cart.general.title

Thiên Điểu Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ: Một cách viết sử không diễm lệ hóa

Theo tác giả Trương Quý, những người làm sách giáo khoa lịch sử giờ đây sẽ phải cạnh tranh với những người viết sách lịch sử tham khảo cho thiếu nhi khi lối viết sử đơn giản một chiều hay diễm lệ hóa lịch sử đã không còn phù hợp.

Nhân Ngày sách Việt Nam (21-4), hôm nay, 16-4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành 2 cuốn sách lịch sử dài hơn 300 trang có tên Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ của 2 tác giả Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín về mảnh đất Thăng Long từ thời Lê - Trịnh sang thời Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Một bức tranh sống động về văn hóa, phong tục, lịch sử, con người của Hà Nội xưa trước những biến thiên thời cuộc trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt được các tác giả mang đến cho các em thiếu nhi bằng lối viết ngắn gọn cùng những bình luận hóm hỉnh.

Theo tác giả Trương Quý, hai cuốn sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ bắt đầu thoát ly dần khỏi cách diễn đạt sử thi theo hướng diễm lệ hóa lịch sử  (Ảnh – Thiên Điểu)

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bên lề buổi ra mắt 2 cuốn sách này, nhà văn, nhà khảo cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Trương Quý cho biết anh đánh giá cao 2 cuốn sách mỏng này ở góc nhìn rất cởi mở về lịch sử, viết về những nhân vật lịch sử không đơn giản, một chiều mà phản ánh thú vị, sinh động, có những mặt sáng, mặt tối.

Ví dụ như các chúa Trịnh trong cuốn sách này được phác họa tuy chuyên quyền với các vua Lê, tàn bạo với những người khác ý họ nhưng mặt khác họ cũng thúc đẩy sự phát triển kinh tế bằng cách mở cửa đón các thương nhân nước ngoài, mở các thương điếm ở Hà Nội…

Góc nhìn này trong dòng sách lịch sử cho thiếu nhi ở ta còn ít (cho người lớn thì rôm rả hơn), nên theo ông Trương Quý, nó rất đáng quý ở khả năng làm dân chủ hóa cách nhìn lịch sử cho bạn đọc trẻ, tạo sự cạnh tranh, từ đó thúc đẩy những người làm sách giáo khoa lịch sử sẽ phải nhìn lại cách viết lịch sử của mình để hấp dẫn bạn đọc thời đại mới.

"Cuốn sách bắt đầu thoát ly dần khỏi cách diễn đạt sử thi theo hướng diễm lệ hóa lịch sử như trước đây mà bắt đầu đi theo hướng viết sử gần với những khảo sát nhân học, gần với con người, hành trạng, số phận. Lịch sử được làm nên từ những mảnh nhỏ như thế chứ không phải chỉ có những đại tự sự, những cảm hứng sử thi trùm lớp cuồn cuộn", ông Trương Quý nói.

(Nguồn: Tuổi trẻ Online)