có lẽ vì chọn hướng nghiên cứu truyện đồng thoại nên Từ bước chân Dế Mèn vẫn tập trung vào những tác phẩm, tác giả cũ mà thiếu đi hơi thở, không khí của văn học thiếu nhi đương đại. Một số tác giả trẻ đã và đang theo đuổi thể loại truyện đồng thoại như Nguyễn Trần Thiên Lộc, Trương Huỳnh Như Trân, Trần Huyền Trang, Đào Thu Hà… chỉ được điểm mặt chỉ tên mà thiếu đi những đánh giá, nhận định để có thể tạo ra sự khích lệ giúp họ gắn bó mật thiết với thể loại này hơn cũng như cho bạn đọc thấy được những đóng góp đến từ tác phẩm của họ.

Bằng tác phong của một người nghiên cứu khoa học, TS Lê Nhật Ký mang đến những cứ liệu, số liệu công phu. Trong bài Truyện đồng thoại Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, ông đưa ra thống kê: Qua 15 năm, số tác phẩm đồng thoại được viết ra là 569 tác phẩm, gần bằng tác phẩm đồng thoại được viết ra trong thế kỷ XX (656 tác phẩm). Điều này ít nhiều mang đến niềm tin và sự kỳ vọng về đội ngũ những người viết đồng thoại hôm nay. Bởi như nhận định của TS Lê Nhật Ký: “Tính đến nay, lịch sử thể loại truyện đồng thoại đã có gần 3/4 thế kỷ phát triển, đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, thăng trầm vận động. Tuy nhiên, đây vẫn là thể loại có vị trí và thành tựu quan trọng hơn cả trong văn học thiếu nhi Việt Nam”.

2.Trước đó, không hẹn mà gặp khi cùng xuất hiện 2 ấn phẩm nghiên cứu, phê bình văn học thiếu nhi là Dòng chảy lấp lánh (NXB Kim Đồng) của TS Nguyễn Thanh Tâm (bút danh Thanh Tâm Nguyễn) và Văn học thiếu nhi Việt Nam - Khảo luận và chân dung (NXB Hội Nhà văn) của TS Nguyên An. Trong đó, Dòng chảy lấp lánh được trao giải Tác phẩm xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Và đặc biệt, dù ra mắt trước nhưng có thể xem Dòng chảy lấp lánh là sự bù đắp cho phần chưa trọn vẹn của Từ bước chân Dế Mèn.

Bên cạnh dòng chảy văn học dân gian, trong cuốn sách của mình, TS Nguyễn Thanh Tâm đã phác họa nên dòng chảy văn học thiếu nhi Việt Nam hiện đại, từ hình thành đến phát triển trong tình hình chính trị, xã hội liên tục biến động, tạo nên những sắc thái khác nhau trong từng thời kỳ. Và đặc biệt, ngoài những tên tuổi đã thành danh của văn học thiếu nhi Việt Nam như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Duy Khán, Vũ Hùng, Xuân Quỳnh, Trần Hoài Dương… TS Nguyễn Thanh Tâm đã lắng nghe và bắt nhịp để có những nhận định xác đáng về tác giả cũng như tác phẩm văn học thiếu nhi đương đại.

Dù cách tiếp cận những vấn đề cũng như tác phẩm, tác giả không thực sự mới nhưng Văn học thiếu nhi Việt Nam - Khảo luận và chân dung của TS Nguyễn An đã phần nào phác họa một cách tổng quát về chặng đường hình thành và phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Cùng với đó, ông cũng mạnh dạn chỉ ra những vấn đề đang đặt ra với văn học thiếu nhi hiện nay như việc dạy trẻ trong nhà trường, Hội Nhà văn Việt Nam với văn học thiếu nhi cũng như các xu hướng phát triển của văn học thiếu nhi trong thời gian tới…

Theo thống kê của nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, từ tháng 10-2020 đến cuối tháng 2-2022, có gần 80 đầu sách nghiên cứu phê bình văn học được xuất bản nhưng không có cuốn nào là phê bình văn học thiếu nhi. Trong năm 2023, có gần 50 đầu sách phê bình văn học, và chỉ có 2 cuốn phê bình về văn học thiếu nhi. Điều đó cho thấy, dù đang là một trong những dòng chủ lưu của văn học trong nước nhưng văn học thiếu nhi vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà lý luận, phê bình.

Nguồn: sggp.org.vn