Các cô gái bị cấm đi học, và các hoạt động văn hóa như khiêu vũ và xem tivi cũng bị cấm.
Cho đến cuối năm 2008, Taliban đã phá hủy khoảng 400 trường học.
Quyết tâm đến trường và với niềm tin vững chắc vào quyền được học tập của mình, Malala đã đứng lên trước Taliban.
Sát cánh bên cha mình, Malala nhanh chóng trở thành người chỉ trích những chính sách cực đoan của Taliban. “Làm sao Taliban dám lấy đi quyền cơ bản của tôi là giáo dục?” Cô đã từng phát biểu như vậy trên truyền hình Pakistan.
Đầu năm 2009, Malala bắt đầu viết blog nặc danh trên trang web tiếng Urdu của BBC. Cô bé mười hai tuổi viết về cuộc sống ở Thung lũng Swat dưới sự cai trị của Taliban và về khao khát chính đáng của cô là được đến trường, được học hành như những trẻ em gái ở những đất nước tiến bộ trên thế giới.
Với bút danh Gul Makai, cô bé Malala mô tả nỗi đau khổ của một cô bé ham học hỏi bị buộc phải ở nhà và cô đã đặt câu hỏi về động cơ của Taliban.
Malala chỉ mới 11 tuổi khi cô viết những dòng nhật ký đầu tiên của cô trên BBC.
Dưới tiêu đề blog “Tôi sợ”, cô bé đã kể về nỗi sợ hãi thấp thỏm của mình về một cuộc chiến sẽ bùng nổ nơi Thung lũng Swat xinh đẹp của cô, kể về những cơn ác mộng của một cô bé tuổi teen luôn mơ ước được đến trường mà sợ không dám vì lệnh cấm của Taliban.
Cuộc chiến của Pakistan với Taliban đã nhanh chóng lan rộng, và vào ngày 05 tháng 5 năm 2009, Malala buộc phải rời khỏi ngôi nhà thân thuộc từ lúc mới ra đời, đi hàng trăm dặm để tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn.
Khi trở về, sau nhiều tuần rời xa Thung lũng Swat, Malala một lần nữa sử dụng phương tiện truyền thông và tiếp tục chiến dịch công khai của mình để bảo vệ quyền cơ bản của mình là được đến trường và học hỏi.
Tiếng nói của cô ngày càng có ảnh hưởng, cùng với cha mình, cô được biết đến khắp Pakistan vì quyết tâm để các cô bé Pakistan được tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng và miễn phí.
Những hoạt động của Malala đã khiến cô nhận được đề cử cho Giải thưởng Hòa bình cho Trẻ em Quốc tế năm 2011. Cùng năm đó, cô được trao Giải Hòa bình Thanh niên Quốc gia của Pakistan.
Nhưng, không phải ai cũng ủng hộ Malala khi cô mong muốn mang lại thay đổi tại Thung lũng Swat. Vào sáng ngày 9 tháng 10 năm 2012, Malala Yousafzai, mới 15 tuổi, đã bị Taliban bắn.
Ngồi trên một chiếc xe buýt đi từ trường về nhà, Malala đang trò chuyện với bạn bè về việc học ở trường. Hai thành viên của Taliban dừng xe buýt. Một gã Talib trẻ tuổi, để râu dài, đã hỏi tên Malala, trước khi bắn ba phát đạn thẳng vào cô bé ở cự ly gần.
Một trong những viên đạn xuyên vào đầu cô gái nhỏ, đi ra qua gò má và đâm vào vai cô. Malala bị thương nặng.
Ngay trong ngày hôm đó, cô được đưa đến một bệnh viện của quân đội Pakistan ở Peshawar, và bốn ngày sau đó đến một cơ sở chăm sóc đặc biệt ở Birmingham, Anh.
Sau khi được đưa tới Vương quốc Anh, mặc dù phải phẫu thuật nhiều lần, bao gồm cả hồi phục dây thần kinh mặt để khắc phục phần bên trái bị liệt, Malala không chịu tổn thương nào nghiêm trọng về não.
Vào tháng 3 năm 2013, sau nhiều tuần điều trị và trị liệu, Malala đã có thể bắt đầu đi học ở Birmingham.
Sau vụ nổ súng, sự hồi phục đáng kinh ngạc của Malala và nỗ lực trở lại trường học của cô đã dấy lên làn sóng ủng hộ Malala khắp nơi trên thế giới.
Vào ngày 12 tháng 7 năm 2013, sinh nhật lần thứ 16 của cô, Malala đã đến thăm New York và phát biểu tại Liên Hợp Quốc.
Cuối năm đó, cô đã xuất bản cuốn sách đầu tay của mình, một cuốn tự truyện có tựa đề “Tôi Là Malala...”. Vào ngày 10 tháng 10 năm 2013, để ghi nhận những nỗ lực của cô, Nghị viện châu Âu đã trao tặng Malala Giải thưởng Sakharov về tự do tư tưởng.
Năm 2014, thông qua Quỹ Malala, tổ chức mà cô đồng sáng lập với cha mình, Malala đã tới Jordan để gặp người tị nạn Syria, tới Kenya để gặp gỡ các nữ sinh viên trẻ, và cuối cùng tới miền bắc Nigeria vào sinh nhật lần thứ 17 của cô. Tại Nigeria, cô đã lên tiếng ủng hộ những cô gái bị bắt cóc hồi đầu năm đó bởi Boko Haram, một nhóm khủng bố, giống như Taliban, cố gắng ngăn các cô gái đến trường.
Vào tháng 10 năm 2014, Malala, cùng với nhà hoạt động vì quyền trẻ em Ấn Độ Kailash Satyarthi, được vinh danh là người giành giải Nobel Hòa bình. Ở tuổi 17 tuổi, cô trở thành người trẻ nhất nhận được giải thưởng này.
Nhận giải thưởng, Malala một lần nữa khẳng định rằng “Giải thưởng này không chỉ dành cho tôi. Còn là dành cho những đứa trẻ bị lãng quên đang ước thèm giáo dục. Còn là dành cho những đứa trẻ sợ hãi đang mong mỏi hòa bình. Còn là dành cho những đứa trẻ không có tiếng nói, khát khao thay đổi.”
Ngày nay, Quỹ Malala đã trở thành một tổ chức, thông qua giáo dục, trao quyền cho các cô gái đạt được những thành công xứng đáng với tiềm năng của họ và trở thành những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và tự tin ở chính đất nước họ. Tài trợ cho các dự án giáo dục ở 06 quốc gia và làm việc với các nhà lãnh đạo quốc tế, Quỹ Malala kết hợp với các đối tác địa phương để đầu tư vào các giải pháp sáng tạo và ủng hộ toàn cầu cho giáo dục trung học chất lượng cho tất cả các cô gái.
Hiện đang cư trú tại Birmingham, Malala là một người ủng hộ tích cực cho quyền được giáo dục, coi đó là quyền lợi xã hội căn bản. Thông qua Quỹ Malala và với tiếng nói của chính mình, Malala Yousafzai luôn là một người ủng hộ nhiệt thành cho giáo dục, cũng như ủng hộ trẻ em gái trở thành một tác nhân tiến bộ trong cộng đồng các em sinh sống.
Trích Diễn văn của tác giả Malala Yousafzai khi nhận giải Nobel vì Hòa Bình
“Tôi muốn cảm ơn cha mẹ vì tình yêu vô điều kiện của họ.
Cảm ơn cha tôi vì đã không cắt đi đôi cánh của tôi và để tôi được bay.
Cảm ơn mẹ tôi đã truyền cảm hứng cho tôi để kiên tâm, nhẫn nại và luôn nói lên sự thật - điều mà chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ là thông điệp thực sự của đạo Hồi.
Và cũng cảm ơn tất cả những người thầy tuyệt vời của tôi, họ đã truyền cảm hứng cho tôi tin vào bản thân và dũng cảm”
“Giải thưởng này không chỉ dành cho tôi.
Còn là dành cho những đứa trẻ bị lãng quên đang ước thèm giáo dục.
Còn là dành cho những đứa trẻ sợ hãi đang mong mỏi hòa bình.
Còn là dành cho những đứa trẻ không có tiếng nói, khát khao thay đổi.”
“Tôi đứng đây để bảo vệ các quyền của trẻ em, để cất lên tiếng nói của các em.
Đây không phải là lúc để thương hại.
Mà là lúc phải hành động để đây là lần cuối cùng, chúng ta phải thấy một đứa trẻ bị tước mất việc học hành.”
“Giáo dục là một trong những phước lành của cuộc sống - và là một trong những điều tối cần cho nó.
Đó là kinh nghiệm của tôi trong suốt 17 năm đời mình.
Trong ngôi nhà thiên đường của tôi, Swat, tôi luôn thích thú được học hỏi và khám phá những điều mới mẻ.
Tôi nhớ những khi tôi được cùng bạn bè tô vẽ những họa tiết henna lên bàn tay vào những dịp lễ hội.
Nhưng thay vì vẽ hoa lá, chúng tôi đã vẽ henna bằng những công thức và phương trình toán học.”
“Tôi hy vọng bạn sẽ tham gia cuộc chiến của tôi cho giáo dục và bình đẳng.
Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một thế giới nơi tất cả các cô gái có thể học hỏi và lãnh đạo”.
Đóng lại