cart.general.title

Hướng nào để xây dựng hệ sinh thái xuất bản số bền vững?

Lớp công chúng số đang dần hình thành, các nhà xuất bản nên linh hoạt khai thác sách thành các sản phẩm phái sinh gần gũi với thế hệ nghe nhìn.

Ông Nguyễn Ngọc Lương - Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát biểu tại buổi khảo sát kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Huy.

Sách điện tử được dự báo là phương thức tiềm năng để tiếp cận công chúng trong thời đại số. Tuy nhiên chiến lược để phát triển dòng sản phẩm này cần phải được cân nhắc cẩn thận về mặt đối tượng. Đồng thời, các xuất bản phẩm cũng nên được khai thác bằng cách liên kết với các loại hình khác để tiếp cận gần hơn với độc giả trẻ.

Những vấn đề này được thảo luận trong khuôn khổ buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, khảo sát kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” diễn ra chiều ngày 29/8.

Phát triển xuất bản điện tử cần có chiến lược

Theo ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các nhà xuất bản đã nỗ lực đổi mới, hiện đại hóa quy trình biên tập, quản lý xuất bản phẩm theo tiêu chuẩn. Ngoài ra các ứng dụng công nghệ cũng được áp dụng trong quá trình làm sách, phát hành. Đặc biệt, sách điện tử đang ngày một phổ biến hơn và có chất lượng cao.

“Lĩnh vực xuất bản điện tử đang được chú trọng hơn, đáp ứng nhu cầu đọc sách, tiếp cận kiến thức của thanh thiếu niên, góp phần nâng cao thẩm mỹ của độc giả trẻ”, ông Phan Xuân Thủy phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, đại diện đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ ra mặt hạn chế hiện nay là sách phục vụ thanh thiếu niên còn chưa đa dạng về nội dung, hình thức, các đơn vị chưa đủ mạnh dạn đầu tư vào xuất bản điện tử.

Bên cạnh việc nâng cao thẩm mỹ của giới trẻ, xuất bản phẩm điện tử còn mở ra nhiều cơ hội sáng tạo mới. Chẳng hạn, các ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể giúp độc giả tiếp cận sách truyện tốt hơn.

“Trong việc phát triển xuất bản phẩm điện tử, cũng cần phải có sự đầu tư vào nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo độc đáo. Điều này đòi hỏi các nhà xuất bản phải có chiến lược nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ chất lượng, nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị văn hóa cao và khả năng tiếp cận rộng rãi”, Ông Nguyễn Ngọc Lương - Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - nói.

Ông Đỗ Quang Dũng - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phát biểu tại buổi làm việc.

Về vấn đề xuất bản điện tử, ông Bùi Tuấn Nghĩa, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, cho rằng sách điện tử cần phù hợp từng độ tuổi. Điều này cũng được ông Đỗ Quang Dũng - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nhấn mạnh trong buổi làm việc chiều ngày 29/8. Theo đại diện đơn vị xuất bản này, đọc nhiều qua các thiết bị từ sớm sẽ không tốt cho trẻ, về cả vấn đề thị lực đến thói quen đọc.

Có thể thấy xuất bản điện tử cần một chiến lược cụ thể hơn bao gồm việc chọn lọc nội dung phù hợp với đối tượng độc giả mục tiêu, tận dụng các nền tảng phân phối số, tạo ra trải nghiệm đọc tối ưu trên các thiết bị điện tử.

Đặt sự phát triển của xuất bản vào trung tâm

Trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra những xuất bản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn cao. Điều này không chỉ giúp thu hút độc giả mà còn góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa, giáo dục và xã hội.

“Việc phát triển các sản phẩm mới cần phải dựa trên nền tảng nghiên cứu thị trường vững chắc và phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung để có thể đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn của độc giả. Chính vì vậy, các nhà xuất bản cần phải không ngừng nỗ lực, đổi mới và sáng tạo để duy trì vị thế và phát triển bền vững trong ngành công nghiệp xuất bản đang ngày càng thay đổi nhanh chóng”, ông Nguyễn Ngọc Lương phát biểu.

Ngoài ra, việc sáng tạo các sản phẩm phái sinh dựa trên xuất bản phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng và gia tăng giá trị của nội dung gốc, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập mới cho các nhà xuất bản và tác giả. Sản phẩm phái sinh là những tác phẩm được phát triển dựa trên các xuất bản phẩm gốc như sách, truyện tranh, hoặc tài liệu học thuật, và có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau như phim, chương trình truyền hình, podcast, trò chơi điện tử, hoặc sản phẩm giáo dục tương tác.

Ông Bùi Tuấn Nghĩa, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, chia sẻ tại buổi làm việc.

Sự phát triển này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm cho người tiêu dùng mà còn mở ra cơ hội để khám phá các khía cạnh mới mẻ và sâu sắc của nội dung gốc. Chẳng hạn tác phẩm Đất rừng phương Nam là một ví dụ điển hình cho khả năng khai thác, làm mới nội dung từ sách. Bằng cách đẩy mạnh hướng khai thác này, một hệ sinh thái xuất bản có thể được hình thành.

Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhận định rằng xây dựng một hệ sinh thái xuất bản số bền vững, bao gồm việc hợp tác với các tác giả, dịch giả, và các đối tác công nghệ, là yếu tố then chốt để đảm bảo nguồn cung nội dung chất lượng và phát triển bền vững. Cuối cùng, việc liên tục cập nhật và nắm bắt các xu hướng công nghệ mới sẽ giúp nhà xuất bản giữ vững vị thế cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả trong kỷ nguyên số.

Nguồn: znews.vn