cart.general.title

Bảo Hân "Gõ cửa nhà trời" cũng nữ sĩ Bảo Ngọc

Tốt nghiệp khoá V trường Viết văn Nguyễn Du, từng xuất bản hai tập thơ tình viết cho riêng mình, mới đây nữ sĩ Bảo Ngọc vừa ra mắt một tập thơ thiếu nhi với tựa đề khá thú vị “Gõ cửa nhà trời”. 

Sự kết hợp giữa giọng thơ trong veo mang hơi thở đồng quê và những khúc đồng dao tươi mới (của nữ sĩ Bảo Ngọc) với những bức minh hoạ tuyệt đẹp vừa hiện đại, vừa sinh động (của hoạ sĩ Kim Duẩn) đã làm nên một tác phẩm hay và đẹp dành cho thiếu nhi, đúng như lời nhận xét: Lâu lắm rồi mới  lại có một tập thơ viết cho thiếu nhi trong trẻo đến thế! Lâu lắm mới có một tập thơ thiếu nhi được minh hoạ đẹp đẽ như thế!

Bìa tập thơ “Gõ cửa nhà trời”

Từ “Nàng thơ Bảo Ngọc”- “Tôi là một đứa trẻ nhiều tuổi”

Nữ sĩ Bảo Ngọc chia sẻ về tập thơ của mình: “Tôi luôn bị mê hoặc bởi hoa cỏ dại và mây trời. Hoa cỏ cho tôi cảm nhận sức sống mạnh mẽ ẩn trong đất đai quê mẹ. Còn những đám mây lại cho tôi thỏa sức bay cùng những giấc mơ.

Tôi cũng đặc biệt yêu đôi mắt trẻ thơ. Mỗi khi được chơi đùa, ngắm nhìn khoảng trời trong veo ấy là tâm tôi lại sáng lên niềm tin tiếp tục gieo những con chữ như gieo những hạt mầm bé nhỏ.

Nên, tôi “Gõ cửa nhà trời” để được chơi cùng các em. Tôi tin, cỏ dại và những đám mây là hai món quà vô giá tặng cho tất cả, mà trên hết là tặng cho những đứa trẻ quê nghèo! Và còn một điều đặc biệt này nữa, tôi cũng tin trong mỗi người lớn vẫn luôn có bóng dáng của một đứa trẻ. Ai lớn lên mà chẳng từng là một đứa trẻ, khoảng trời ấy dù bạn có đi xa tới đâu, bay cao tới đâu, cũng có lúc muốn được quay về! 
Bởi vậy khi viết, “Gõ cửa nhà trời” tôi luôn đặt mình ở vị trí của “một đứa trẻ nhiều tuổi”. Và hoạ sĩ Kim Duẩn, người đã vẽ minh hoạ là những bức tranh sống động về những con côn trùng của đồng xanh, những trò chơi dân gian ngày thơ ấu… đã giúp tôi hoàn thành một món quà xinh xắn để dành tặng tuổi thơ. Tôi mong đến với “Gõ cửa nhà trời”, không chỉ có các em nhỏ, còn có cả những ai muốn tìm lại góc của một đứa trẻ trong tâm hồn mình. 

Đến hình ảnh một “bà mẹ” trong tâm trí các con 

Nữ sĩ Bảo Ngọc bật mí về góc nhỏ gia đình của mình: “Tôi thường chia sẻ với các con mấy điều:

1. Nhà vốn nhỏ nhưng cánh cửa luôn cần rộng mở -  giữ trái tim ấm với tất cả bạn bè và hàng xóm để ai bước chân tới cũng thấy an vui.

2. Giữ đôi tay luôn chăm chỉ, chạm tới nơi nào trong ngôi nhà của mình là nơi đó cũng phải sáng đẹp hơn. Làm sao đi tới đâu là nơi đó sáng và ấm.

3. Tôi thích nấu những món ăn với tâm thế trong, nhẹ, bình an. Gia vị quan trọng nhất, năng lượng tích cực nhất qua mỗi món ăn đó là tình yêu thương của người quản bếp.

4. Nỗi buồn cần được lắng nghe. Yêu thương cần được chia sẻ. Ai mắc sai lầm nhưng dám trung thực cũng cần được tha thứ. 

Hãy tha thứ ngay cả cho người đã khiến mình buồn và biết tha thứ cho chính mình -  có như vậy trái tim mới đủ rộng để yêu thương.

5. Sống có trách nhiệm với bản thân để biết trách nhiệm với cộng đồng.

Tôi là người yếu đuối nhưng cũng nghiêm khắc. Điều quan trọng nhất các con tôi luôn thấy bình an, vững chãi khi ở bên mẹ”.

Thi sĩ Bảo Ngọc khi viết “Gõ cửa nhà trời” luôn đặt mình ở vị trí của “một đứa trẻ nhiều tuổi

Những lời nhận xét quý báu

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã dành những lời nhận xét rất đẹp cho tập thơ của nữ sĩ Bảo Ngọc:

“… Một thanh âm trong trẻo nguyên lành dường như là của hiếm trời thời buổi vật chất đang quay hết tốc lực dưới tấm áo choàng 4.0 như hiện nay. Nhưng kì lạ thay, âm thanh đó không hề lạc lõng mà vô cùng ấm áp thân quen, bởi nó làm sống lại phần bản nguyên tinh thần bấy lâu nay ta lơ là nên bị lãng quên, vùi lấp.

Tôi đọc một mạch qua ba phần Sương trời trong veo, Đồng dao ngày mới, Kể chuyện đồng quê. Đọc liền mạch 39 bài thơ tưởng mình như hoàng tử bé ngao du khắp thế gian, quan sát thế giới khởi tạo vận hành bằng đôi mắt trẻ thơ. 

Nhưng Bảo Ngọc có khác biệt, “Gõ cửa nhà trời” vô cùng thuần Việt, đôi mắt trẻ thơ quan sát vạn vật hữu linh, vạn vật có linh hồn đang hòa cùng sự thánh thiện trẻ thơ ở làng quê Việt Nam. Quan trọng hơn hết, tâm hồn thánh thiện đó luôn luôn khát khao được bay lên trời.

Hãy thử cùng nhẩm những câu: Thế là từ sân nhỏ/Dung dăng cùng vui chơi/Cưỡi trên lưng ngựa gió/Bầy trẻ phi lên trời!

Và rồi cửa trời đã mở, bởi nhà trời thuộc về ai có tâm hồn như lũ trẻ. Hãy trở nên như trẻ nhỏ!

Tôi tin Bảo Ngọc đã gieo những hạt giống tốt lành bằng những hoa cỏ, đám mây, ánh mắt tiếng cười trẻ thơ…”.

Còn nhà thơ “Thần đồng Trần Đăng Khoa” cũng chia sẻ về “Gõ cửa nhà trời” bằng những lời yêu mến: 

“Thuở ấu thơ, ta thường nằm trên sân nhà, ngẩng nhìn bầu trời xa thẳm, ngắm những ngôi sao lung linh như những ngọn đèn trời, lại thấy những làn mây bay phơi phới như những dải áo lụa. Áo của các nàng tiên đấy. Thế là ta lại ao ước được một lần bay lên trời. Nhưng làm sao có đôi cánh của thiên thần mà bay lên đấy…

Bây giờ thì cửa trời đã mở rồi, nữ thi sĩ Bảo Ngọc, hay cô nàng Thỏ Ngọc đang dẫn các em vào cõi bồng lai. Các em tha hồ khám phá nhé…”

(Nguồn: Gia đình & Trẻ em)