cart.general.title

Phạm Trần Mỹ Ngọc Nhân hậu là nhãn tự của 'Miền xanh thẳm'

Năm nay là tròn 20 năm truyện dài Miền xanh thẳm của nhà văn Trần Hoài Dương (1943-2011) được ấn hành và chiếm giải cao nhất cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Kim Đồng tổ chức. Nhân dịp này, vào lúc 8h30 ngày 13/6/2020, tại Thư viện Hà Nội (54E Trần Hưng Đạo) sẽ tổ chức tọa đàm Về miền xanh thẳm.

Gần nửa thế kỷ viết cho thiếu nhi, Trần Hoài Dương đã hun đúc, góp phần xây dựng, bồi dưỡng cho bao tâm hồn. Ông là một của hiếm trong các nhà văn Việt Nam đương đại có đời sống và sáng tạo nhất quán: chân thành, tử tế.

Truyện dài “Miền Xanh Thẳm” – tác phẩm “Trần Hoài Dương mơ ước cả đời”

1. Tác phẩm Miền xanh thẳm, mở đầu bằng cuộc chia ly của cậu bé Thiện với gia đình để đi học ở Bắc Giang, xa Hà Nội của mình. Chuyến tàu mở ra cho cậu một khung trời mới, vẽ cho người đọc thấy những bức tranh trực diện đầy sức sống, bạt ngàn đồng đất, rừng núi, người lớn, trẻ con và gia súc nữa, đang say sưa lao động trong niềm vui của những ngày hòa bình đầu tiên.

Đọc truyện, tôi bị thu hút bởi tính mạnh dạn của nhân vật thằng Bảo. Nó sôi động và hoạt bát, lạc quan và tràn đầy tình cảm! Nghĩa khí như một hảo hán nhỏ, Bảo hết mực bảo vệ Thiện, người bạn Hà thành, cùng lứa, cùng lớp với mình, mọi lúc mọi nơi.

Nhân vật Bảo đưa người đọc về với đời sống làng quê của người nông dân miền Bắc. Trong lời kể của Bảo, cổng làng mình “thật hùng vĩ” dẫu rằng cái cổng chỉ là một khung cửa nhỏ bé thô sơ phủ đầy rêu phong; con sông đầy thú vị trong lời kể của cậu thực tế chỉ là một dòng chảy nhỏ xíu! Trong lòng Bảo làng quê của mình, có một không hai vì thế nó luôn đẹp nhất, “chỉ thua kém đất kinh kì một chút xíu”.

Quê hương của Bảo như là tâm điểm mở rộng ra miền trung du nước Việt, bối cảnh chính của câu chuyện này, của Miền xanh thẳm. Ở đây, ai cũng hiền từ nhân hậu! Bà cụ Muộn, anh Nhu, th��y Tín, thầy Luyến, cô Kim, ông bà Thượng… Ngay cả bà Thơ “rất to tiếng, rất thích chửi”, cũng là một người hiền, bà chửi chỉ vì muốn bảo vệ cháu mình!

Những nhân vật phụ, đám đông quần chúng trong Miền xanh thẳm, đã nhân hậu như là một hy sinh. Ông Thơ dùng hết nắm đỗ giống duy nhất còn sót lại để nấu cháo cho cháu mình ăn. Thầy Luyến dùng cả thân mình che chắn cho trò Thiện dưới trời mưa gió trong căn phòng thí nghiệm dột nát, thầy nói “ráng đi em, cũng sắp sáng rồi”. Bà mẹ Thiện cuống quýt đẩy hết 3 đứa con vào một cái cống khi đột nhiên có máy bay địch trên đầu, bà thì ngồi chắn ngoài miệng cống!

Tôi rất nhớ chi tiết Thiện giúp giữ con thầy Tín, lỡ tay làm đứa nhỏ sợ hoảng hồn và có một lúc ngừng thở. Cô An, mẹ của đứa bé, không quát mắng Thiện vì thấy cậu bé mặt mày trắng bệt không có giọt máu! Thay vào đó là an ủi và vài ngày sau mới nhỏ giọng chỉ bảo.

Nhà văn Trần Hoài Dương – một trong số ít nhà văn trọn đời viết cho thiếu nhi

2. Tôi đã đọc truyện này từ 20 năm trước. Hôm nay đọc lại, mới xâu chuỗi diễn biến cốt truyện, mới ngẫm ra, trong cuộc sống, có nhân hậu mới dám hy sinh. Hy sinh cho người thân yêu, ruột thịt là sự tử tế! Hy sinh cho số đông những người chưa kịp biết, chưa kịp quen, hy sinh cho đám đông vô danh, làm thành nhân dân, thì hành động đó là anh hùng. Trang 166 sách này có viết về một người anh hùng như sau:

“Quân địch quá đông, gồm lính Ngụy và rất đông lính Âu Phi trang bị cực mạnh. Lực lượng quá chênh lệch, quân ta chiến đấu rất ngoan cường, nhưng cuối cùng phải vừa đánh vừa rút. Bác Hy tôi là tiểu đoàn trưởng, cùng với một tiểu đội nòng cốt, cố thủ đánh trả quyết liệt. Các chiến sĩ hy sinh gần hết. Bọn Tây đen rạch mặt ào lên định bắt sống bác tôi. Đạn hết, không chịu sa vào tay giặc, còn viên đạn cuối cùng, bác tôi đã giơ súng lên ngang đầu, bóp cò tự sát. Cái chết lẫm liệt đó đã lan truyền đi khắp các chiến trường. Nơi bác tôi ngã xuống thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên năm 1948 ấy, tên xã được mang tên bác tôi: Lê Tôn Hy...”.

Đọc lần trước, tôi chỉ thấy truyện đẹp ở màu xanh lãng mạn có sẵn trong tên truyện. Đọc lần này tôi mới thấy, máu hiện thực từng thấm đỏ “miền xanh thẳm” ấy!

Miền xanh thẳm, có màu quá khứ, như vừa nói. Nhưng sau 20 năm Miền xanh thẳm vẫn rất thời sự! Là vì nhà văn Trần Hoài Dương đã kể lại rất chi tiết câu chuyện Thiện và Bảo đi chặn mương, bắt cá, cứu đói! Cái suy nghĩ rất “tri túc” (biết đủ) - bắt bấy nhiêu là đủ rồi của Thiện, không cho Bảo - tay sát cá số một, khai thác kiểu tận diệt, rồi Thiện cùng Bảo phá bờ be “cho con mương chảy thong dong”, như là một ứng xử nhân hậu với thiên nhiên.

Nhà văn Trần Hoài Dương đã viết thật hay về khẩu hiệu “lao động là vinh quang” để giáo dục trẻ em, để ông được lãnh tiền thưởng văn chương mà tự cứu đói, (như có người đã kể), nhưng ông còn khéo viết thầm, viết thêm, ngay từ ngày ấy, cái vế chữ đối trọng mà thời “no cơm ấm áo” hôm nay đang cần thành khẩu hiệu - tham lam là đáng ghét! Và những gì viết sớm, viết thầm kia, khiến Miền xanh thẳm xứng đáng có tên trong danh sách những tác phẩm tiên phong hướng về văn học sinh thái thế giới, của văn học hiện đại Việt Nam.

(Nguồn: Thể thao & Văn hóa)