cart.general.title

Quỳnh Anh Giải mã sức hút “Người đi săn và con sói lửa”

Tiểu thuyết dành cho thiếu nhi “Người đi săn và con sói lửa” của nhà văn Nguyễn Quỳnh luôn được bạn đọc yêu thích nhất là bạn đọc nhỏ tuổi, bởi câu chuyện cảm động về tình thương của con người với các loài vật. Tác phẩm vừa được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản.

Là người rất yêu núi rừng Trường Sơn, nhà văn Nguyễn Quỳnh có một số tác phẩm khác viết về rừng và muông thú như: “Rừng đêm”, “Dũng sĩ rừng xanh”, “Sói gầm trên đỉnh dốc”, “Chú cheo cheo thông minh”… được bạn đọc đánh giá cao. Thế nhưng, “Người thợ săn và con sói lửa” vẫn là tác phẩm thành công nhất của nhà văn trong thể loại này.

Bối cảnh của tiểu thuyết là làng Mít, nơi có nghề săn bắn nổi tiếng ở Tây Nguyên. Ông Giáp là thợ săn lão luyện, được nhiều anh em trong phường săn nể trọng. Báo Vàng là con chó săn đầu đàn trong phường săn của làng Mít. Ngoài sự thiện chiến, nó vô cùng tinh khôn. Trong lần vào rừng đi săn, Báo Vàng cùng với Vện và một số con chó săn khác đã đánh bại được bầy sói lửa, thu về “chiến lợi phẩm” là con sói con với màu lông hung đỏ tuyệt đẹp. Biết sói lửa là loài hiếu chiến và lần theo dấu vết con mồi rất cừ. Hai bố con ông Giáp quyết định mang chú sói nhỏ về nuôi. Và Sói Lửa trở thành tên của “thành viên mới” trong đám chó săn.

Sau bao vất vả, Sói Lửa lớn lên cùng bầy chó săn. Nhưng bản tính hoang dã vẫn vương lại trong Sói Lửa. Liệu người ta có thể biến con sói thành chó săn thực thụ.

“Người đi săn và con Sói Lửa” là tác phẩm hay và cảm động về tình yêu thương giữa con người và loài vật. Ngoài tình cảm của Sói Lửa dành cho cha con ông Giáp, tấm lòng nhớ ơn chủ cũ của Báo Vàng với ông Kỳ Cẩm khiến bạn đọc nhí cảm động. Tuy bị bán cho người khác, nhưng khi biết chủ cũ bị ốm nặng, con chó trung thành vẫn lặng lẽ về thăm.

Tình thương của cha con ông Giáp cảm hóa con Sói Lửa. Nhờ những người thợ săn nhân ái, mà con vật hoang dã ấy biết yêu thương. Tuy nhớ rừng, nhưng nó vẫn biết ơn những con người đã nuôi nấng mình. Dù trở về với rừng, nhưng mỗi khi người trong phường săn gặp chuyện, Sói Lửa đều có mặt kịp thời để ứng cứu.

Nhà văn Nguyễn Quỳnh là người có óc quan sát rất tinh tế và tỉ mỉ. Điều này được thể hiện rõ ràng khi tác giả miêu tả từng con chó trong phường săn. Báo Vàng có sự lão luyện và chắc chắn của vị trí thủ lĩnh. Khoang “mẹ” có sự dịu dàng của người mẹ đang chăm sóc đàn con nhỏ. Còn Sói Lửa có sự dũng mãnh của con sói và chút háo thắng của kẻ choai choai muốn khẳng định chính mình.

Qua những đoạn miêu tả cảnh săn hươu, nai, bò rừng hay thu phục chúa sơn lâm, “Người thợ săn và con Sói Lửa” còn làm nổi bật tinh thần thượng võ của cha ông ta. Tiến sĩ văn học Vân Thanh đánh giá, “Người đi săn và con Sói Lửa” ca ngợi tinh thần thượng võ, trí thông minh, lòng vị tha, chết sống có nhau, tình yêu thương đồng loại của những con người lao động, cuộc đời gắn bó với núi rừng. Hơn thế nữa, thông qua những chi tiết sống động, tác phẩm còn như bài ca về vẻ đẹp của núi rừng Trường Sơn.

(Nguồn: Báo Hải Phòng)