cart.general.title

Chương trình Master-Classe sáng tác truyện tranh dành cho các họa sĩ trẻ Việt Nam

Chương trình Master-Classe truyện tranh do Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 23/9 đến ngày 27/9/2024 tại trụ sở Nhà xuất bản Kim Đồng (55 Quang Trung, Nguyễn Du, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án FEF - sáng tạo và dự án Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo khu vực “Ngành truyện tranh ở Việt Nam và Campuchia: kết nối kinh nghiệm chuyên môn của Pháp”.

Trong số 58 ứng viên dự tuyển, 12 tài năng trẻ trên cả nước đã được hội đồng giám khảo Pháp-Việt lựa chọn tham dự chương trình. Với sự hướng dẫn của các họa sĩ tên tuổi đến từ Pháp và Việt Nam, các học viên tham dự các buổi workshop thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến xuyên suốt 5 ngày. 

Buổi khai mạc chuỗi workshop Master-classe truyện tranh

Là học viên tham gia chuỗi workshop, chị Phạm Hồng Thanh – giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Tôi mới chỉ có kinh nghiệm ở mảng vẽ minh họa và bắt đầu thử sức ở mảng truyện tranh. Kiến thức được học ở workshop rất bổ ích với tôi trong việc giảng dạy cũng như sáng tác. Còn các bạn học, dù có bạn đã từng có tác phẩm được xuất bản nhưng mỗi người đều thu nhận được những kiến thức cần thiết trong khâu thể hiện nội dung và vẽ minh họa. Kiến thức được học lần này sẽ giúp chúng tôi có thêm những kỹ năng cao hơn để xây dựng nội dung tốt và truyền tải bằng hình ảnh”.

Các học viên cũng được học hỏi thêm những cách tiếp cận mới với công việc sáng tác truyện tranh. “Các bạn sinh viên hiện tại vẽ minh họa dựa trên nội dung, thông điệp đã có sẵn. Còn với sáng tác truyện tranh, người vẽ chủ động hoàn toàn từ bố cục nội dung đến hình ảnh, lời thoại. Ngoài ra, các giảng viên người Pháp cũng có cách tiếp cận trực quan hơn với việc vẽ minh họa: họ sẽ đưa ra các ví dụ về hình ảnh rồi sau đó phân tích, khác với cách giảng dạy ở Việt Nam hiện nay khi đưa ra lý thuyết trước rồi tìm các ví dụ chứng minh cho lý thuyết đó. Vì các thầy đã có kinh nghiệm xuất bản tác phẩm trong nhiều năm nên cách truyền đạt dễ hiểu hơn rất nhiều!” - chị Thanh bày tỏ.

Toàn cảnh một buổi Workshop.

Tham gia hướng dẫn là hai họa sĩ truyện tranh nổi tiếng người Pháp Maxime Péroz và Clément Baloup. Họa sĩ Maxime Péroz tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Besançon và trường Nghệ thuật Trang trí Strasbourg. Anh thành danh từ đầu thập niên 2000 trong vai trò minh họa sách thiếu nhi, với các tác phẩm "L’Odyssée du Temps" (Tạm dịch: “Cuộc phiêu lưu của thời gian”), "Guide de survie en milieu alimentaire hostile" (Tạm dịch: “Hướng dẫn sinh tồn trong môi trường thực phẩm khắc nghiệt”), "Vies Tranchées" (tạm dịch: “Những cuộc đời bị cắt ngang”). Anh hào hứng chia sẻ: “Tôi đã đến Việt Nam rất nhiều lần, lần đầu tiên là khoảng 20 năm trước. Khi đó tôi lần đầu tiếp xúc với các tác giả truyện tranh Việt Nam. Các tác phẩm của họ khi đó rất nhiều lỗi, nhưng đó là điều dễ hiểu vì ngành truyện tranh Việt Nam mới manh nha. Đến nay, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Điển hình như các học viên tôi tiếp xúc, họ có kiến thức rất tốt”.

Họa sĩ Maxime Péroz (trái) hướng dẫn học viên.

Nhận xét về các học viên, họa sĩ Maxime Péroz đánh giá: “12 ứng viên tham gia chuỗi workshop đều có năng khiếu. Tôi kỳ vọng rằng bộ truyện cuối cùng sẽ rất thú vị. Sự khác biệt văn hóa hầu như không có, các học viên đều nắm vững các quy tắc cơ bản nên chúng tôi dễ dàng tìm ra tiếng nói chung. Họ đều sở hữu tư duy mở, sẵn sàng tiếp nhận các nền văn hóa khác biệt.”

Họa sĩ Clément Baloup bắt đầu sáng tác truyện từ năm 2004, anh thành danh với những tác phẩm khai thác những vấn đề nóng hổi trong xã hội như vấn đề nhập cư (Mémoires de Viet kieu), chiến tranh (Le Filles du Kurdistan), môi trường  (J'aurai pu devenir millionnaire j'ai choisi d'être vagabond)… Các bộ truyện của anh đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Trung, Ý, Latin, đồng thời được đưa vào chương trình giảng dạy của một số trường đại học danh tiếng, bao gồm Harvard (Hoa Kỳ) và Đại học Melbourne (Úc). Clément Baloup bày tỏ sự hào hứng khi được tiếp xúc với lớp họa sĩ truyện tranh trẻ của Việt Nam. Theo anh, ở Pháp, truyện tranh – hay còn gọi là bandes dessinées – có sức phủ sóng rất lớn. Thị trường truyện tranh rất phát triển, nhiều trường đại học đào tạo ngành sáng tác truyện tranh, các tác phẩm thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí và có rất nhiều nhà xuất bản với mức độ cạnh tranh cao. Đối tượng độc giả không chỉ bao gồm thanh thiếu niên mà có cả những người trưởng thành đã đi làm, thậm chí ở độ tuổi lớn hơn. Anh cũng cho rằng hiện Việt Nam đang có một thị trường truyện tranh trên đà phát triển tốt với nhiều tiềm năng, đến từ nhu cầu của thị trường cũng như nguồn nhân lực.

Họa sĩ Clément Baloup (ngoài cùng bên phải) và các học viên tại buổi workshop. 

Về vấn đề khai thác tiềm năng của các họa sĩ Việt Nam, họa sĩ Clément Baloup đánh giá: “Về tài năng, họa sĩ Việt Nam không thua kém các nước khác. Họ cần thêm kinh nghiệm thực chiến. Điểm khác biệt là các họa sĩ truyện tranh nước ngoài có xuất phát điểm tốt hơn. Ở chuỗi workshop này, chúng tôi với tư cách là các họa sĩ từng trải hơn chỉ truyền đạt lại những kinh nghiệm cho các họa sĩ trẻ. Và điều tôi khá bất ngờ là họ tiến bộ rất nhanh.”

Các học viên đang tập trung sáng tác.

Clément Baloup cũng đưa ra một vài lời khuyên để giúp các họa sĩ trẻ tận dụng tiềm năng phát triển: “Quảng bá tác phẩm không phải công việc mà họa sĩ truyện tranh có thể tự mình làm; họ cần sự giúp đỡ của truyền thông, ví dụ những triển lãm, sự kiện phát hành để tác phẩm có thể đến gần với độc giả. Một ví dụ là ở Pháp, đại sứ quán Hàn Quốc hỗ trợ tổ chức rất nhiều những triển lãm truyện tranh và sự kiện tặng sách miễn phí, vì vậy truyện tranh Hàn rất nổi tiếng tại Pháp.”
Chương trình Master-classe truyện tranh tập trung khai thác các yếu tố cơ bản về nghệ thuật và sáng tạo, cũng như đa dạng hóa khả năng sử dụng đồ họa và kể chuyện. Kết thúc chương trình, học viên sẽ có cơ hội trình bày một dự án từ 6 đến 10 trang truyện tranh để có thể xuất bản. 

Khoa Bảo