cart.general.title

Bản quyền truyện tranh nhìn từ huyền thoại Doraemon

Sáng 22/9, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - VICAS đã diễn ra buổi tọa đàm “Từ Đôrêmon tới Doraemon: Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ”. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa VICAS và các đối tác là NXB Kim Đồng, Lân Tinh Foundation nhằm kỷ niệm hơn 30 năm bộ truyện Đoraemon hiện diện ở Việt Nam.

Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về công nghiệp văn hóa, đại diện các đơn vị xuất bản ở Việt Nam, đại diện các không gian sáng tạo, người thực hành văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam, cùng đông đảo khán giả yêu thích bộ truyện tranh nổi tiếng Doraemon.

Toàn cảnh tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Nhiều năm qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu hỗ trợ tối đa cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo Việt Nam. Từ năm 2010 tới nay, Viện là một đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách và chiến lược của Việt Nam đối với các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, trong đó có ngành xuất bản.

Trong suốt quá trình hoạt động nghiên cứu và tư vấn chính sách của Viện về văn hóa – nghệ thuật nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, Viện luôn cố gắng tham gia vào các chương trình, hoạt động gắn với thực tiễn phát triển của ngành để có được những đánh giá sát với thực tiễn, từ đó các đề xuất chính sách có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn. Tọa đàm ngày hôm nay là một hoạt động ý nghĩa trong nỗ lực chung đó của VICAS, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và chia sẻ kiến thức về bảo vệ và khai thác sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản”.

Tại tọa đàm, các diễn giả cũng đã có những trao đổi nhằm mang đến cho khán giả cái nhìn tổng quan về quá trình xuất bản truyện tranh Đôrêmon hay Doraemon ở Việt Nam; việc biên tập và xuất bản bộ truyện tại Việt Nam trong thời kỳ đầu và hiện nay; những thành công của bộ truyện nổi tiếng này sau hơn 30 năm có mặt ở Việt Nam.

Nhà văn Lê Phương Liên - người biên tập bộ Đôrêmon phiên bản đời đầu chia sẻ: “Khi chúng tôi thực hiện biên tập những tập đầu tiên của Đôrêmon chưa có bản quyền, chúng tôi như trong một hòn đảo cô đơn. Khi ấy, mục đích xuất bản duy nhất là thu hút sự yêu thích của trẻ em Việt Nam và làm thế nào để lời tranh tuyệt vời nhất, sáng tạo, hấp dẫn nhất”. Bên cạnh đó, bà cũng đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc biên tập và xuất bản Đôrêmon, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sáng tạo trong quá trình chuyển thể nội dung từ nguyên tác.

Có thể nói, trong các thập niên 70, 80, 90, một số quốc gia tại châu Á khá dễ dãi và thỏa hiệp với vấn đề bản quyền. Biên tập viên Đặng Cao Cường - Trưởng Ban biên tập truyện tranh, NXB Kim Đồng cho biết: Năm 1992 là một dấu mốc quan trọng đối với thế giới truyện tranh ở Việt Nam khi NXB Kim Đồng đưa Doraemon về Việt Nam. Một làn sóng truyện tranh giải trí hấp dẫn đã cuốn hút cả phía các nhà xuất bản và phía độc giả. Tuy nhiên, truyện tranh và phim hoạt hình khi đó ở Việt Nam còn phát triển tự phát, vì thế vấn đề bản quyền còn lơi lỏng. Việc NXB Kim Đồng mua bản quyền cho bộ truyện tranh Doraemon đã tạo ra những đột phá cho vấn đề bản quyền xuất bản.

Giáo sư Alisa Freedman - chuyên gia nghiên cứu văn học và văn hóa Nhật Bản từ đại học Orego chia sẻ: Ở Nhật và ở Mỹ, thái độ của cộng đồng thường rất quyết liệt trước những hiện tượng xuất bản không bản quyền. Chính phủ Nhật đã có những cơ chế chính sách chuyên biệt để phát triển văn hóa đại chúng trở thành những sản phẩm văn hóa và lan tỏa toàn cầu. Chính vì thế, Manga (truyện tranh) và Anime (phim hoạt hình được chuyển thể từ Manga) tại Nhật Bản có cơ hội phát triển và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, lan tỏa đến nhiều lĩnh vực văn hóa khác. Doraemon là một trong những bộ truyện tranh có cộng đồng yêu thích đông đảo, và nhân vật Doraemon nổi tiếng hơn ở Việt Nam so với bất kỳ quốc gia nào ngoài Nhật Bản. Cũng nhờ đó mà văn hóa Nhật Bản được biết đến trên khắp thế giới, như một hình thức “quyền lực mềm” giúp Nhật Bản cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế.

Bên cạnh vấn đề bản quyền, nhà nghiên cứu truyện tranh Nguyễn Anh Tuấn cũng đã chia sẻ các khía cạnh pháp lý liên quan đến bản quyền truyện tranh, góp phần làm rõ những thách thức mà ngành công nghiệp truyện tranh Việt Nam đang phải đối mặt. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn, để xây dựng một nền tảng công nghiệp văn hóa từ phim hoạt hình và truyện tranh, trước hết phải thay đổi tư duy đó là thể loại dành cho trẻ con. Nếu cứ định vị như thế, loại hình này sẽ gặp rất nhiều rào cản.

Tại tọa đàm, khán giả cũng đã tích cực tham gia vào phần hỏi đáp, bày tỏ sự quan tâm về việc bảo vệ bản quyền tác phẩm sáng tạo. Nhiều ý kiến cho rằng cần có những chính sách rõ ràng và hiệu quả hơn để hỗ trợ các tác giả và nhà xuất bản.

Tọa đàm đã khép lại với những suy nghĩ sâu sắc về tương lai của ngành công nghiệp truyện tranh Việt Nam nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung, khuyến khích sự phát triển bền vững thông qua việc tôn trọng và bảo vệ bản quyền.

Có thể nói, Đôrêmon hay Doraemon không chỉ là câu chuyện giải trí, mà phía sau nó còn là câu chuyện của văn hóa đại chúng, của cách làm công nghiệp văn hóa và tư duy quản lý của những người làm công tác quản lý Nhà nước về văn hóa./.

Nguồn: nguoihanoi.vn