cart.general.title

Tạo 'đất diễn' cho truyện tranh Việt Nam

Thị trường truyện tranh Việt trong những năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh. Tuy nhiên dường như các tác phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vẫn đang lấn át thị trường trong nước. Vì sao nhu cầu của độc giả cao nhưng chúng ta vẫn thiếu những bộ truyện tranh “made by Vietnam”?

Độc giả tìm mua cuốn truyện tranh “Sơn, Goal!” khi vừa ra mắt. Ảnh: Hương Linh.

Những khoảng trống

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện nay có hơn 60 đơn vị xuất bản phát hành các ấn phẩm truyện tranh, nhưng điều đáng nói là có tới 90% các tác phẩm có xuất xứ từ nước ngoài. Trong đó truyện tranh Nhật Bản (manga) chiếm ưu thế hơn cả. Tiếp đến là truyện tranh từ Hàn Quốc (Manhwa), truyện tranh Trung Quốc (Manhua) và truyện tranh từ phương Tây (comic)…

Vậy truyện tranh Việt đang đứng ở đâu? Thời gian qua rất nhiều dự án sản xuất truyện tranh của Việt Nam được triển khai rộng rãi từ các cuộc thi cho đến những chương trình kêu gọi vốn cộng đồng đã “chắp cánh” cho nhiều tác phẩm có cơ hội đến với bạn đọc. Có thể kể đến bộ truyện tranh “Sơn, Goal!” (Nhà xuất bản Kim Đồng) ghi điểm ngay khi phát hành tập 1 với hơn 20.000 ấn bản.

Những ấn bản đầu tiên của “Sơn, Goal!” được bày bán tại Việt Nam. Ảnh: H.Linh.

Cùng với đó là “Vạn Nhân Ký - Noãn” của cặp đôi tác giả Linh - Thạch, “Tứ Phủ Xét Giả” của nhóm Rover Studio nói về các vị anh hùng dân tộc Việt Nam. Trước đó, là các bộ truyện “Dũng sĩ Hesman” (Hùng Lân), “Thần đồng đất Việt” (Lê Linh), “Tý Quậy” (Đào Hải), “Cuộc phiêu lưu của Dế Út” (Linh Rab), “Long thần tướng” (nhóm tác giả Phong Dương comic)… cũng đã ít nhiều tạo được dấu ấn trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế là dù có sự đồng hành của các tác giả, đặc biệt là các bạn trẻ nhưng khoảng cách của truyện tranh Việt Nam với các sản phẩm của nước ngoài vẫn còn khá lớn. Ở đó, trong khi các truyện tranh của nước ngoài ra mắt liên tục vào hàng tuần, hàng tháng thì các sản phẩm của Việt Nam thường phải mất một thời gian khá dài để ra tập tiếp theo.

Đơn cử như tập 1 của truyện tranh “Sơn, Goal!” ra mắt vào năm 2022 nhân kỷ niệm 65 năm thành lập NXB Kim Đồng, nhưng phải đến tháng 5/2023 tập 2 bộ truyện mới tiếp tục được giới thiệu đến bạn đọc. Và phải đến tháng 7/2024 thì tập 3 của bộ truyện mới lại được phát hành. Hay bộ truyện “Long thần tướng” được đánh giá là thành công nhưng cũng phải mất rất nhiều thời gian để ra mắt mỗi tập truyện mới. Dù yêu mến tác phẩm nhưng sự chậm trễ này cũng khiến nhiều độc giả không đủ kiên nhẫn chờ đợi.

Các sản phẩm ốp lưng điện thoại in hình nhân vật truyện tranh “Long thần tướng” đã tạo hiệu ứng quảng bá tốt cho bộ truyện này.

Tìm cơ hội trên sân nhà

Thực tế cho thấy, so với nhiều quốc gia trong khu vực, thị trường truyện tranh Việt Nam dù “sinh sau, đẻ muộn” nhưng trong thời gian qua cũng đã được đánh giá là vô cùng màu mỡ khi thu hút một lượng lớn bạn đọc. Báo cáo của Waka - một nền tảng đọc truyện trực tuyến cho biết, mỗi tháng tại Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người thường xuyên đọc truyện tranh trực tuyến.

Ông Đặng Cao Cường - Trưởng ban Biên tập truyện tranh (NXB Kim Đồng) cho biết, quan niệm truyện tranh chỉ dành cho trẻ em đã thay đổi nhiều. Truyện tranh tiếp tục phát triển, phục vụ nhu cầu của độc giả nhiều hơn, không ít tác phẩm dành cho độc giả lớn tuổi đã được xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát triển, cần có biện pháp nâng cao nhận thức của bạn đọc về vấn đề bản quyền. Khi đó, các đơn vị xuất bản và tác giả có nhiều cơ hội đem đến các tác phẩm chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam vốn không thiếu các họa sĩ tài năng và có cá tính riêng nhưng họ chưa có được sự hỗ trợ của một ekip tốt, dày dặn kinh nghiệm nên chưa phát huy được hết khả năng của mình.

Thực tiễn cho thấy nhu cầu của độc giả đối với truyện tranh là rất lớn, đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho các tác giả cũng như nhà xuất bản “cày xới”. Do đó, thay vì chọn giải pháp an toàn, tìm “sản phẩm ngoại” thì việc tạo cơ hội, điều kiện để khuyến khích phát triển truyện tranh Việt Nam rất cần được quan tâm.

Theo các chuyên gia, kho tàng văn hóa của Việt Nam rất đa dạng và phong phú với lịch sử dân tộc trải dài hàng nghìn năm. Việc đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào các tác phẩm truyện tranh vừa tạo nên sự gần gũi với độc giả Việt, vừa tạo dấu ấn khác biệt. Tuy nhiên, để chuyển tải những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc, các tác giả phải dành nhiều công sức, thời gian để tìm hiểu tài liệu lịch sử và chọn lọc thông tin một cách tỉ mỉ, có như vậy mới cho ra được những tác phẩm thật sự chất lượng, cuốn hút và thuyết phục người đọc.

Cũng phải thừa nhận một thực tế là hiện nay đội ngũ sáng tác truyện tranh của Việt Nam rất ít ỏi, hầu hết chưa được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản nên nhiều truyện tranh sáng tác chưa đạt chất lượng cao. Chưa kể, một nguyên nhân khá quan trọng nữa là rất nhiều người, đặc biệt là nhiều phụ huynh vẫn có cách nhìn chưa đúng đắn về truyện tranh, cho rằng đây là thể loại giải trí không chứa đựng nhiều giá trị giáo dục.

Để tạo được “bệ phóng” cho truyện tranh Việt Nam, TS Nguyễn Thị Thu Hà - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, để có các bộ truyện do các tác giả Việt Nam sáng tạo và đạt được thành công thì rất cần chính sách hỗ trợ, cũng như đội ngũ sáng tạo, nhà xuất bản. Trong đó, cần xây dựng hệ sinh thái truyện tranh có đầy đủ điều kiện để có thể “chắp cánh” cho các tác phẩm và đóng góp cho công nghiệp văn hóa.

Truyện tranh Việt Nam hiện có nhiều lợi thế phát triển, đó là cơ cấu dân số trẻ, đối tượng độc giả rất đông đảo, nhất là trong bối cảnh văn hóa đọc đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Ở đó, việc tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo truyện tranh trở nên hết sức cần thiết. Bên cạnh sự khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sáng tạo của cá nhân, cần đẩy mạnh yếu tố công nghệ và các dịch vụ từ ứng dụng công nghệ. Và cùng với sáng tạo các sản phẩm phái sinh từ truyện tranh, tác giả và nhà xuất bản cũng cần chủ động, linh hoạt đưa sản phẩm của mình lên các nền tảng đọc online nhằm mở rộng, thu hút hơn nữa số lượng độc giả.

Không chỉ gặp khó khăn trong tiến độ phát hành, các tác giả sáng tác truyện tranh của Việt Nam hiện nay cũng đang vướng phải một số rào cản. Hiện nhiều truyện tranh bị scan, chụp ảnh rồi đăng lên website có tốc độ lan truyền rất nhanh đã trở thành một vấn nạn. Việc phát hành truyện lậu này không chỉ gây ảnh hưởng lớn tới doanh thu của các nhà xuất bản mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi, sự sáng tạo của các tác giả.

Nguồn: daidoanket.vn