Tình Lê Đoàn binh Tây Tiến: Hành trình 67 năm từ tập di cảo tới tay bạn đọc
Cuốn 'Đoàn binh Tây Tiến' được nhà thơ Quang Dũng hoàn thành từ năm 1952. Đến năm 2019, sau 67 năm, bản thảo viết tay của tác giả mới được in và phát hành.
Giải Sách Quốc gia lần thứ 3 vừa vinh danh cuốn sách Đoàn binh Tây Tiến (Đoàn Võ trang tuyên truyền biên khu Lào - Việt) của nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) ở hạng mục sách đoạt Giải A. Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia cho hay thông qua cuốn sách, bạn đọc là người lớn hay trẻ em đều hiểu sâu hơn về những năm tháng lịch sử kháng chiến trường kỳ qua câu chuyện giàu tình tiết độc đáo và chan chứa tình cảm nhân văn.
Hồi ký chung của 'người Tây Tiến'
Xuân 1948, nhà thơ Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến theo dòng cảm hứng mãnh liệt của một người lính trực tiếp tham gia Đoàn Võ trang tuyên truyền biên khu Lào - Việt. Ông viết rất nhanh để kịp đọc trong Đại hội toàn quân của Liên khu III tại thôn Phù Lưu Chanh (nay thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam).
Con gái cố nhà thơ Quang Dũng và Biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng lên nhận giải A Sách Quốc gia cho cuốn sách.
Tuy nhiên, kỷ niệm và cảm xúc về "những ngày Tây Tiến" vẫn khắc khoải trong tâm trí nhà thơ. Bởi vậy, vào năm 1952 ở Thành cổ Sơn Tây (Hà Nội), ông đã hoàn thành tập hồi ký. Theo bà Bùi Phương Thảo - con gái nhà thơ, bản thảo được gia đình lưu giữ, đã đôi lần muốn công bố nhưng chưa thực hiện được. May mắn là sau từng ấy năm, những câu chữ và nét vẽ minh họa của tập bản thảo vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đây có thể coi là di cảo chung đầu tiên mang ý nghĩa rất lớn đối với các thành viên còn lại của Trung đoàn 52 Tây Tiến, và có lẽ với cả nhiều cựu chiến binh khác.
Bà Bùi Phương Thảo chia sẻ: "Cuốn hồi ký được bố tôi viết từ năm 1952, sau khi ông tham gia binh đoàn Tây Tiến. Ban đầu tôi nghĩ cuốn sách không thể xuất bản được nhưng khi họa sĩ Tô Chiêm gặp tôi đặt vấn đề để viết một bài mảng vẽ tranh của nhà thơ Quang Dũng, tôi cũng hồn nhiên đưa cho họa sĩ xem cuốn hồi ký của bố tôi vì trong đó cũng có 6-7 bức tranh ký họa.
Họa sĩ Tô Chiêm sau đó cũng rất phấn khởi và nói với tôi rằng nên xuất bản thành sách luôn. Đây là sự lựa chọn của tôi và có thể gọi là may mắn khi thấy cuốn hồi ký của bố tôi được NXB Kim Đồng in và phát hành. Tôi rất vui bởi tác phẩm này giờ được nhiều tầng đối tượng đọc, đặc biệt là thế hệ con em những người lính Tây Tiến khi đọc cuốn sách này sẽ thấy hạnh phúc và tự hào về thế hệ cha ông. Tôi càng vui sướng hơn khi cuốn sách lại được Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia vinh danh ở hạng mục cao nhất".
Bà Nguyễn Thúy Loan - biên tập viên nhà xuất bản Kim Đồng cho hay, khi đọc bản di cảo của nhà thơ Quang Dũng, bà vừa xúc động, vừa hâm mộ, cũng hơi bùi ngùi.
"Vì tôi hiểu được quá trình đi đến NXB của bản thảo này dài như thế nào. Đầu năm 2019 NXB Kim Đồng mới xuất bản cuốn sách này, đó là một quãng thời gian 67 năm trải qua nhiều thăng trầm, biến cố. Cái khó nhất trong quá trình biên tập là không gian và tư liệu lịch sử tác giả thể hiện đã cách chúng ta tới gần hai thế hệ. Nhưng cũng may mắn trong quá trình đó tôi được gia đình và ban biên tập hỗ trợ.
Cuốn sách đã được Giải A Sách Quốc gia lần thứ ba. Tôi rất xúc động! Hình ảnh, vẻ đẹp văn chương của tác phẩm thể hiện ở chỗ ông không tô hồng, không hư cấu mà ông ghi lại thực tế cũng như chính bài thơ Tây Tiến. Ở đây những người lính rất chân phương, họ hát, họ đàn, họ buồn. Có những lúc họ bực mình nói những câu không dễ nghe. Trong những trang viết của ông, chúng ta dễ dàng hình dung ra quá khứ cảm thấy gần gũi hơn với những người đã được anh hùng, hóa sử thi.
Bức tranh hữu nghị quân - dân, Việt - Lào
Tập hồi ký Đoàn binh Tây Tiến (Đoàn Võ trang tuyên truyền biên khu Lào - Việt) thuật lại những ngày đầu thành lập Đoàn Võ trang Tuyên truyền với hạt nhân là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Tác phẩm cũng cho độc giả biết về nhiệm vụ của đoàn là đi tới những bản, những chòm, những mường của khu vực quân ta hoạt động để tuyên truyền chính sách đoàn kết của Chính phủ, ý chí kháng chiến của dân tộc, tinh thần của quân đội Việt Nam.
Cuốn 'Đoàn binh Tây Tiến' được nhà thơ Quang Dũng hoàn thành từ năm 1952. Đến năm 2019, sau 67 năm, bản thảo viết tay của tác giả mới được in và phát hành.
Tập hồi ký đã xây dựng những bức tranh chân thực về tình cảm gắn bó giữa bộ đội ta và bộ đội Lào thông qua hình ảnh Trung đội Pa Thét Lào được cử tham gia vào Đoàn Võ trang tuyên truyền. Tây Tiến là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, lập những chiến công vang dội, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương.
Nó cũng cho chúng ta biết về sự tham gia của đoàn Nhạc binh nổi tiếng của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên trên mặt trận này. Đặc biệt, nó còn cho chúng ta biết về mối quan hệ gắn bó giữa bộ đội ta và bộ đội Lào, qua một Trung đội Pa thét Lào được cử tham gia vào Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào – Việt.
Tây Tiến là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ Quốc tế tại Lào, lập những chiến công hiển hách góp phần vào việc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược khỏi ba nước Đông Dương.
Bên cạnh những cái thuộc về “vĩ mô” ấy, tập hồi ký còn cho những người yêu Quang Dũng biết thêm nhiều điều về quãng thời gian nhà thơ tham gia Đoàn Võ trang tuyên truyền, tiền thân của Binh đoàn Tây Tiến sau này.
Người đọc có thể thấy hiển hiện một chân dung Quang Dũng đa tài, "đa di năng", tận tụy với công việc qua nhân vật Trần Quang, người Đại đội trưởng vệ binh trí thức, làm công tác tuyên truyền, vận động bà con bằng những vần thơ, bức vẽ của mình, đem tiếng nói của kháng chiến đến với đồng bào các dân tộc sống trên những triền núi cao ngất…
Tập hồi ký cũng cho chúng ta hiểu thêm về con người thi sĩ hào hoa "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm", với những trang viết tuyệt đẹp miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, núi rừng trên đất nước ta và cả nước bạn Lào.
Sau gần 70 năm, tập hồi ký của nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng về binh đoàn Tây Tiến năm xưa giờ đã trở thành những tư liệu văn nghệ và lịch sử vô giá, đóng góp vào di sản văn nghệ kháng chiến nước nhà.
(Nguồn: VietnamNet)