Bảo vệ bản quyền sách, thúc đẩy văn hóa đọc
Văn hóa đọc thể hiện qua thái độ ứng xử của mỗi người đối với sách. Đó là tình yêu sách, giữ gìn sách, rèn thói quen và kỹ năng đọc sách, tìm mua sách có bản quyền.
Bạn đọc chọn sách tại hội chợ sách trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024. Ảnh: Thùy Trang
Xâm phạm bản quyền sách diễn ra phức tạp
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, vấn đề bản quyền sách đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có. Có nền tảng mạng xã hội làm không gian hoạt động, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi. Thực trạng này gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sáng tạo, đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, chỉ cần gõ cụm từ "kho sách giá rẻ", "sách giảm giá", “tổng kho sách giá rẻ”, “sách thanh lý”... trên các nền tảng mạng xã hội, có thể tìm thấy hàng nghìn kết quả, với mức giá rao bán rất rẻ. Nhiều trang bán sách giá 19.000 đồng/quyển, bộ 3 sách bất kỳ giá 50.000 đồng.
Sách giả hoành hành dẫn đến một mối nguy hại lớn, đó là lâu dần hình thành thói quen không tôn trọng quyền tác giả trong bạn đọc. Năm 2018, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ nhiều bạn đọc đưa sách giả cho ông ký tặng nhưng không biết mình đã mua phải sách vi phạm. Những lần như vậy, ông từ chối ký lên sách giả và tặng thiệp cho độc giả.
Tại Việt Nam, hàng triệu người sử dụng Internet mỗi ngày, tạo cơ hội mở ra hướng đi mới trong việc tiếp cận văn hóa đọc, nâng cao nhận thức về sách. Tuy nhiên, sự phổ biến của các nền tảng số cũng đặt ra bài toán giải quyết vấn đề xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.
Để thúc đẩy ngành xuất bản phát triển, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cần coi bảo vệ bản quyền là một trong hai trụ cột, cùng với phát triển văn hóa đọc. Đồng thời, bạn đọc cũng cần tẩy chay sách giả, sách lậu bằng việc không mua bán, trao đổi, tuyên tuyền sách giả, sách lậu và tìm mua sách ở những địa chỉ tin cậy, có uy tín. Khi độc giả ý thức được việc mua xuất bản thật chính là bảo vệ lợi ích của bản thân thì khi đó nạn xuất bản phẩm giả, lậu mới được đẩy lùi.
Nhiều thách thức
Tại Hội nghị triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024, ThS. Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
"Vẫn còn đối tượng chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền. Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng vẫn chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả, quyền liên quan. Nhiều người vẫn mua sách rẻ mặc dù có thể biết hoặc không biết đó là sách vi phạm bản quyền. Một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững, chưa áp dụng các quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa", bà Phạm Thị Kim Oanh đánh giá.
Trước đây, vi phạm bản quyền sách "lách luật" dưới hình thức in lậu, bán sách giả. Đến nay, những hình thức vi phạm bản quyền khó lường hơn, khi bạn đọc trẻ phần lớn chuyển sang mua bán sách trên các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, những đoạn video ngắn review (đánh giá) sách, gắn nhãn sách bán chạy bừa bãi… trên các nền tảng mạng xã hội khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền sách càng thêm phức tạp, độc giả khó phân biệt các luồng thông tin.
Nhiều cá nhân, tổ chức còn sử dụng các trang web đăng ký tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, ứng dụng phát hành trực tuyến (OTT) để cung cấp sản phẩm sách điện tử vi phạm bản quyền. Có bên còn lợi dụng công nghệ số, như trí tuệ nhân tạo để tạo ra các tác phẩm nhái nhưng không thực hiện theo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nguồn: laodong.vn