Truyện tranh Việt: Cơ hội từ thị trường rộng lớn
Trung tuần tháng 9 vừa qua, tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (32 Hào Nam, Hà Nội) đã diễn ra triển lãm "Từ Đôrêmon tới Doraemon - 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam" do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, NXB Kim Đồng và Lân Tinh Foundation tổ chức.
Triển lãm và những hoạt động giao lưu lần này là cơ hội để bạn đọc cũng như những ai quan tâm tới sự phát triển của dòng chảy truyện tranh ở Việt Nam nhìn ra những cơ hội của một thị trường rộng lớn cũng như những thách thức đang phải đối mặt.
Cú hích từ bộ truyện "Đôrêmon"
Đã hơn ba thập niên trôi qua kể từ tháng 12/1992, khi NXB Kim Đồng với sự quyết tâm của cố Giám đốc Nguyễn Thắng Vu cho trình làng tập 1 truyện tranh dài kỳ "Đôrêmon" - tên tiếng Việt lúc bấy giờ của "Doraemon" - bộ truyện tranh Nhật Bản của tác giả Fujiko F. Fujio vốn đã lừng danh khắp châu Á từ đầu thập niên 1970. Ngay lập tức, bộ truyện đã tạo tiếng vang lớn trên khắp cả nước với số lượng bán ra 4 tập đầu đã lên tới 4 vạn bản.
Triển lãm "Từ Đôrêmon tới Doraemon - 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam" dẫn dắt của giám tuyển - nhà nghiên cứu ChuKim (người cầm micro) thu hút đông đảo độc giả tham dự.
Ở những tập tiếp theo, số lượng in truyện tranh này lên đến hàng chục vạn bản mỗi tập, ra đều đặn hằng tuần. Khi đó, tập truyện "Đôrêmon" được các nhà phân phối và bán lẻ săn đón từ khắp trong Nam ra ngoài Bắc, được trẻ con và cả người lớn mong ngóng đến ngày phát hành tập tiếp theo.
Tuy nhiên, có một điều ít người biết là, thời gian đầu (1992-1995) bộ truyện đã được phát hành mà chưa có bản quyền. Đến năm 1998, "Doraemon" ở Việt Nam đã có thêm bước tiến khi NXB Kim Đồng và NXB Shogakukan (Nhật Bản) hoàn tất thủ tục ký kết bản quyền xuất bản bộ truyện tranh này. "Đôrêmon" được tái bản lần thứ nhất, trở thành bộ truyện tranh "ngoại nhập" đầu tiên có bản quyền ở Việt Nam.
Ở bản in năm 1998 đã sử dụng tranh bìa theo bản gốc tiếng Nhật, nhưng vẫn giữ tên truyện và nhân vật theo bản in năm 1992. Đến năm 2010, NXB Kim Đồng ngưng phát hành các đầu sách với tên "Đôrêmon", thay thế bằng "Doraemon", với bản dịch bám sát tiếng Nhật: các nhân vật cũng được đổi về tên gốc thành Shizuka, Jaian, Suneo, Dekisugi; hình thức sách cũng thay đổi, với việc in từ phải qua trái, giống cách đọc manga ở Nhật.
Tại triển lãm "Từ Đôrêmon tới Doraemon - 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam", với sự tâm huyết, dẫn dắt của giám tuyển - nhà nghiên cứu ChuKim đã tạo ra một không gian hoài niệm để các thế hệ độc giả (đặc biệt là thế hệ 8X, 9X), yêu mến "Doraemon" có thể cùng nhìn lại quá khứ, từ những ngày tháng tuổi thơ đến hiện tại trưởng thành, khi chú mèo máy vẫn là biểu tượng quen thuộc trong ký ức của mỗi người. Chính vì thế, trong những ngày diễn ra triển lãm, mỗi ngày có tới hàng ngàn độc giả đến xem đã chứng tỏ dấu ấn đặc biệt của bộ truyện "Đôrêmon" trong suốt hơn 30 năm qua.
Trong khuôn khổ của triển lãm, thảo luận bàn tròn "Từ Đôrêmon tới Doraemon: Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập niên" đã được tổ chức. Nhà văn Lê Phương Liên - người biên tập bộ "Đôrêmon" phiên bản đời đầu chia sẻ: "Những năm sau khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, NXB Kim Đồng rất khó khăn, sách làm ra không bán được chất đầy trong kho. May mắn thay, trong đợt tập huấn vào mùa thu năm 1991, Giám đốc Nguyễn Thắng Vu được đồng nghiệp người Thái Lan cho biết, truyện "Đôrêmon" đang được trẻ em ở nước này rất yêu thích nên đã quyết định tổ chức in. 4 tập đầu tiên phát hành rất thành công, anh Vu bay ra Bắc, vui mừng thông báo 40 nghìn bản sách đã bán hết, báo hiệu những điều rất lớn sẽ xảy ra...".
Có thể nói, trong những năm tháng đó, tập truyện tranh "Đôrêmon" thực sự là một "cứu cánh" đối với NXB Kim Đồng và nhờ nó đã vực dậy một thương hiệu của ngành xuất bản đang lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Theo nhà nghiên cứu ChuKim: "Bộ truyện tranh "Doraemon" không chỉ là một hiện tượng văn hóa trong giai đoạn đầu của ngành xuất bản truyện tranh tại Việt Nam, mà còn phản ánh quá trình hội nhập và phát triển của nền văn hóa đại chúng Việt Nam. Từ phiên bản năm 1992 đến phiên bản 1998 và các phiên bản sau năm 2010, "Doraemon" đã chứng tỏ sức sống bền bỉ và ảnh hưởng sâu rộng của truyện tranh đối với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam...".
Còn theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà (Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) thì: "Đôrêmon/Doraemon phản ánh một giai đoạn của ngành xuất bản, của truyện tranh ở Việt Nam, phản ánh sự biến chuyển trong tư duy của những người làm công tác biên tập, những người làm công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật và phản ánh sự cởi mở của độc giả. Từ góc độ nghiên cứu, bộ sách nói lên rất nhiều điều, nó cho thấy trên nền tảng sự cởi mở của độc giả thì chúng ta mới có được sự phát triển, đa dạng các biểu đạt văn hóa sau này...".
Chưa thể phá thế "nhập siêu"
Vào những năm 1990, bạn đọc Việt Nam lần lượt làm quen và đón nhận các bộ truyện tranh đến từ Nhật Bản như "Doraemon", "Dragon Ball" và từ Pháp như "Asterix"... Sau đó, truyện tranh đã trở thành một mảng sách không thể thiếu trong tủ sách của nhiều bạn đọc trẻ và một số NXB đã "sống khỏe" nhờ kinh doanh mảng sách này. Các NXB ở Việt Nam đã mua bản quyền những bộ truyện tranh nổi tiếng như "Doraemon", "Nữ hoàng Ai Cập", "Dấu ấn rồng thiêng", "Thủy thủ mặt trăng", "Lucky Luke", "Cuộc phiêu lưu của Tintin", "Thám tử lừng danh Conan"... liên tục ra mắt độc giả trong suốt 30 năm qua.
Có lẽ nhờ "cú hích" từ "Đôrêmon" như đã nói ở trên, một số truyện tranh "made in Việt Nam" cũng lần lượt ra mắt như "Dũng sĩ Hesman", "Cô tiên xanh", "Tí quậy", "Thần đồng đất Việt"... Trong đó phải kể đến "Thần đồng đất Việt" là bộ truyện tranh Việt Nam gây tiếng vang với số tập lên tới hàng trăm (cùng với đó là vụ kiện về bản quyền kéo dài 12 năm giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị). Sau đó, bộ truyện tranh "Đất Rồng" của nhóm tác giả Đinh Việt Phương - Đỗ Như Trang - Lê Lam Viên ra đời năm 2012 từng nhận được lời khen ngợi của truyền thông và đoạt giải trong một cuộc thi truyện tranh do Nhật Bản tổ chức, nhưng sau đó lại không có được sự thành công kéo dài như "Thần đồng đất Việt" ra đời trước đó.
Bìa cuốn "Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm!" (tập 1) của tác giả Vuy.
Không nằm ngoài xu hướng sáng tác của thế giới với thể loại truyện xuyên không - giả tưởng, hồi cuối năm 2023 vừa qua, Ban tổ chức Giải thưởng truyện tranh quốc tế Nhật Bản (Japan International Manga Award) đã trao giải Bạc cho tác phẩm "Điệu nhảy vũ trụ" của tác giả Nachi Nguyễn - một tác phẩm giả tưởng về cuộc sống trong vũ trụ của các thiên thể. Trước đó, Việt Nam từng có 4 truyện tranh được trao giải thưởng ở cuộc thi này, đó là: "Đất Rồng" (2012) đoạt giải Đồng; "Long thần tướng" (2015), "Địa ngục môn" (2016) đoạt giải Bạc; "Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm!" (2022) đoạt giải Đồng.
Một số ý kiến cho rằng, sự thành công của bộ truyện tranh "Long thần tướng" (5 tập, nhóm tác giả gồm biên kịch Nguyễn Khánh Dương cùng 2 họa sĩ Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Mỹ Anh và cố vấn lịch sử là nhà nghiên cứu Trần Quang Đức) chính là cột mốc tạo ra sự quan tâm, chú ý của độc giả với truyện tranh "made in Việt Nam".
Điều này đã tạo ra động lực cho nhiều tác giả - họa sĩ trẻ, tạo ra sự sôi động đáng kể với cả người đọc và người sáng tác trong 10 năm qua (2014-2024) với những tác phẩm của người trẻ liên tục ra mắt như "Project Icon" của Đình Lân, "Lớp học mật ngữ" của nhóm vẽ BRO, "Cánh hoa trôi giữa hoàng triều" của Tuyết Tuyết, "Địa ngục môn" của Can Tiểu Hy, "Mèo Mốc" của Mèo Mốc...
Trong đó, "Cánh hoa trôi giữa hoàng triều" của họa sĩ Tuyết Tuyết khai thác câu chuyện về cuộc đời vị nữ hoàng duy nhất lịch sử Việt Nam là Lý Chiêu Hoàng. Cùng với thành công của "Long thần tướng" (bối cảnh lịch sử từ năm 1282-1285), đã cho thấy việc tác phẩm của giới trẻ khi sáng tác về đề tài lịch sử - dã sử một cách nghiêm túc, dựa trên tinh thần tôn trọng lịch sử, tự tôn dân tộc là những nỗ lực rất đáng trân trọng.
Dù vậy, công chúng vẫn kỳ vọng với ít nhiều sự thành công của dòng truyện tranh về các đề tài lịch sử, dã sử, xuyên không, kinh dị... trong những năm qua sẽ góp phần phá thế "nhập siêu" truyện tranh suốt hơn 30 năm. Tuy nhiên, đến nay truyện tranh "ngoại nhập" vẫn chiếm lĩnh trên 90% thị trường. Điều này cũng có nghĩa, vẫn có nhiều cơ hội cho các tác giả, họa sĩ trẻ phát triển tài năng và đam mê ngay tại thị trường trong nước rộng lớn, đầy tiềm năng. Nhưng, làm thế nào để phá thế "nhập siêu" vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ và cần có sự quan tâm, đầu tư, chăm chút về cả chính sách lẫn chiến lược phát triển lâu dài.
Nguồn: cand.com.vn