cart.general.title

HOÀNG THU PHỐ Nhà văn Phong Điệp: Hạnh phúc có con trong câu chuyện

Làm sao để trẻ thích đọc sách và nuôi dưỡng tình yêu với văn học trong giới trẻ là câu hỏi nhiều người quan tâm, nhất là khi mạng xã hội và điện thoại thông minh đang lấn át. Nhà văn Phong Điệp (ảnh) - tác giả của nhiều cuốn sách cho thiếu nhi, đồng thời nhiều năm tham gia Hội đồng Giám khảo Quốc gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU tại Việt Nam chia sẻ.

Phóng viên (PV): Sau những cuốn “Chào em bé”, “Những rắc rối ở trường mầm non” tạo được hiệu ứng xã hội tích cực, bộ sách “Nhật ký Sẻ Đồng” của chị vừa có thêm cuốn “Bố là bố thôi” (NXB Kim Đồng). Chị có thể chia sẻ về cuốn sách mới này?
Nhà văn Phong Điệp (PĐ): Đó là một trải nghiệm thú vị khi tôi quyết định cho người mẹ “đi vắng” dài ngày và bố sẽ làm thay vai trò của người mẹ. Bởi mẹ cũng có lúc bận việc, cũng có lúc phải đi công tác xa nhà. Sẽ có biết bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười, nhưng nhờ đó sự gắn kết giữa bố và con sẽ khăng khít hơn. Tôi thấy đề tài này hiện xuất hiện còn khá khiêm tốn trong mảng sách cho thiếu nhi, chủ yếu vẫn là các cuốn sách chia sẻ tâm tình giữa mẹ và con. Đồng thời, từ quan sát thực tế tôi thấy tại nhiều gia đình việc chăm con, nhất là gia đình có con nhỏ thường phó mặc cho người mẹ. Đương nhiên không ai chăm con tốt hơn mẹ, nhưng việc được chăm con cũng là một “đặc ân” mà nếu các ông bố tước đi cơ hội đó sẽ vô cùng đáng tiếc.

Bộ sách “Nhật kí Sẻ Đồng” lấy cảm hứng từ chính hai cô con gái của nhà văn Phong Điệp

PV: Chị viết sách cho thiếu nhi có phải từ khi bắt đầu… làm mẹ?
PĐ: Tôi viết cho thiếu nhi từ khi tôi còn là... thiếu nhi! Nhưng đúng là khi làm mẹ, ý thức viết ra những cuốn sách ý nghĩa cho con mình đọc thực sự trở thành động lực mạnh mẽ trong tôi. Tôi luôn tâm niệm rằng gia tài lớn nhất của người mẹ viết văn chẳng có gì ý nghĩa hơn là những cuốn sách có bóng dáng của gia đình, của các con mình trong đó. Những cuốn sách ghi lại những chặng đường khôn lớn của con, giúp con sau này dù có “bay xa” vẫn luôn nhớ về mái ấm có mẹ, có cha.

PV: Trong quá trình viết, những cảm xúc có nhiều khác biệt so với khi chị viết những truyện ngắn, tiểu thuyết hướng tới đối tượng độc giả khác?
PĐ: Quả là từ mong muốn viết sách cho con đến khi thực hiện những cuốn sách trên thực tế không hề dễ dàng. Bởi khác những truyện ngắn, những tiểu thuyết tôi đã viết và đang viết, tôi có thể dùng trí tưởng tượng để xây dựng các tuyến truyện. Người đọc dù thích hay không thích nhưng sẽ dễ chấp nhận vì đó là sáng tạo của nhà văn. Nhưng những cuốn sách cho thiếu nhi thì khác. Bởi những độc giả đầu tiên chính là các con mình. Hơn thế nữa, ở các câu chuyện trong đó chúng giữ vai trò là nhân vật chính bởi vậy chúng sẽ “giám sát” câu chuyện của tôi. Thường tôi phải mất vài năm trải nghiệm cùng các con mới đủ tự tin xây dựng một cuốn sách.

PV: Theo chị, để những trang sách viết cho thiếu nhi hấp dẫn, khiến các em thích thú với sách, mất đi cảm giác ngại cầm ngại đọc, thì ngoài đề tài phù hợp, hấp dẫn người viết/nhà văn cần có những thao tác gì?
PĐ: Vâng, bên cạnh đề tài hấp dẫn thì cách viết chính là bí quyết để chinh phục độc giả. Không vô cớ người ta gọi nhà văn là “người kể chuyện”. Câu chuyện chỉ thu hút khi cách kể chuyện hấp dẫn, tạo hứng thú cho người đọc. Đồng thời, tôi còn đề cao cả việc trình bày sách vì nó đáp ứng nhu cầu “xem” của công chúng. Thực tế có người mua sách chỉ vì thấy sách đẹp, khiến cho họ tò mò, muốn khám phá cuốn sách.

Nhà văn Phong Điệp

PV: Gần 10 năm qua, nhà văn Phong Điệp tham gia Hội đồng Giám khảo cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU tại Việt Nam, có điều gì khiến chị bất ngờ hay băn khoăn về yếu tố văn học được các em học sinh thể hiện qua những bức thư tham dự?
PĐ: Tôi nhận thấy một “trữ lượng” văn chương vô cùng dồi dào trong các học sinh hiện nay. Khi các em được tạo “đường băng” cho sự sáng tạo, vượt qua những khuôn sáo, sách vở, trí tưởng tượng của các em được phát huy tối đa, chúng ta sẽ có những tài năng văn chương thật sự. Nhiều bài viết của các em khiến ban giám khảo của chúng tôi ngồi lặng đi bởi những áng văn quá đẹp và thấm đẫm tính nhân văn. Không chỉ có thế, dù bị bó hẹp trong khuôn khổ những lá thư, viết về một đề tài được ban tổ chức lựa chọn theo từng năm, bám bài dự thi của các em bên cạnh cho thấy sự thông minh, nhanh nhạy cũng như ý thức trách nhiệm của các em trước các vấn đề của đời sống xã hội. Biết nuôi dưỡng những “mầm non” này, chúng ta sẽ có những công dân đích thực cho tương lai.

PV: Chị từng chia sẻ một “áp lực” nho nhỏ khi tham gia làm giám khảo, đó là việc nhiều phụ huynh nhắn tin “hỏi thăm” hoặc đề nghị gợi ý cho con họ để viết một bức thư hay “tranh tài” tại cuộc thi. Sự “vào cuộc” ấy của phụ huynh xem ra có nhiều tác dụng ngược?
PĐ: Tôi buồn vì thấy một số cha mẹ đang “sống hộ” con. Họ làm hộ con việc nhà, học hộ con ở trường, thậm chí vui hộ con, buồn hộ con... Họ tưởng như vậy là thể hiện tình yêu với con nhưng đó chính là cách phản tác dụng. Đứa trẻ trong sự bao bọc đó sẽ không thể lớn được, chúng sẽ ỷ lại, thụ động và rất có thể sẽ nảy sinh những cách nhìn thiếu tích cực về cuộc sống.

PV: Xin cảm ơn nhà văn Phong Điệp!

(Nguồn: Báo Thời Nay)