cart.general.title

Họa sĩ Pháp gốc Việt Clément Baloup: Chúng ta phải làm tốt nghĩa vụ với ký ức

Với loạt tiểu thuyết hình họa Kí ức Việt kiều, họa sĩ Clément Baloup tái hiện những mảnh ghép quá khứ phức tạp của một cộng đồng người Việt Nam dường như bị lãng quên trong lịch sử.

"Mang hai dòng máu Pháp-Việt cùng mối quan tâm đặc biệt dành cho lịch sử và văn hoá Việt Nam, họa sĩ Clément Baloup đã khai thác các câu chuyện dưới nhiều góc nhìn khác nhau: so sánh sự khác biệt giữa góc nhìn từ những nhân chứng với quan điểm từ thế giới bên ngoài; những nỗi băn khoăn trước ngã rẽ số phận của con người khi tha hương; về mối quan hệ giữa các thế hệ (cha mẹ - con cái)."

Trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu 2025, cũng như trong chuỗi hoạt động của dự án phát triển truyện tranh tại Việt Nam, nhân dịp ra mắt loạt sách Kí ức kiều bào: Lính thợ – Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II và Kí ức kiều bào: Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp cùng Viện Pháp tọa đàm Truyện tranh: Khi văn hóa – lịch sử “kết duyên” cùng hội họa, về ý nghĩa văn hóa – lịch sử, cảm hứng sáng tác và sức hút của thể loại truyện tranh kết hợp tư liệu lịch sử, với sự có mặt chia sẻ của tác giả Clément Baloup.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Duyên khởi từ mối liên hệ chặt chẽ với Việt Nam

Ông Franck Bolgiani, Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội cho biết, ba tác phẩm đã và sẽ xuất bản lần này của  họa sĩ Clément Baloup là kết quả của một dự án lớn mà phía Pháp đã triển khai với Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2025.

Ông Franck Bolgiani, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội 

"Clément Baloup sinh ra trong một gia đình có mẹ là người Pháp và cha là người Việt. Anh luôn quan tâm sâu sắc đến lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Điều này cũng cho thấy vì sao trong tác phẩm của anh luôn có một mối liên hệ chặt chẽ với Việt Nam. 

Trong các tác phẩm của mình, anh khai thác đề tài về những số phận bị chia cắt, bị đảo lộn bởi chiến tranh hoặc di cư.

Truyện tranh của Clément Baloup đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng: Đức, Tây Ban Nha, Lavi Trung Quốc, Italia và tiếng Anh. Ngoài ra, các tác phẩm của anh còn được giảng dạy tại nhiều trường đại học, đặc biệt tại Đại học Harvard Hoa Kỳ và Đại học Melbourne của Australia.” - Ông Franck Bolgiani nói.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng cho biết, việc ra mắt hai tác phẩm truyện tranh Lính thợ và Chân đăng, trong loạt sách Ký ức Việt kiều của họa sĩ Clément Baloup, thuộc chuỗi các dự án truyện tranh do Viện Pháp tại Việt Nam thực hiện, trong đó Nhà xuất bản Kim Đồng tham gia phối hợp một số hoạt động như hội thảo truyện tranh, cuộc thi sáng tác truyện tranh, hội thảo dịch thuật truyện tranh và xuất bản truyện tranh. Sự kiện cũng nằm trong khuôn khổ những ngày văn học châu Âu tại Việt Nam với chủ đề về di dân. 

“Được xem là một môn nghệ thuật thứ chín ở châu Âu, truyện tranh hay tiểu thuyết hình họa là sự kết hợp giữa mỹ thuật và văn học. Với loạt sách Ký ức Việt kiều: Chân đăng và Lính thợ, chúng ta sẽ cùng khám phá các tác phẩm truyện tranh như những lát cắt về một lịch sử bị lãng quên. Và còn ý nghĩa hơn nữa khi bộ sách được ra mắt vào năm 2025, năm có rất nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn gắn với những cột mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam, hai cuốn truyện tranh nhỏ sẽ góp phần kể một câu chuyện lịch sử trong một bức tranh chung của lịch sử dân tộc Việt Nam. Câu chuyện về những Lính thợ, những Chân đăng của nhiều năm trước vẫn còn có những tác động mạnh mẽ đến hiện tại, nhắc nhở chúng ta về bản sắc, về ghi nhớ lịch sử để cùng cũng tạo dựng một thế giới hôm nay công bằng và nhân văn hơn” - Bà Vũ Thị Quỳnh Liên khẳng định.

Họa sĩ Clément Baloup (thứ 2 từ phải sang) tại buổi tọa đàm
Họa sĩ Clément Baloup chia sẻ, thời thơ ấu, anh di chuyển theo công việc của người cha khắp nước Pháp và những lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Châu Phi. Việc lớn lên giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, đã ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới quan và cảm hứng sáng tác của họa sĩ.

Dịch giả Phùng Hồng Minh cho rằng, những chi tiết này ảnh hưởng rất nhiều tới các tác phẩm của Clemont Baloup: "Anh theo học nghệ thuật tại Marseille (Pháp), học mỹ thuật tại Trường Mỹ thuật Angouleme (Pháp) rồi tiếp tục theo Đại học Mỹ thuật Việt Nam (còn gọi là trường Mỹ thuật Yết Kiêu). Đây chính là thời kì mà anh bắt đầu khám phá căn tính Việt Nam ở trong mình, cái di sản Việt Nam mà mình mang theo."

Là một tác giả lai Pháp-Việt, Clement Baloup đã phải vượt qua nhiều thách thức để xây dựng nhân vật và không gian Việt Nam một cách chân thực, đồng thời giữ được giọng điệu của nhân vật gốc Á trong quá trình sáng tác.

Với sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng của họa sĩ khi đi tìm tư liệu từ các hồ sư lưu trữ và phỏng vấn nhân vật, anh nhận ra, dù ở xa Việt Nam, kiều bào vẫn luôn có sự hoài hương, nhớ nhà rất sâu sắc.

Mặc dù gặp nhiều thử thách, kiều bào có khả năng hội nhập tốt, chống chịu và vươn lên trong cuộc sống. Điều này được thúc đẩy bởi sức mạnh của văn hóa Việt Nam và tinh thần đoàn kết trong việc gìn giữ và truyền lại ký ức về quê hương Việt Nam.

"Khi mới sáng tác, tôi nghĩ rằng chắc truyện này mình làm cho mình là chính, cũng không ngờ về sau rất nhiều người quan tâm, thích đọc và hiệu ứng của nó rất tốt. Bởi vì ở Pháp, trong cuộc sống hằng ngày đôi khi người Pháp cũng có bạn là người Việt Nam, cũng đi ăn các quán của Việt Nam. Sự hiện diện của văn hóa Việt Nam không phải nhiều nhưng rải rác khắp các nơi ở Pháp. Qua câu chuyện tôi chia sẻ, người Pháp cũng sẽ có thông tin hơn, hiểu hơn về Việt Nam và sự có mặt của văn hóa Việt Nam tại Pháp." - Họa sĩ Clement Baloup nói

Hình họa kể chuyện quá khứ

Clément Baloup đã sử dụng nhiều kỹ thuật và phương tiện khác nhau như màu nước, acrylic, bút chì... để tạo ra các tác phẩm có thể mang tính trừu tượng nhưng gợi lên những cảm xúc, không gian cụ thể. Theo anh, cách sử dụng hình họa có thể làm cho những vấn đề nặng nề trở nên mềm mại hơn và dễ tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Hình ảnh và màu sắc được xem là có sức mạnh để bù đắp cho những hạn chế về ngôn ngữ và cơ hội được cất tiếng của các nhóm thiểu số.

Theo nhà nghiên cứu văn học Lê Nguyên Long, rất nhiều những tác giả trẻ của văn học di dân dùng những tiểu thuyết hình họa (graphic nouvels)  như cách Clement Baloup thực hiện để nói về những vấn đề di dân, vấn đề tị nạn vv và vv..., với những thế mạnh không ngờ về hình ảnh tác động trực tiếp, bù đắp cho những hình thức tự sự khác thông thường như lâu nay chúng ta quen thuộc

Dựa trên những nghiên cứu lịch sử, tư liệu lưu trữ, các cuộc phỏng vấn và ghi chép cá nhân, họa sĩ Clément Baloup đã tái hiện một thực tại đan xen giữa quá khứ và hiện tại, trên những không gian rộng lớn, từ Việt Nam tới Pháp và New Caledonia. Theo anh, "những trang truyện tranh mang đến cơ hội để anh chia sẻ những cảm xúc của mình, vì vẽ là khao khát bày tỏ suy nghĩ cá nhân, là sự đối thoại với quan điểm của người khác, là thể hiện với thế giới góc nhìn của riêng mình", cách thức những trải nghiệm cá nhân và gia đình có thể trở thành nguồn cảm hứng sáng tác.

Với Clément Baloup, việc ghi lại những câu chuyện bằng nét vẽ, không nhằm mục đích tái hiện trung thực hiện thực, mà muốn gợi mở và tái hiện không gian, cảnh quan trong quá khứ, nhất là những giai đoạn lịch sử quan trọng như chiến tranh. Đặc biệt, Clement Baloup nhấn mạnh đến vai trò của nghệ thuật và sáng tác trong gìn giữ ký ức.

 “Khi chúng ta dùng tiểu thuyết hình họa thì có thể tái hiện được một sự kiện lịch sử, nhưng điều quan trọng hơn chúng ta còn tái hiện được tâm thế, cách nghĩ, cách xử sự của con người vào thời gian đó. Đấy là điều vô cùng quan trọng. Bởi vì chúng ta không thể nào dùng tất cả những cách nghĩ, điều kiện sống hiện nay để phán xét, hoặc để đặt ra câu hỏi như là: Nếu là tôi thì tôi sẽ làm khác, tại sao họ lại làm như vậy?

Điều quan trọng của truyện tranh và tiểu thuyết hình hoạ là nó cho phép chúng ta tái hiện được không gian đấy, tái hiện được những con người đấy cùng tâm lý, những sự lựa chọn của họ.  Một sức mạnh của tiểu thuyết hình họa, là nó cho phép chúng ta tái hiện được sự kiện lịch sử, cũng như tâm thế, cách nghĩ, tâm lý của những người sống trong cùng thời gian đó để về sau chúng ta có một cái cách nhìn tổng thể hơn về lịch sử.

Bản thân tôi với tư cách là người sáng tác, cũng như các đồng nghiệp khác, tôi thấy khi mình còn có thời gian, có sức lực, có khả năng sáng tác thì mình phải có nghĩa vụ để làm một cái nghĩa vụ về ký ức, bởi vì nếu không ký ức cũng sẽ bị phai nhạt đi, có nhiều thông tin chúng ta không biết được. Quy luật của dòng đời sinh tử vẫn cứ trôi theo thời gian, chính vì thế chúng ta phải làm tốt nghĩa vụ với ký ức.”