Lan tỏa tình yêu sử Việt qua văn chương
Vừa qua, NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức một chuyến dã ngoại dành cho các gia đình là bạn đọc, cộng tác viên thân thiết cùng sự tham gia của nhà văn Hoàng Quốc Hải với chủ đề "Dân ta phải biết sử ta". Theo chia sẻ của bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ, những cuộc trò chuyện về lịch sử bắt đầu từ quy mô nhỏ như thế này là hoạt động rất ý nghĩa và cần thiết để lan tỏa tình yêu lịch sử dân tộc thông qua văn chương.
1.Nhà văn Hoàng Quốc Hải là người đã dành 30 năm trong cuộc đời cầm bút của mình để hoàn thành 2 bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ là "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý". Ông cũng vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 2 bộ tác phẩm này. Trong buổi trò chuyện thân mật với chủ đề "Dân ta phải biết sử ta", nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ rằng, ngay từ tuổi hoa niên, còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã rất quan tâm đến lịch sử dân tộc.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải trong buổi nói chuyện "Dân ta phải biết sử ta" tại không gian "Ẩm Hà Tư Nguyên" của anh Trần Hà Trung.
Ông từng viết trong nhật ký của mình khi còn trẻ: "Người không biết lịch sử nước mình thì cũng như con trâu, nó có thể đi cày với bất kỳ người chủ nào!". Ông bộc bạch: "Tôi chọn viết tiểu thuyết về Lý - Trần là 2 triều đại huy hoàng, mang lại vinh quang cho dòng giống Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị giặc phương Bắc xâm lăng và tiến hành đốt phá, nên ngay cả khi bộ "Đại Việt sử ký toàn thư" được triều đình cho biên soạn cũng chỉ có được những dữ liệu khá sơ sài. Theo tôi, những bài học trong lịch sử mà ông cha ta để lại cho hậu thế là vô cùng quý giá. Nó cũng giúp cho chúng ta tránh được những sai lầm, những thất bại, tránh những cuộc chiến tranh giành quyền lực và từ bỏ lòng tham...".
Chính vì thế, thông qua 2 bộ tiểu thuyết mà nhà văn Hoàng Quốc Hải đã phải dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để đi sưu tầm tư liệu, đến thực địa tại các di tích lịch sử, các làng quê..., ông có hy vọng sẽ góp phần "xóa mù lịch sử" cho bạn đọc hôm nay.
Chia sẻ về việc làm thế nào để những đứa trẻ trong thời đại 4.0 hiện nay yêu thích môn lịch sử, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh: "Ngoài những điều học được trên trường lớp và sách giáo khoa, quan trọng là phải bắt đầu từ mỗi gia đình. Trong gia đình, bố mẹ thường xuyên đọc sách, nên mua nhiều sách sử khác nhau về lịch sử văn minh nhân loại, lịch sử chiến tranh thế giới, lịch sử dân tộc, lịch sử nghệ thuật để trong tủ sách của gia đình. Nếu trẻ được sống trong môi trường thấm đẫm những truyện kể lịch sử, nhất là khi đi chơi, đi thăm thú các địa danh lịch sử phải kể chuyện với con mình... Đọc sách sử từ nhỏ sẽ giúp trẻ hiểu hơn về lịch sử nước nhà cũng như lịch sử thế giới, để từ đó kích thích trẻ khám phá nhiều hơn. "Mưa dầm thấm lâu", dần dà các con các cháu sẽ thấy lịch sử dân tộc mình đầy oai hùng và đáng tự hào, đáng trân trọng và trong đó chứa đựng nhiều bài học quý!".
Điều thú vị là, buổi giao lưu trò chuyện của nhà văn Hoàng Quốc Hải với độc giả diễn ra tại không gian "Ẩm Hà Tư Nguyên" (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây) do anh Trần Hà Trung làm chủ nhân. Anh Trần Hà Trung là một người yêu thích và quan tâm đến văn hóa lịch sử dân tộc. Anh đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng nên những không gian văn hóa để kết nối và lan tỏa các giá trị tốt đẹp này.
Anh chia sẻ: "Khi đọc xong 2 bộ tiểu thuyết "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý" của nhà văn Hoàng Quốc Hải, với lòng kính trọng, biết ơn và kính nể những giá trị đặc biệt mà 2 bộ tiểu thuyết này mang lại, tôi đã đặt mua mỗi tiểu thuyết 500 bộ sách để phục vụ hành trình lan tỏa tình yêu văn hóa lịch sử dân tộc đến với các gia đình. Tôi mong muốn, ngày càng có nhiều gia đình biết đến 2 bộ tiểu thuyết đặc biệt có giá trị này và "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý" sẽ có trong tủ sách của nhiều gia đình!".
Chính vì thế, để hiện thực hóa mong muốn này, tại không gian "Ẩm Hà Tư Nguyên" của anh, hàng trăm bộ sách được trang trí theo hình thức sắp đặt rất ấn tượng, đẹp mắt, tạo nên một không gian văn hóa vừa ấm cúng, vừa sang trọng để góp phần lan tỏa, quảng bá và đồng hành với các hoạt động "khuyến đọc" mà anh là một cá nhân hết sức năng nổ và tâm huyết.
2. Cũng với phương châm khai thác, lan tỏa, đồng hành cùng các em thiếu nhi tìm hiểu lịch sử nước nhà, vừa qua, NXB Kim Đồng đã ra mắt bộ sách văn học "Ngàn năm sử Việt" chọn lọc các tác phẩm nổi tiếng nhất viết về lịch sử của nhiều tác giả.
Theo đại diện NXB Kim Đồng, bộ sách "Ngàn năm sử Việt" sẽ gồm 30 cuốn và hiện đã ra mắt được 9 cuốn, bao gồm: "Cờ lau dựng nước" và "Hoàng đế anh minh" của Ngô Văn Phú; "Thập đạo tướng quân Lê Hoàn" của Nguyễn Anh; "Sừng rượu thề" của Nghiêm Đa Văn; "Ỷ Lan phu nhân" và "Ngựa ông đã về" của Hoài Anh; "Hưng Đạo vương" của Phan Kế Bính - Lê Văn Phúc; "Khói mây Yên Tử" của Vũ Ngọc Tiến; "Ông Trạng thả diều" của Hà Ân. Mỗi tác phẩm là sự kết hợp nhuần nhị giữa kiến thức lịch sử sâu rộng, cảm xúc dồi dào, tưởng tượng phong phú của nhà văn để khơi gợi trí tò mò và tình yêu lịch sử dân tộc.
Tuy mỗi cuốn sách là một tác phẩm văn học độc lập, nhưng khi được tập hợp trong bộ "Ngàn năm sử Việt", người đọc sẽ có một cái nhìn khá bao quát và tổng thể về chiều dài lịch sử Việt Nam. Trong đó, 9 cuốn sách ra mắt đầu tiên sẽ là những câu chuyện kể về danh nhân lịch sử có thật đã có ảnh hưởng lớn trong lịch sử dân tộc: có người là bậc minh quân, có người là vị chỉ huy quân sự tài ba, có người là dũng tướng, có người là "người thầy của muôn đời", có người là trạng nguyên nhỏ tuổi nhất... Với mong muốn nuôi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc, bộ sách sẽ góp phần nhân lên trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi niềm tự hào về truyền thống lịch sử và tình yêu đất nước.
Bên cạnh phần tác phẩm văn học, để độc giả nhỏ tuổi có thể hiểu hơn về hoàn cảnh lịch sử, dòng chảy lịch sử mà nhân vật và câu chuyện diễn ra. Chính vì thế, nếu ra mắt đủ bộ 30 cuốn, bộ sách sẽ là nguồn tư liệu tham khảo bổ ích cho lứa tuổi học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo, người yêu lịch sử...
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên trong chương trình trải nghiệm "Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên". Ảnh: VOV
3. Từ tháng 8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông, theo đó môn Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội) trở thành môn học bắt buộc. Điều này nhận được sự đồng tình của dư luận, các nhà giáo, nhà nghiên cứu, trong đó thể hiện được tầm quan trọng của môn học này đối với việc hoàn thiện tri thức, nhận thức cho mỗi học sinh.
Đa số các ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, để học sinh hứng thú học môn Lịch sử, giáo viên dạy lịch sử cần giúp học sinh tìm hiểu lịch sử giống như việc đi khám phá những bí mật bị che lấp trong quá khứ thông qua việc khai thác tài liệu, thông tin chứ không phải là chỉ đơn thuần là thuộc các con số, mốc thời gian...
Ngoài ra, có nhiều cách để giờ học môn Lịch sử trở nên sinh động hơn khi áp dụng giờ học "liên môn". Ví dụ, học về chiến thắng Điện Biên Phủ lại được nghe đọc một đoạn thơ về chiến sĩ Điện Biên, hát một bài hát về ngày toàn thắng, vẽ một bức tranh về ngày thống nhất non sông hay giới thiệu, tìm hiểu về nhân vật lịch sử qua các tác phẩm văn học đặc sắc... Với phương pháp trực quan sinh động như thế, chắc chắn học sinh sẽ thấy rất bổ ích, từ đó hào hứng, yêu thích môn học này hơn.
Với kinh nghiệm lâu năm trong việc đồng hành cùng hoạt động "Khuyến đọc", bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ cho rằng: "Sẽ rất bổ ích nếu trong thư viện các nhà trường có thể dành một góc thích hợp cho những tác phẩm văn học về lịch sử. Hiện nay, nhiều nhà trường áp dụng mô hình "xã hội hóa" trong hoạt động xây dựng thư viện thông qua sự chung tay, quyên góp các đầu sách bổ ích cho lứa tuổi học sinh rất hiệu quả. Chính vì thế, những mô hình thư viện được thành lập thông qua việc "xã hội hóa" có sự đồng hành của phụ huynh, của các "Mạnh Thường Quân" và sự hỗ trợ một phần nào đó từ các NXB để có được tủ sách theo chủ đề như thế này cần được cổ vũ, nhân rộng hơn nữa...".
Nguồn: vnca.cand.com.vn