cart.general.title

Truyện tranh Việt học gì ở cách phân loại, phát hành manga của Nhật?

Với thế hệ họa sĩ Việt chịu ảnh hưởng của manga đang dần định hình phong cách riêng, xuất bản truyện tranh Việt cũng có thể tham khảo từ cách phát hành, quảng bá manga của Nhật.

Hình ảnh tại một cửa hàng manga tại Nagoya, Nhật Bản. Ảnh: NINB.

40 năm có mặt tại Việt Nam, manga (truyện tranh Nhật Bản) đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của nhiều thế hệ độc giả. Một số tác giả, người làm công tác xuất bản chia sẻ rằng ảnh hưởng bền bỉ của văn hóa manga và cách manga có được chỗ đứng trong lòng người Nhật có thể đưa ra nhiều gợi ý cho việc tạo điều kiện cho truyện tranh Việt phát triển và định hình phong cách riêng.

Manga trong văn hóa đại chúng Nhật

Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, tác giả sách tranh Thùy Cốm - một độc giả manga lâu năm và đã sinh sống tại Nhật vài năm qua - nhận định về một số khác biệt cơ bản giữa văn hóa manga tại Nhật Bản và Việt Nam

Theo Thùy Cốm, tại Nhật Bản, manga là một hình thức thể hiện, áp dụng vào nhiều sản phẩm khác nhau chứ không chỉ riêng truyện tranh để giải trí. Ví dụ có thể kể đến quảng cáo bán hàng, tài liệu hướng dẫn sử dụng, poster chỉ dẫn nơi công cộng, sách học…

Manga xuất hiện khắp nơi ở Nhật. Ảnh: Dreamstime.

Manga có lịch sử phát triển dài hơn cả thế kỷ. Từ năm 1902, thuật ngữ manga bắt đầu được dùng để chỉ truyện tranh Nhật Bản hiện đại và manga phát triển bùng nổ từ giữa thập niên 50. "Thuở ban đầu, manga bị cho là chỉ dành cho trẻ con, tình huống tương tự có lẽ cũng đã và đang diễn ra ở Việt Nam", Thùy Cốm chia sẻ.

Nhưng đến nay, manga đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa đại chúng Nhật Bản: "Ở Nhật, manga có mặt ở nhiều nơi, trong nhiều hoạt động đời sống bình thường. Các sản phẩm ăn theo những manga nổi tiếng (merch) cũng được bán khắp nơi, từ siêu thị đến quán ăn…", Thùy Cốm nói.

Năm 2022, hơn 80 nhà xuất bản tại Nhật chuyên về manga đã xuất bản hơn 14.000 đầu truyện, đa dạng thể loại, đề tài, đáp ứng nhiều nhóm độc giả. Manga được chia thành năm nhóm theo đối tượng đọc và độ tuổi (tương đương với phân loại theo độ tuổi)

Trong đó cơ bản có thể kể đến: shounen - truyện tranh cho thiếu niên 9 - 18 tuổi (7 viên ngọc rồng, Conan, One Piece, Naruto…); shoujo - truyện tranh cho thiếu nữ 9 - 18 tuổi (Thủy thủ mặt trăng, Hajime là số 1, Nhóc Maruko, Nữ hoàng Ai Cập…); seinen - truyện tranh cho nam giới trên 18 tuổi (Vagabond, Monster…); josei - truyện tranh cho nữ giới trên 18 tuổi (Dáng hình thanh âm, Honey and Clover…); kodomomuke - truyện tranh cho thiếu nhi (Doraemon, Nhóc Miko…)

Tuy nhiên, Thùy Cốm cho biết rằng phân loại theo đối tượng đọc thường chỉ mang tính gợi ý, phần nào báo trước cho độc giả về thể loại, nội dung tác phẩm. Phân loại như trên thì không có nghĩa độc giả nữ không thể đọc shounen và ngược lại.

Manga (kể cả manga 18+) được bày bán rộng rãi ở nhiều nơi như hiệu sách, cửa hàng tiện lợi thường được xếp theo năm nhóm kể trên. Ở những hiệu sách lớn, manga còn có thể chia nhỏ theo thể loại, đề tài, như manga thể thao, manga kinh dị… Đặc biệt, manga 18+ sẽ luôn có màng bọc kín, không mở ra xem trước được. (Hệ thống phân phối sách tại Nhật khá chặt chẽ ở khâu quy định độ tuổi người mua).

Dòng chảy manga tại Việt Nam

Manga Nhật Bản du nhập vào Việt Nam từ cuối thập niên 1980, thông qua một số truyện và phim được phát hành chưa có bản quyền. Đặc biệt, Doraemon do Nhà xuất bản Kim Đồng bắt đầu in thử nghiệm từ năm 1992 đã tạo nên cơn sốt. Đến năm 1996, Kim Đồng thành công thương lượng bản quyền chính thức phát hành Doraemon tại Việt Nam.

Đầu thập niên 2000, nhiều đơn vị xuất bản in truyện tranh không bản quyền, thậm chí là cạnh tranh phát hành chồng chéo. Đến khi Việt Nam gia nhập công ước Bern vào năm 2004, phát hành manga Nhật mới thực sự bắt đầu được thực hiện theo đúng quy trình thương lượng và mua bản quyền từ đơn vị đại diện tại Nhật, xuất bản với chất lượng dịch thuật, in ấn nhìn chung khá tốt.

Tháng 4 vừa qua, tác giả bộ truyện Nhóc Miko (áo dài xanh nhạt) Ono Eriko đến Việt Nam giao lưu cùng người hâm mộ Việt.

Từ góc độ một độc giả bình thường, trong giới hạn hiểu biết và quan sát cá nhân, Thùy Cốm nhận định rằng manga Nhật có ảnh hưởng nhất định nhưng không quá sâu rộng đến văn hóa đại chúng tại Việt Nam. Chẳng hạn, sức ảnh hưởng của manga sẽ không lớn như làn sóng Kpop Hàn Quốc. Cụ thể, không có nhiều tranh luận lớn xoay quanh manga, hay các trào lưu phủ sóng Việt Nam xuất phát từ manga…

Tính đến nay, manga bán chạy nhất ở Việt Nam vẫn là Doraemon (với hơn 50 triệu bản in kể từ năm 1992). Theo Thùy Cốm, Doraemon có ưu thế là manga có bản quyền đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam, vào thời điểm thị trường còn ít tác phẩm mang tính giải trí và giáo dục lành mạnh.

"Có lẽ đến nay, đây vẫn là bộ truyện được nhiều người Việt biết đến nhất. Ảnh hưởng từ manga hay văn hóa Nhật nói chung có thể không phủ rộng ở Việt Nam nhưng lại tương đối bền bỉ, tồn tại ở những cộng đồng chung sở thích, đam mê", Thùy Cốm nói.

Theo CEO Comicola Nguyễn Khánh Dương, từ khi manga Nhật bắt đầu vào Việt Nam đầu thập niên 1990 đã tạo ra thay đổi lớn trong thị trường đọc Việt Nam. Với các họa sĩ truyện tranh Việt, từ thời đầu tiên, khi Internet chưa phát triển, các cuốn manga Nhật Bản là nguồn tư liệu cho các bạn họa sĩ Việt Nam trong việc định hướng sáng tác. Không chỉ Việt Nam, ngay cả ở các quốc gia khác trên thế giới, họa sĩ truyện tranh cũng chịu ảnh hưởng lớn từ manga.

Theo Thùy Cốm, ở Việt Nam, manga vẫn chiếm ưu thế (về số lượng đầu sách lẫn độ phổ biến) so với các tác phẩm tới từ những nền truyện tranh lớn khác của thế giới như Pháp - Bỉ hay Mỹ. Do đó, cũng dễ hiểu vì sao nhiều hoạ sĩ truyện tranh Việt Nam có ảnh hưởng từ manga Nhật vì khả năng cao đó là các tác phẩm họ được tiếp xúc đầu tiên.

Truyện tranh Việt Nam chưa có nhiều tác phẩm khắc sâu vào tâm trí người Việt như manga đã làm được với người Nhật. Tuy nhiên, Thùy Cốm cho rằng chuyện này không có gì đáng buồn, "vì chúng ta mới đang đi những bước đầu tiên thôi, từ những tạp chí truyện tranh tự phát giờ đã có những họa sĩ truyện tranh Việt Nam đạt giải quốc tế rồi". Đồng tình với chia sẻ này, ông Nguyễn Khánh Dương nghĩ rằng trải qua thời gian, các họa sĩ truyện tranh Việt Nam sẽ dần định hình được phong cách của mình.

Theo Thùy Cốm, điều mà nền xuất bản truyện tranh Việt Nam có thể học hỏi từ cách người Nhật làm manga có lẽ là cách quản lý, kiểm duyệt nội dung, cách tận dụng các tác phẩm nghệ thuật nói chung vào quảng bá văn hóa lẫn sản phẩm tiêu dùng, để từ đó Việt Nam sẽ tạo ra được văn hóa truyện tranh của riêng mình.

Nguồn: znews.vn