cart.general.title

Chắp cánh cho truyện tranh Việt

Hơn 30 năm trước, khi truyện tranh còn là một khái niệm khá xa lạ với độc giả Việt Nam, “Đôrêmon” đã được chuyển ngữ, xuất bản và nhanh chóng chiếm trọn trái tim nhiều độc giả nhỏ tuổi. Qua thời gian, độc giả Việt đã được tiếp cận với một thế giới truyện tranh đa dạng, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ tác giả trẻ sáng tạo và phát triển trong lĩnh vực này.

Mở ra thế giới truyện tranh tại Việt Nam

“Hơn 30 năm trước đây, khi chúng tôi tay làm bộ sách Đôrêmon/Doraemon, thậm chí 90% biên tập viên của nhà xuất bản nghĩ không bán được, chỉ một số người chủ chốt nhất, trong đó có ‘nhạc trưởng’ Nguyễn Thắng Vu - Giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng tin tưởng vào thắng lợi của bộ truyện” - bà Lê Phương Liên, người biên tập bộ “Đôrêmon” phiên bản đời đầu, nhà xuất bản Kim Đồng, chia sẻ tại tọa đàm “Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ” tổ chức cuối tuần qua.

Bà Lê Phương Liên nhớ lại, giai đoạn chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, ngành xuất bản cực kỳ khó khăn. Nhà xuất bản Kim Đồng khi ấy làm sách nhưng không bán được, sách chất đầy kho. Điều đó cũng đặt ra vấn đề là ban biên tập cần thay đổi suy nghĩ khi lựa chọn bản thảo. Qua lớp tập huấn truyện tranh do Trung tâm Văn hóa châu Á thuộc UNESCO đặt tại Tokyo, Nhật Bản, tổ chức, lãnh đạo và biên tập viên nhà xuất bản biết tới cuốn Doraemon của tác giả Nhật Bản Fujiko F. Fujio, đã được thiếu nhi một số quốc gia trong khu vực rất yêu thích. Tuy nhiên, độc giả Việt Nam khi ấy quen với truyện chữ, truyện có tranh minh họa, chứ chưa bao giờ đọc thể loại truyện tranh có câu thoại, các từ chỉ âm thanh… Bên cạnh đó, xuất bản thường đưa gương người tốt việc tốt, học giỏi, nhưng nhân vật chính của bộ truyện là Nobita lại khá “yếu thế”… Bởi vậy, việc chuyển ngữ Doraemon đã gây tranh cãi 6 tháng liền ở nhà xuất bản!

Triển lãm "Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam" thu hút các thế hệ độc giả. Ảnh: VICAS

Bởi sự mới lạ ấy, lãnh đạo nhà xuất bản Kim Đồng đã chủ trương Việt hóa, biên soạn bộ sách cho phù hợp với độc giả nhỏ tuổi trong nước. Nghiên cứu tác phẩm và nhận biên tập bộ truyện này, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, truyện gần gũi với đời sống trẻ em, và có những tưởng tượng hấp dẫn, yếu tố thần kỳ, sẽ là “bữa đại tiệc của thiếu nhi” nếu cuốn sách được xuất bản. Vượt qua những khó khăn từ việc tìm dịch giả, họa sĩ để thực hiện bộ sách, 4 tập truyện ra đời rất thành công, 4 vạn quyển sách đã bán hết trong thời gian ngắn như “tiếng sấm” báo hiệu thời kỳ mới. Tuy nhiên, khi bộ sách càng thành công, thu hút độc giả bao nhiêu thì vấn đề bản quyền càng “nóng” bấy nhiêu…

Từng “chấn động” khi nhận được quyển truyện và say mê với Đôrêmon/Doraemon vào những năm 1990, nhà nghiên cứu truyện tranh Nguyễn Anh Tuấn (ChuKim) chia sẻ: “Thời gian đó, Đôrêmon gần như là lựa chọn duy nhất với chúng tôi. Trước đó, theo tài liệu tôi tìm được, sự chú ý của độc giả với ấn phẩm cho thiếu nhi không cao. Sau Đôrêmon, từ năm 1995 - 1998, các đơn vị xuất bản cũng ra mắt những truyện tranh khác, có truyện tranh còn được quảng cáo trên truyền hình như Siêu quậy Teppi”.

Thời điểm đó, không có “rào cản” bản quyền nên các đơn vị xuất bản trong nước có không gian rộng để giới thiệu truyện tranh ở Việt Nam, từ đó tạo nền tảng để xuất bản Việt Nam đa dạng, quy củ và ngày càng văn minh hơn. Chẳng hạn như ấn bản Đôrêmon có bản quyền đã ra mắt năm 1998, với nội dung vẫn được Việt hóa. Và đến ấn bản Doraemon từ năm 2010 trở về sau sát với bản gốc đã đưa trải nghiệm của độc giả Việt Nam tiệm cận với trải nghiệm của cộng đồng hâm mộ Doraemon trên toàn cầu.

Hòa nhập và phát triển

“Quá trình tìm hiểu thay đổi truyện tranh Đôrêmon tới Doraemon tôi nhận thấy nó là đại diện cho sự hòa nhập, phát triển của xuất bản tại Việt Nam cả công tác mua bản quyền, biên tập, và độc giả đón nhận, thưởng thức cũng đã thay đổi rất nhiều” - nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, thói quen tiếp cận sản phẩm truyện tranh đã khác, một lớp nhà sưu tập truyện tranh đã hình thành. Thói quen của họ là đọc truyện tranh trực tuyến qua các nguồn, trong đó có cả trang web “lậu”, sau đó mua các tác phẩm được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam. Người đọc luôn muốn đọc gần với bản gốc nhất, nhiều người tìm, mua bản ebook và so sánh, “soi” chỗ nào chưa được truyền tải trung thành với bản gốc.

Thế hệ nay đón nhận truyện tranh như sản phẩm tiêu dùng, họ bỏ tiền và cảm thấy có thẩm quyền yêu cầu với người cung cấp dịch vụ. Đó là thách thức của người làm sách thời đại này so với những thập niên đã qua. Thậm chí nhiều đơn vị làm sách theo dõi các trang web để biết bộ sách nào đang được cộng đồng mạng theo dõi, và cân nhắc giới thiệu tác phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đọc truyện tranh “lậu” là vấn đề nhức nhối, không chỉ ảnh hưởng tới xuất bản mà còn tác động tới sự phát triển của ngành truyện tranh Việt Nam.

Nhận định các tác phẩm giá trị có tầm ảnh hưởng vượt mọi không gian, thời gian, ông Đặng Cao Cường, Trưởng ban biên tập truyện tranh, Nhà xuất bản Kim Đồng cho rằng, quan niệm truyện tranh chỉ dành cho trẻ em đã thay đổi nhiều. Truyện tranh tiếp tục phát triển, phục vụ nhu cầu của độc giả nhiều hơn, không ít tác phẩm dành cho độc giả lớn tuổi hơn đã được xuất bản tại Việt Nam. Để lĩnh vực này phát triển, cần có biện pháp nâng cao nhận thức của bạn đọc về vấn đề bản quyền. Khi đó, các đơn vị xuất bản và tác giả có nhiều cơ hội đem đến các tác phẩm chất lượng tốt hơn. Hiện nay có các nhà xuất bản nước ngoài cũng phát hành ứng dụng đưa một số bộ truyện tranh giới thiệu miễn phí chương đầu tiên và chương mới nhất. Họ nương theo thói quen của bạn đọc và khuyến khích họ đọc sách có bản quyền, tạo sự phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.

Từ sự thành công của các truyện tranh nước ngoài, thời gian qua, một số truyện tranh trong nước cũng ra đời và gây tiếng vang như Dũng sĩ Hesman (Hùng Lân), Thần đồng đất Việt (Lê Linh), Tý Quậy (Đào Hải), Cuộc phiêu lưu của Dế Út (Linh Rab), Long thần tướng (nhóm tác giả Phong Dương comic)… TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, để ngành truyện tranh Việt Nam phát triển, với các bộ truyện do các tác giả Việt Nam sáng tạo nên và đạt được thành công thời gian tới phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ, cũng như đội ngũ sáng tạo, nhà xuất bản. Trong đó, cần xây dựng hệ sinh thái truyện tranh có đầy đủ điều kiện để chắp cánh cho các tác phẩm và đóng góp cho công nghiệp văn hóa.

Nguồn: daibieunhandan.vn