cart.general.title

Truyện hay dưới mái trường

Nếu “Những tấm lòng cao cả”, “Người thầy đầu tiên”, “Totto-chan bên cửa sổ” là những cuốn truyện “kinh điển” thế giới về thầy cô, bè bạn, mái trường đã trở nên quá quen thuộc, thì những cuốn sách của tác giả Việt Nam về đề tài này lại mang đến những cảm xúc mới lạ, ấm áp, lay động, dù với lứa tuổi học sinh hay người đọc trưởng thành.

Một số cuốn sách hay viết về thầy cô và mái trường. Ảnh: Vân Hạ

Một điểm đặc biệt trong các cuốn sách viết về thầy cô và mái trường là phần lớn các tác giả hay chọn điểm nhìn lùi về quá khứ. Phải chăng chỉ khi đã xa tuổi thơ, có độ lắng của thời gian và nhiều chiêm nghiệm của tuổi đời, người ta mới nhận ra rằng những câu chuyện dưới mái trường dù vui dù buồn cũng đều mang lại nhiều ý nghĩa.

Bởi thế, nhiều cuốn sách nhắc nhớ về thầy cô, mái trường được viết dưới dạng hồi ký, hồi ức, truyện kể. Có thể những nhân vật, tình tiết trong truyện được hư cấu, tưởng tượng, nhưng cũng có thể là những câu chuyện thật như nhà văn Duy Khán từng “nói với các con tôi về cuốn sách này” trong tác phẩm “Tuổi thơ im lặng”: “Những chuyện này bố nhớ và mang theo trong trí, nó từng đốt cháy tấm lòng suốt chặng đường bốn mươi mốt tuổi và hai mươi bảy năm cầm súng, làm Người đến suốt mai sau...”.

“Tuổi thơ im lặng” như được nhà văn Duy Khán rút ruột gan mà viết. Ông viết về người thân trong gia đình, viết về làng, về con mèo, con vện trong nhà, hay cả về những nấm mộ bên đường đi... và trong đó, viết về “Thầy Dung đi xa rồi” đầy xót xa: “Tôi về thăm trường không thấy thầy đâu. Tôi tập viết bằng được lối viết chữ như chữ của thầy. Chữ tôi từ đấy trở đi hoàn toàn giống hệt chữ thầy Dung. Giọng thầy giảng như vẫn văng vẳng đâu đây mà thầy đã đi xa rồi. Nghe nói thầy đi lặng lẽ và đi xa lắm!”.

Cũng ở dạng truyện kể nhưng nhà văn Lê Văn Nghĩa lại chọn lối viết hư cấu kết hợp với nhiều sự kiện, nhân vật có thật nên các tác phẩm như “Mùa hè năm Petrus”, “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ”, “Mùa tiểu học cuối cùng” đều rất lôi cuốn không chỉ nhờ cốt truyện mà còn nhờ những chi tiết từ đời thực được tái tạo trong văn hư cấu.

Kể về những người bạn của ngôi trường mang tên Petrus Ký, nhà văn Lê Văn Nghĩa từng tâm sự: “Tôi viết quyển truyện này để nhớ những người bạn, nhớ ngôi trường thân yêu, nhớ thầy, nhớ cô, nhớ những kỷ niệm đẹp kể cả những điều không vui. Cứ coi như quyển truyện này là một cách để tôi đi tìm sự an lạc nhằm chống chọi với bệnh tật bằng những kỷ niệm của riêng tôi”.

Viết về những tháng năm đi học thì “Mái trường thân yêu” của tác giả Lê Khắc Hoan là cuốn sách không thể không nhắc đến. Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1964, cuốn sách đặc biệt về tình thầy trò trong thời chiến tranh bom đạn khó khăn đã trở thành một hiện tượng trong lịch sử xuất bản Việt Nam lúc bấy giờ. Làm nên sức hút của “Mái trường thân yêu” là câu chuyện có thật được kể với giọng văn giản dị, tự nhiên khiến lớp lớp độc giả những năm ấy và nhiều năm sau này luôn cảm thấy đó là câu chuyện của chính mình, của lớp mình, của trường mình, sinh động, chân thực và đầy cảm động.

Cùng với “Mái trường thân yêu” của Lê Khắc Hoan, “Mái trường xưa” của nhà văn Viết Linh cũng là một trong những tác phẩm được nhiều thế hệ độc giả yêu thích. Những tuổi thơ trong “Mái trường xưa” phải sớm trưởng thành trong những ngày tháng tản cư tránh giặc giã, súng đạn, nhưng niềm lạc quan và tình yêu thương cuộc sống, con người vẫn luôn tha thiết nơi trái tim của các nhân vật thiếu niên.

Cũng hoài nhớ về những năm tháng ấu thơ đi học nơi sơ tán, “Bỏ trốn” của tác giả Bình Ca lại đầy lôi cuốn với những tình tiết vừa hài hước, vừa phiêu lưu, nhưng cũng thật cảm động của “một ngôi trường mà sau bảy mươi năm, chỉ còn lưu giữ trong ký ức của một số ít người. Đó là Trại Nhi đồng Khe Khao, nhà trẻ nội trú đầu tiên của ngành giáo dục mầm non nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đọc “Bỏ trốn”, độc giả không khỏi bật cười trước những “thủ thuật đối phó” với thầy cô của đám “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” đầy nghịch ngợm, ma lanh.

Không lùi về quá khứ để viết về tuổi thơ dưới mái trường, cuốn sách thiếu nhi đầu tiên viết về chuyện học online thời Covid - “Cơ Bản là Cơ Bản” - thật hài hước và sống động về chuyện học trực tuyến của học trò thời nay. Song, “Cơ Bản là Cơ Bản” không chỉ đơn giản viết về những tình tiết vui nhộn mà còn là câu chuyện xúc động của tình bạn, tình người và mở ra thế giới văn hóa giữa dân gian và hiện đại, giữa miền ngược và miền xuôi cho độc giả khám phá.

Trong những cuốn sách đề tài về mái trường còn có bộ ba tập “Nhật ký cô giáo” của tác giả Hồ Yên Thục với “Học kỳ xuân”, “Học kỳ hè”, “Học kỳ thu” đã mở ra những góc nhìn thú vị về môi trường đại học mà ở đó cũng có biết bao câu chuyện đầy cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố. Điểm đặc biệt là bộ sách được viết bởi giọng văn dí dỏm, lôi cuốn về thầy và trò trong thời công nghệ 4.0: “Tôi thực sự yêu mến sinh viên của mình. Hằng ngày được ngắm những tâm hồn trong sáng và những trái tim thơ ngây là hạnh phúc ngập tràn. Tôi thương các em vô cùng vì cuộc đời xô đẩy cho em va vấp quá sớm. Vì em đã cho tôi cảm nhận gần hết những đắng chát và chua cay trong bài luận em viết. Mong rằng ngày mai trời đẹp và những con người mong manh ấy không vỡ vụn ra khi thấy bảng điểm tôi chăm chút từng con số”.

Bộ sách “Nhật ký cô giáo” cũng như nhiều cuốn sách viết về mái trường khác đều cho thấy giáo dục học sinh, sinh viên không chỉ là dạy kiến thức và hoàn thành công việc được giao mà còn rèn nhân cách, hướng đến xây dựng con người biết chia sẻ, biết tri ân, sống có trách nhiệm và có ích trong đời.

Nguồn: Hà Nội Mới