cart.general.title

Cảnh giác mua phải sách giả trên mạng xã hội

Tình trạng in lậu, làm sách giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách đang gia tăng dưới nhiều hình thức, từ truyền thống đến các nền tảng công nghệ.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất bản, mà còn tác động tiêu cực việc tiếp cận tri thức của các em học sinh và mọi tầng lớp cho xã hội.

Hiện nay, có tình trạng sách giả, sách lậu được rao bán, quảng cáo công khai, tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, TikTok. Nhiều người vì sự tiện lợi, giá rẻ đã đặt mua để rồi nhận về những cuốn sách kém chất lượng, vi phạm bản quyền. Trên nền tảng TikTok, vào các buổi tối, nhiều tài khoản thực hiện livestream (phát trực tiếp) bán sách, với lời quảng cáo “giờ vàng giá sốc, giảm đến 50% cho sách hot trong ngày”. Ngoài việc rao bán từng cuốn, người bán còn tạo ra những combo, kết hợp nhiều quyển sách với nhau cho một lần mua. Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên máy tính hay điện thoại thông minh sẽ hiện rất nhiều sản phẩm về sách, người mua dễ dàng hoàn thành mọi giao dịch.

Phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Truy cập vào một số trang (fanpage) bán sách trên Facebook như: “Sách hay mỗi ngày”; “Hội săn sách giảm giá”..., sẽ thấy nhiều cuốn sách hay đã được người bán quảng cáo giảm giá từ 50 đến 80%. Ngoài việc “giảm giá sâu”, người bán còn tạo các combo hấp dẫn như: mua 5 cuốn tặng 1; mua 10 cuốn tặng 1 + đèn mini + bookmark.

Nhiều fanpage mang tên ảo thực tế là bán các sách giả, sách lậu. Thậm chí có những fanpage bán sách còn sử dụng hình ảnh đại diện là logo của nhà xuất bản, đăng lại nội dung các bài viết từ trang web chính thức của nhà xuất bản để tạo lòng tin của khách hàng. Rất nhiều người không biết đây là trang giả mạo cho nên đã mua phải sách giả, sách lậu, chất lượng kém và vi phạm bản quyền.

Sách giả, nhất là sách giáo khoa giả gây hệ lụy khó lường. Thời gian qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hiện hơn 3,3 triệu quyển sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ trái phép tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh sách in thì trên các nền tảng số, sách nói (audio book) và sách điện tử (ebook) cũng dễ dàng bị sao chép qua các trang web, ứng dụng di động, các nền tảng trực tuyến. Nhiều nội dung sách được mua bán, trao đổi, chia sẻ mà không có sự cho phép của tác giả hoặc nhà xuất bản.

Có thể thấy, sách lậu, sách giả không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, uy tín của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, tác giả, mà còn gây thiệt hại cho cả người mua, người đọc. Nhiều cuốn sách giả, sách lậu không qua kiểm định chất lượng, không được thẩm định nội dung, có những nội dung thông tin sai lệch, đã tác động tiêu cực đến việc tiếp nhận thông tin của người đọc. Việc tải sách lậu từ các nguồn không đáng tin cậy về máy tính cá nhân, điện thoại thông minh còn có thể khiến người dùng bị lộ, lọt thông tin cá nhân.

Bên cạnh đó, cần sự chủ động nhận biết và nói không với sách giả, sách lậu của người đọc. Sự chung tay của cả cộng đồng không chỉ góp phần lành mạnh hóa hoạt động xuất bản, mà còn thể hiện lối sống văn minh, biết trân trọng những giá trị tinh thần đích thực của nhân loại.

Hoàng Văn Giang
Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên

Nguồn: qltt.vn