cart.general.title

Tiết lộ bất ngờ về truyện 'Doraemon'

Cuốn truyện "Đôrêmon" (Doraemon) đầu tiên được phát hành tại Việt Nam vào năm 1992, tạo tiếng vang lớn. Số lượng in của truyện lên đến hàng trăm nghìn bản mỗi tập.

Thế nhưng ít ai biết khoảng thời gian từ 1992-1995, bộ truyện này được phát hành không có bản quyền.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc thảo luận trong khuôn khổ triển lãm Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Namdo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng... phối hợp thực hiện ngày 22/9.

Giám tuyển, nhà nghiên cứu truyện tranh độc lập ChuKim nhắc lại đã hơn ba thập niên trôi qua kể từ năm 1992, NXB Kim Đồng dưới sự dẫn dắt của cố giám đốc Nguyễn Thắng Vu phát hành Đôrêmon - bộ truyện tranh Nhật Bản lừng danh châu Á.

Giám tuyển, nhà nghiên cứu truyện tranh độc lập ChuKim nói về thời hoàng kim truyện tranh tại Việt Nam.

Ngay sau đó bộ truyện đã tạo tiếng vang lớn trên khắp cả nước với số lượng in lên đến hàng trăm nghìn bản/tập, tiến độ ra tập mới đều đặn hàng tuần, hệ thống phân phối hoạt động sôi nổi từ Nam ra Bắc.

“Khởi đầu từ thế hệ sinh ra trong thập niên 1980, những đứa trẻ ngày ấy và bây giờ đã cùng nhau chia sẻ một trong những ký ức tập thể của xã hội Việt Nam qua những câu chuyện dí dỏm, nhẹ nhàng và cảm động về nhóm bạn học sinh cùng chú mèo máy Đôrêmon ở nước Nhật xa xôi”, giám tuyển ChuKim chia sẻ.

Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ về những cuốn truyện Đôrêmon được phát hành không bản quyền.

Ban biên tập NXB Kim Đồng phải trải qua không ít khó khăn mà đầu tiên là thay đổi tư duy trong việc xuất bản, phát hành sách.

Nhà văn Lê Phương Liên cho biết thời điểm đó, NXB Kim Đồng rất khó khăn về tài chính, không có điện thoại cũng không có máy fax, thậm chí tổng biên tập cũng phải xuống đường, tham gia bán sách.

“Tuy nhiên đại diện NXB quyết tâm tổ chức lớp tập huấn về truyện tranh cho các biên tập viên về cách làm sách, tranh truyện cho thiếu nhi. Lớp tập huấn có sự tham gia của nhiều diễn giả nước ngoài”, nhà văn Lê Phương Liên nhớ lại.

Những cuốn truyện tranh Đôrêmon không bản quyền được trưng bày tại triển lãm Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam.

Thông qua lớp tập huấn này, ông Nguyễn Thắng Vu - nguyên Giám đốc NXB Kim Đồng - mới biết đến bộ truyện Doraemon của Nhật. Cuốn truyện Đôrêmon đầu tiên ở Việt Nam được dịch và biên tập từ truyện Doraemon.

“Khi được nghe về truyện Doraemon được độc giả nhí ở Thái thích thú, đón đọc, ông Nguyễn Thắng Vu đã sang Thái để mua truyện. Sau đó NXB cũng nhờ các dịch giả ở Nhật mua truyện bản tiếng Nhật. Chúng tôi bắt tay ngay vào dịch khi có sách”, nhà văn Lê Phương Liên cho biết.

Sau một tuần phát hành, bộ tranh truyện thiếu nhi Đôrêmon (4 tập) đã bán được 40.000 bản (10.000 bản/tập) tại TP.HCM. Đây là con số ngoài dự kiến. Khi đó đại diện NXB chỉ dự trù bán được hơn 30.000 bản trên toàn quốc.

Ngày 17/2/1995, Đôrêmon tập cuối cùng được phát hành dưới dạng số đúp 77 và 78 chính thức kết thúc giai đoạn phát hành không bản quyền.

Sự lan tỏa của bộ truyện ngày càng lớn, thậm chí bộ truyện đã được quảng cáo trên tivi. “Phía Nhật Bản đã xem được quảng cáo sử dụng video từ phim hoạt hình Doraemon. Thời điểm đó, từng có phóng viên Nhật sang Việt Nam, đến NXB Kim Đồng để phỏng vấn về việc này. Lúc này chúng tôi mới có được số điện thoại của tác giả và ngỏ ý việc mua bản quyền. Thế nhưng tác giả không phản hồi”, nhà văn Lê Phương Liên nói.

NXB Kim Đồng sau đó phải liên hệ với NXB Shogakukan để tìm hiểu và mua bản quyền phát hành. Ngày 17/2/1995 Đôrêmon tập cuối cùng được phát hành dưới dạng số đúp 77 và 78 chính thức kết thúc giai đoạn phát hành không bản quyền.

Tháng 1/1996, tác giả Fujiko F Fujio đến thăm Việt Nam để hoàn tất thủ tục ký kết bản quyền xuất bản bộ truyện tranh Doraemon.

Đến năm 1998, Đôrêmon được tái bản lần thứ nhất, trở thành bộ truyện tranh ngoại nhập đầu tiên có bản quyền ở Việt Nam. Lần in này sử dụng tranh bìa theo bản gốc tiếng Nhật, giữ tên nhân vật theo bản in năm 1992. Năm 2010, NXB Kim Đồng chính thức ngưng việc xuất bản các đầu sách với tên Đôrêmon, thay thế bằng Doraemon với bản dịch bám sát theo bản gốc tiếng Nhật cùng quy cách, định dạng và hình thức đọc sách từ phải qua trái như bản gốc.

Nguồn: znews.vn