cart.general.title

Lê Phương Liên “BÚP SEN XANH” VÀ CHUYẾN ĐI VỀ QUÊ BÁC

Tháng 10 năm 1980 tôi về công tác tại NXB Kim Đồng là cán bộ biên tập sách Công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh. Tổ biên tập sách Công tác Đội thuộc ban biên tập sách Truyền thống lịch sử. Đầu năm 1981 bản thảo tiểu thuyết “Búp sen xanh” của tác giả Sơn Tùng đến với Ban biên tập sách truyền thống của NXB Kim Đồng. Khi đó anh Nguyễn Văn Tân (trưởng ban biên tập sách Truyền thống lịch sử) sau khi đọc xong bàn thảo “Búp sen xanh” đã đưa cho tôi đọc, anh nói: “Cô đọc xem thế nào!”. Biết mình chưa là biên tập viên sách truyền thống được đưa đọc để lấy ý kiến tham khảo, tôi rất vui. Từ những trang đầu tiên tôi đã rất thích không khí tiểu thuyết lịch sử toát lên từ văn phong của bản thảo “Búp sen xanh”. Khi đọc xong tôi phát biểu chân thành những cảm xúc của mình với bản thảo của tác giả Sơn Tùng, một người tôi chưa gặp bao giờ. Sau đó tôi được biết anh Nguyễn Văn Tân cùng các anh Bùi Văn Hồng (Tổng biên tập), Lê Cận (Phó tổng biên tập) đã đọc rất kỹ bản thảo “Búp sen xanh”. Bản thảo đã được thảo luận trong nội bộ Ban biên tập nhiều lần trước khi NXB Kim Đồng quyết tâm cho cuốn sách ra đời. 

Bìa cuốn "Búp sen xanh" in lần đầu tiên năm 1982, bìa của nhạc sĩ - họa sĩ VĂN CAO (trái), bìa cuốn “Búp sen xanh” ấn bản kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (phải).

Búp sen xanh được xuất bản lần thứ nhất vào năm 1982 và được bạn đọc đón nhận nhiệt liệt. Thế rồi khi sách chuẩn bị tái bản vào năm 1983 thì đột nhiên có bài báo phê bình khá gay gắt, đặc biệt về vấn đề nhân vật Út Huệ, rất có thể sách sẽ bị cấm xuất bản. Thời gian ấy tôi được chia sẻ những giờ phút căng thẳng của các vị lãnh đạo NXB Kim Đồng, được tham gia tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “Hư cấu trong  tiểu thuyết lịch sử”. Hội thảo mời các học giả có uy tín cao như nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nhà sử học Trần Quốc Vượng, nhà sử học Phan Huy Lê… Trong hội thảo, các ý kiến tranh luận nổ ra khá gay gắt để rồi cuối cùng mọi người đi đến sự nhất trí ủng hộ việc hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã có ý kiến: “Cuốn Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân.” (*).

Ảnh tại sân ngôi nhà thời thơ ấu của Bác Hồ. Trong ảnh từ trái sang: Một cán bộ Nghệ An, nhà văn Sơn Tùng, anh Nguyễn Văn Bính, Lê Phương Liên, anh Nguyễn Văn Tân, anh Trịnh Phi Bính.

Trải qua một thời gian thẩm định, các cơ quan chức năng đã cho phép NXB Kim Đồng tiếp tục tái bản cuốn Búp sen xanh. Thế là từ đó cuốn Búp sen xanh đã vượt qua thử thách để trở thành một cuốn sách nổi tiếng được hàng triệu bạn đọc mến mộ. 

Từ việc say mê cuốn Búp sen xanh, họa sĩ Lê Lam có ý định sáng tác một cuốn sách tranh về Bác Hồ. Ý tưởng đó được NXB Kim Đồng ủng hộ. Năm 1987 Ban biên tập sách truyền thống của NXB Kim Đồng tổ chức một chuyến đi thực tế Nghệ An, Hà Tĩnh. Năm ấy, tôi được tham gia đoàn công tác đưa nhà văn Sơn Tùng và họa sĩ Lê Lam về quê hương Bác Hồ. Đoàn do anh Nguyễn Văn Tân trưởng đoàn, anh Nguyễn Văn Bính là cán bộ tuyên truyền sách, anh Trịnh Phi Bính là lái xe của đoàn. Tôi là người phụ nữ duy nhất trong đoàn, có thêm nhiệm vụ giúp đỡ nhà văn Sơn Tùng trong sinh hoạt. Tuy tôi cũng đã biết nhà văn Sơn Tùng là thương binh nặng, một tay và một chân bị khuyết tật, nhưng khi ra đi mới biết rõ là ông gặp khó khăn như thế nào. Khi ăn uống, một bàn tay ông bị co quắp không gắp được thức ăn, ngay cả dùng thìa xúc cơm cũng vất vả. Do đó trong bữa ăn tôi phải chăm sóc ông. Lúc đi lên bậc thang, lúc qua những chỗ khấp khềnh, có rãnh, ông cần có người dìu dắt, lúc ấy các anh trong đoàn cùng tôi đều giúp đỡ ông… Những ngày đi cùng nhà văn Sơn Tùng, tôi mới thực sự cảm thông với bà Hồng Mai vợ của nhà văn đã tận tình chăm sóc ông trọn đời. Tuy có vất vả nhưng những ngày đó đoàn công tác thật là vui. 

Nhà văn Sơn Tùng, cô Lê Phương Liên cùng các cán bộ tỉnh Nghệ An đứng trao đổi về các tư liệu lịch sử tại ngôi nhà thờ cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại của Bác Hồ) ở làng Hoàng Trù (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An)

Anh em trong đoàn cũng như tôi được nghe nhà văn Sơn Tùng nói nhiều chuyện lý thú về xứ Nghệ, kể về việc ông đã sáng tác tiểu thuyết Búp sen xanh như thế nào… Ông có biệt tài nói hấp dẫn, lúc nào giọng nói truyền cảm của ông cất lên mọi người đều bị lôi cuốn. Đến làng Chùa (Hoàng Trù) quê ngoại và làng Sen (Kim Liên) quê nội của Bác Hồ, nơi nào ông cũng thuộc vanh vách từng đồ vật trong nhà, từng gốc cây ngoài sân... y như chính ông đã từng sống ở đó, như nơi đó là quê hương của ông vậy. Có lẽ ông đã đến quê hương Bác Hồ nhiều lần, yêu quý nơi ấy đến mức nhập thân vào các nhân vật của tiểu thuyết Búp sen xanh bởi thế mà ông đã viết thành công những trang văn sống động chân thực về thời thơ ấu của nhân vật Nguyễn Tất Thành. 

Họa sĩ Lê Lam tôn trọng nhà văn Sơn Tùng như là bậc thầy văn hóa truyền thống. Họa sĩ là người Bắc nên ông rất có ý thức tìm hiểu phong cảnh, cây cỏ, đồ gia dụng… các chi tiết sinh hoạt đời thường ở vùng Nghệ Tĩnh, đặc biệt là những kỷ vật từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ông mang theo máy ảnh để ghi hình các tư liệu phục vụ cho sáng tác sách tranh của mình. Nhờ thế mà trong chuyến đi này, đoàn công tác ngày ấy có được các tấm ảnh kỷ niệm. 

Ấn bản “Từ Làng Sen” kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những năm tháng là biên tập viên NXB Kim Đồng tôi có nhiều chuyến đi, nhưng chuyến đi về quê hương Bác Hồ cùng nhà văn Sơn Tùng và họa sĩ Lê Lam và các anh ở phòng sách truyền thống lịch sử là một chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Một chuyến đi trên cái xe ô tô u oắt, mui bạt hầm hập hơi nóng dưới trời nắng chang chang. Ngày ấy xe ô tô có điều hòa còn rất xa lạ với người cán bộ.  Chiếc xe phóng khoáng gió tung bay ào ào thổi trên đường đi vô và đi ra xứ Nghệ. Để rồi mọi gian khổ đều bay đi hết, chỉ còn đọng lại trong tôi những bài học quý giá như thể tôi đã được qua một khóa học đặc biệt. Để rồi tôi được nhìn ngắm những bức tranh rất đẹp của họa sĩ Lê Lam, được chia sẻ niềm vui trăn trở của nhà văn Sơn Tùng khi ông cân nhắc từng từ ngữ viết lời tranh. 

Một bức tranh của họa sĩ Lê Lam trong cuốn sách tranh "Từ Làng Sen"

Và, ngày vỡ òa vui vẻ tưng bừng đã tới, cuốn sách Từ làng Sen (Tranh Lê Lam, lời Sơn Tùng) được long trọng ra đời vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990). Cuốn sách tranh ấy cùng tiểu thuyết Búp sen xanh được in đi in lại nhiều lần, luôn có vị trí lộng lẫy trên kệ của các cửa hàng sách, trở thành niềm tự hào của NXB Kim Đồng.  

Tới nay cả nhà văn Sơn Tùng và họa sĩ Lê Lam đều đã tuổi cao sức yếu, các anh Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Bính, Trịnh Phi Bính đều đã về với tổ tiên. Nhớ lại những kỷ niệm làm sách về Bác Hồ của NXB Kim Đồng, tôi bỗng hiểu ra: chính ánh sáng huyền diệu từ cảnh sắc sông núi, từ truyền thống gia đình quê hương, từ tinh hoa văn hóa Việt Nam hun đúc nên hình tượng Hồ Chí Minh đã tỏa sáng vào tâm hồn các văn nghệ sĩ. Từ những rung động tâm linh vụt sáng đó, các giá trị văn học nghệ thuật có sức sống bền bỉ lâu dài đã tồn tại mãi trong lòng công chúng.

Tháng 5/2020

(*) Trích theo lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết Tựa cho bản “Búp sen xanh” xuất bản lần thứ 2 vào năm 1983, toàn văn bài Tựa này được in vào bản in “Búp sen xanh” NXB Kim Đồng năm 2005.