cart.general.title

"Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam" và câu chuyện “Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ”

Sáng ngày 22/9, bàn tròn “Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ” đã đã diễn ra tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Buổi tọa đàm thuộc khuôn khổ triển lãm "Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam" (từ ngày 13/9 đến 22/9/2024) do Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Lân Tinh Foundation và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức.

Nhìn lại bước ngoặt của ngành truyện tranh tại Việt Nam

Các diễn giả tham dự đã cùng chia sẻ và trao đổi về kết quả nghiên cứu quá trình hiện diện và phát triển của truyện tranh Nhật Bản ở Việt Nam, thông qua bộ truyện tranh Doraemon. Kể từ khi được Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt tập đầu tiên vào ngày 11/12/1992, những câu chuyện về chú mèo máy Doraemon của tác giả Fujiko F. Fujio đã "gây bão" khắp các tiệm sách với hàng trăm nghìn ấn bản. Chú mèo máy thông minh đã trở thành người bạn thân thiết của cả trẻ em Việt Nam và là một phần ký ức không thể phai nhòa của nhiều thế hệ độc giả cho đến tận ngày nay, đồng thời tạo một bước đột phá cho ngành xuất bản thời bấy giờ. 

Một góc triển lãm “Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam”

Tọa đàm bàn tròn là cơ hội để các thế hệ độc giả, biên tập viên đã gắn bó với bộ truyện từ những ngày đầu cùng nhau nhìn lại hành trình hơn 30 năm của Doraemon tại Việt Nam, bên cạnh đó là những câu chuyện chỉ người trong cuộc mới biết về quá trình không kém phần "gian nan" để có thể đưa chú mèo máy đến với độc giả Việt. 

Buổi thảo luận còn đặt ra vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa xuất bản, đặc biệt là truyện tranh, tại Việt Nam; bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan cũng như nâng cao năng lực sáng tác mảng truyện tranh trong nước.

TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trong phát biểu khai mạc đã chia sẻ “Buổi tọa đàm này là một hoạt động ý nghĩa trong nỗ lực chung của VICAS nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và chia sẻ kiến thức về bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản.”

TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc

Trong chương trình, nhà nghiên cứu - giám tuyển ChuKim đã chia sẻ khái quát kết quả nghiên cứu của ông về sự xuất hiện của Doraemon tại Việt Nam và phản hồi của công chúng dưới góc nhìn của một độc giả. Ông cho rằng hành trình này không chỉ bao gồm sự thích nghi của nhà xuất bản và người đọc với một thể loại sách hoàn toàn mới, mà còn là quá trình hòa nhập với sân chơi xuất bản quốc tế - nơi tác quyền các tác phẩm văn học – nghệ thuật được bảo hộ nghiêm ngặt.

Nhà nghiên cứu ChuKim chia sẻ về kết quả nghiên cứu

Là người đầu tiên biên tập cho Đôrêmon, nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ về những “cú sốc” khi lần đầu tiếp cận thể loại truyện “vừa đọc chữ, vừa nhìn tranh”, đi kèm những nỗ lực Việt hóa sao cho tác phẩm vừa gần gũi với văn hóa tiếp nhận và thói quen của độc giả Việt Nam. Để làm được điều đó, quá trình biên tập lời thoại, hình ảnh, thêm thắt những lời dẫn dắt, giới thiệu đóng vai trò rất quan trọng.

Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ nhiều kỉ niệm về quá trình biên tập, xuất bản truyện Đôrêmon thời kì đầu 

Kế thừa và thích nghi trong hành trình mới

BTV Đặng Cao Cường - Trưởng Ban biên tập truyện tranh NXB Kim Đồng cho biết, là thế hệ kế cận, anh và các đồng nghiệp đều cảm thấy áp lực và vinh dự được nối tiếp hành trình Doraemon tại Việt Nam khi vừa kế thừa, lại vừa phải thích nghi với thời cuộc. Đặc biệt yêu cầu của hợp đồng tác quyền, phải đưa tác phẩm về sát với nguyên bản. Anh đánh giá, nếu những ấn bản cũ trước năm 1992 được biên soạn tài tình từ cách đặt tên các bảo bối đến lời dẫn kết nối câu chuyện thì tác phẩm mới phải vừa kế thừa được sự gần gũi của ấn bản cũ mà vẫn phải bám sát bản gốc. Điều này đặc biệt quan trọng khi Doraemon ngày nay đã trở thành một “hệ sinh thái”, không chỉ có truyện tranh mà còn có cả phim điện ảnh và các sản phẩm quà tặng, tiêu dùng.

BTV Đặng Cao Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bản quyền trong hoạt động xuất bản

Tiến sĩ Alisa Freedman - Giáo sư Văn hóa đại chúng và Văn học Nhật Bản, Đại học Oregon, Mỹ cũng đưa ra ý kiến về bản quyền tác phẩm quốc tế trong văn hóa đại chúng ở Việt Nam thông qua trường hợp Doremon và Doraemon tại Việt Nam. Đặt trong bối cảnh văn hóa – xã hội của Việt Nam không ngừng biến đổi, cách độc giả nhìn nhận tác phẩm cũng sẽ thay đổi. 

Tiến sĩ Alisa Freedman đưa ra góc nhìn về cách tiếp nhận Doraemon ở các nước châu Á và Mỹ.

Tiến sĩ Alisa Freedman nhìn nhận xu hướng “địa phương hóa” tác phẩm này ở các quốc gia châu Á chính là sự tiếp biến văn hóa của câu chuyện này. Điều này phản ánh sự giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản và các quốc gia khác khi chính phủ Nhật đã có những cơ chế chính sách chuyên biệt để phát triển văn hóa đại chúng lan tỏa toàn cầu. 

Đồng quan điểm, nhà văn Lê Phương Liên cũng cho rằng Doraemon là truyện tranh Nhật nhưng lại mang sự phổ biến trên toàn cầu là bởi tác phẩm chạm đến tính “người”. Tất cả trẻ em trên thế giới này cười giống nhau và khóc cũng giống nhau, nếu tác phẩm nào chạm được vào những giá trị phổ quát ấy sẽ mang tính toàn cầu.

Xoay quanh vấn đề những ảnh hưởng của bộ truyện tác động mạnh mẽ đến đời sống như thế nào, BTV Đặng Cao Cường đánh giá, kể từ khi Doraemon xuất hiện, quan điểm về truyện tranh ở Việt Nam đã có nhiều khác biệt. Nếu trước kia, quan niệm truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi thì ngày nay, truyện tranh đã dành cho cả người lớn. Công tác xuất bản truyện tranh phải được tiếp tục phát triển để phục vụ nhiều đối tượng độc giả. Nếu ở giai đoạn đầu, truyện Doremon từng được giảm giá khi có số lượng bản in lớn thì ngày nay, đây vẫn là bộ truyện tranh có giá rẻ nhất trong số các bộ truyện tranh của NXB Kim Đồng. Điều này không chỉ cho thấy sự tri ân của nhà xuất bản với các độc giả, nhất là độc giả nhỏ tuổi mà còn phản ánh mong muốn để bạn đọc nhỏ tuổi nào cũng có thể mua được cuốn truyện tranh yêu thích của tuổi thơ.

Anh Đặng Cao Cường cũng nhấn mạnh, cần có biện pháp nâng cao nhận thức của độc giả, đặc biệt là về bản quyền để tiệm cận với những quy định về bản quyền của thế giới. Một số nhà xuất bản trên thế giới thay vì để độc giả tìm đọc sách lậu trên mạng đã có những ứng dụng để độc giả có thể đọc phần đầu hoặc những phần mới nhất của tác phẩm, từ đó khuyến khích họ tìm mua sách có bản quyền để đọc và sưu tầm.

Không chỉ là câu chuyện về một bộ manga xuất hiện ở Việt Nam như thế nào, hội thảo còn đặt ra nhiều vấn đề ở tầm vĩ mô, thông qua một giai đoạn bước ngoặt trong sự phát triển của ngành truyện tranh và lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam. Những vấn đề này không chỉ hữu ích trong quá trình xây dựng cơ chế đối với sự phát triển của ngành xuất bản mà còn đóng góp cho sự phát triển của các hoạt động văn hóa - nghệ thuật nói chung. Hi vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những bộ truyện tranh “made in Việt Nam” mang đậm bản sắc văn hóa riêng, góp phần vào sự phát triển đa dạng của ngành công nghiệp văn hóa.

Khoa Bảo