cart.general.title

Người chụp những bức ảnh “biết nói”

Công chúng có dịp gặp lại những gương mặt quen thuộc là các văn nghệ sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Những Chế Lan Viên, Thế Lữ, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Sáng, Nguyễn Xuân Khoát… lần lượt được hiện ra sinh động. Nhiều bức ảnh trong số đó lần đầu được ra mắt công chúng.

Bức ảnh chụp bảy văn nghệ sĩ trước trụ sở Hội Văn nghệ ở xóm Chòi (Thái Nguyên) - một bức ảnh nổi tiếng của Trần Văn Lưu.

1/ Sinh thời, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu rất mong muốn được công bố những bức ảnh này, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế, nên việc triển lãm và thực hiện cuốn sách công bố những khoảnh khắc này chưa thể thực hiện. Thậm chí, họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng rất muốn cuốn sách ra đời nên đã từng vẽ tới mấy phác thảo bìa để tặng nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Tiếc là khi các ông còn sống, dự định ấy chưa thành hiện thực.

Nay, gần 200 bức ảnh chất chứa những câu chuyện về đời sống văn nghệ một thời đã được ra mắt trong cuốn sách “Văn nghệ & Kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu”. Mới đây, trong khuôn khổ Ngày hội “Sách - Tri thức kiến tạo tương lai”, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, cuốn sách đã được NXB Kim Đồng chính thức cho ra mắt.

Bất cứ ai khi tiếp cận với kho ảnh mà nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã chụp, đều cảm thấy đang được chứng kiến một quá khứ sống động, một đời sống văn nghệ đang hiện ra, dù thực tế, đã 70 năm trôi qua. Trong căn phòng ở 11 Hàng Bông (Hoàn Kiếm - Hà Nội) bây giờ, ông Trần Chính Nghĩa, con trai nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu vẫn còn lưu giữ rất cẩn thận những tấm phim nhỏ xíu. “Cha tôi mất tháng 2-2003. Trước khi mất, điều ông căn dặn con cháu là bằng mọi giá phải giữ được hòm phim, ảnh ông đã chụp và khi điều kiện cho phép, thay ông in những bức đó thành sách để mọi người cùng xem, cùng biết về một thời khó quên của dân tộc. Và sau 15 năm cha tôi mất, sau nhiều lần “gõ cửa” nhiều nơi, tôi đã gặp được anh Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Khi tôi cho anh ấy xem những bức ảnh của cụ để lại thì gần như ngay lập tức anh đề nghị gia đình phối hợp với NXB Kim Đồng in thành sách…”, ông Nghĩa kể.

2/ Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu sinh ngày 10-1-1917 ở phố Hàng Sắt, Nam Định. Cha mất sớm, Trần Văn Lưu cùng người em đồng hao Nguyễn Hồng Nghi mày mò học làm ảnh và quyết tâm theo nghề. Ban đầu, để thử sức, các ông mở hiệu ảnh ở thành Nam gọi là “Á Đông ảnh quán”. Khi đã tự tin hơn, hai anh em lên Hà Nội lập nghiệp. Tại số 2 phố Cột Cờ (bấy giờ có tên là Avenue Puginier, nay là phố Điện Biên Phủ), các ông mở Photo Atelier, hay “Hà Nội ảnh quán” theo tiếng Việt.

Nhưng sự nghiệp nhiếp ảnh của Trần Văn Lưu được nhiều người ghi nhận ở mảng ảnh chụp các văn nghệ sĩ trong kháng chiến. Đó là những ngày tháng thiếu thốn, nhưng bằng sự say mê, Trần Văn Lưu vẫn “mang cả gia tài” để theo đuổi đam mê nhiếp ảnh. Một người con khác của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu - ông Trần Văn Nhân, nhớ lại: “Một lần bố về nói với mẹ tôi rằng, ngày mai phải đi công tác chứ không nói đi đâu. Mãi về sau mẹ mới biết là bố đi chiến dịch. Hình ảnh đặc biệt của bố suốt những năm kháng chiến là bao giờ đằng sau cũng có một cái mũ phớt, khoác ba-lô to, trong ấy không phải súng đạn mà là máy ảnh, có phim, giấy, thuốc… Đi đến đâu là làm ảnh ngay được đến đó”.

Trần Văn Lưu đã hòa vào đời sống văn nghệ những năm kháng chiến. Tháng 7-1948, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập, ông đã chớp những khoảnh khắc đắt giá về các văn nghệ sĩ khi đó, như các nhà thơ: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Thế Lữ; các nhà văn: Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyên Hồng; các họa sĩ: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tiến Chung… Đặc biệt, từ tháng 11-1949, khi Đoàn Nhiếp ảnh được thành lập, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu được bầu vào Ban chấp hành, bên cạnh những tên tuổi hàng đầu của nhiếp ảnh Việt Nam, như Vũ Năng An, Hồng Tranh, Đinh Đăng Định… Trong cương vị mới này, ống kính Trần Văn Lưu càng có điều kiện bám sát các hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1949, khi cơ quan đầu não của Hội chuyển sang đất Thái Nguyên, đóng “bản doanh” ở Xóm Chòi thuộc xã Yên Mỹ, huyện Đại Từ, nhà nhiếp ảnh đã chụp được bức ảnh đặc biệt quý giá, ghi lại hình ảnh bảy văn nghệ sĩ trước trụ sở của Hội. Bảy người đó là Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân – những tên tuổi hàng đầu của văn nghệ kháng chiến đồng thời cũng là những người có cương vị của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Những năm sau đó, ống kính Trần Văn Lưu còn lưu lại được những khoảnh khắc độc đáo về hội nghị Văn nghệ sĩ ủng hộ hòa bình, hội nghị Tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc, Đại hội Văn công toàn quốc… Bây giờ nhìn lại, đó là những bức ảnh tư liệu đắt giá, cho chúng ta hình dung lại được nhiều câu chuyện của một thời.

Cuộc đời nhiếp ảnh của Trần Văn Lưu còn phong phú ở nhiều mảng ảnh khác nhau, nhưng gần 200 bức ảnh mới công bố trong cuốn sách dày dặn “Văn nghệ & Kháng chiến” đã dựng nên được chân dung một nhà nhiếp ảnh tận tâm, tận tụy. Một con người tha thiết với nghề, tha thiết với đời...

Theo: nhandan.com.vn