cart.general.title

Ai cũng có một thời học sinh như thế!

Tự đạp xe đến trường, lén lút thuê truyện đọc, tranh nhau đọc báo, khắc hình trên thước kẻ, viết thư chuyền tay nhau… đều là những kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh của thập niên 2000. 

Những kỷ niệm ấy được tái hiện sinh động trong cuốn sách tranh Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy (NXB Kim Đồng) của bộ đôi tác giả Trang Neko và X. Lan vừa ra mắt tại Hà Nội.

1. Sách tập hợp gần 50 tranh vẽ minh họa của họa sĩ X. Lan, dựa trên lời kể dí dỏm, thú vị của tác giả Trang Neko.

Phần thứ nhất Lớn rồi, đánh dấu sự trưởng thành đầu tiên của một đứa trẻ: Chuyển cấp. Từ cấp 1 lên cấp 2, các cô bé, cậu bé thời ấy bắt đầu phải đối mặt với đủ các thử thách. Đó là việc phải tự đi học bằng xe đạp mini vì không còn được bố mẹ đưa đi đón về, rồi phải đi học thêm vào sáng thứ Bảy - đúng lúc ti vi sẽ chiếu hoạt hình.

Tác giả Trang Neko (phải) và họa sĩ X. Lan tại sự kiện ra mắt sách

Có những thử thách là thế, nhưng học sinh hồi ấy cũng chẳng thiếu những khoảnh khắc thú vị, khó quên. Nào hò nhau cùng đi về, dàn hàng 2 hàng 3 xe đạp buôn chuyện trên con đường đất gập ghềnh, "mặn mòi" mùi hương từ các đám ruộng ven đường. Nào ghé cửa hàng thuê truyện như một thói quen, nào phải lập được một nick Yahoo ở hàng net cho bằng bạn bằng bè.

Để rồi câu chuyện về việc đặt "nickname" Yahoo thật kêu trở thành ấn tượng khó phai thuở ấy. "Trào lưu lớn nhất từ Yahoo chính là việc phải làm sao tậu cho mình một cái nick thật kêu, để rồi có những nick chat bất hủ còn lưu truyền mãi đến cả hai chục năm sau.

Đến phần thứ 2 Những trò hay ho, thời xưa khắc có, là những trò mà có lẽ chỉ những ai đi học thời xưa mới trải qua: Tranh nhau đọc những tờ báo quốc dân như Hoa học trò, Mực tím, Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong; chép lời bài hát; khắc hình trên thước kẻ; chuyền thư ngăn bàn…

Khi bước vào cấp 2, trong mắt các bậc phụ huynh, đám trẻ này đã chạm chân vào lứa tuổi "ẩm ương". Nhưng chúng không hề ẩm ương một mình, mà sẽ luôn có đồng đội cùng nhau trải qua những ngày tháng ấy.

Bìa sách “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy”

Một tờ báo nhưng nhiều người cùng đọc, có đứa chỉ đọc truyện ngắn và mục đố vui, có đứa lại chỉ ngắm thần tượng. Hoặc những cuốn sổ bài hát được đám học sinh tỉ mẩn chép tay, cắt dán ảnh của ca sĩ trang trí rực rỡ. Rồi có khi, một nhóm con gái hẹn nhau trang điểm giống thần tượng "tóc nâu môi trầm" bằng cách pha màu son trộn phấn, thậm chí là cả nhọ nồi. Và, cả lớp cùng nhau chọn mẫu chọn kiểu cho đồng phục lớp để khi cuối cấp có những bức ảnh lưu giữ tuổi học trò đầy nghịch ngợm.

Được đi học, được trải qua những trò ngớ ngẩn của tuổi học sinh là 1 trong những điều đáng nhớ đối với cuộc đời mỗi người, nhưng không phải lúc nào cũng chỉ toàn chuyện vui. Ở phần thứ 3 Ngày xưa ra sao, ngày nay vẫn vậy, sách đề cập đến những nỗi ám ảnh bất biến theo thời gian, dù là học sinh thời nào vẫn luôn cảm thấy bất an mỗi khi thời khắc ấy đến.

Đó là giờ kiểm tra miệng im phăng phắc, né tránh ánh mắt của người giáo viên đáng kính, rất hiếm khi có người dám xung phong giơ tay lên bảng "cứu cánh" cho các thành viên còn lại. Hoặc chức vụ "sao đỏ" vừa là vị trí được mơ ước nhất, nhưng cũng đồng thời bị ghét nhất. Rồi không thể thiếu, cuốn sổ ghi đầu bài không lúc nào thiếu vắng những lỗi lầm trước các trò nghịch ngợm của đám học sinh. Và, còn cả buổi họp phụ huynh đầy sóng gió cùng sự khác biệt giữa bố và mẹ khi đi họp.

Minh họa trong sách “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy”

Đặc biệt, trong phần cuối sách, tác giả còn đề cập đến những nỗi sợ vô hình của biết bao thế hệ học sinh. "Nỗi sợ vô hình ấy có thể đến từ bất cứ lý do nào! Có những ngày đi học, nửa đường chợt lo lắng sao hôm nay cặp sách nhẹ hơn mọi hôm, liệu mình có quên gì đó chăng? Nhận về một bài kiểm tra điểm kém, suy nghĩ đầu tiên là không muốn về nhà. Biết kết quả thành tích cuối năm, điểm phẩy môn này môn kia không đủ, lại càng muốn giấu mình trong nỗi lo âu do áp lực"…

Những hoài niệm được kể ra như thế để thấy có một thời học sinh đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Để rồi một cách rất tự nhiên, Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy đã làm sống lại những khoảnh khắc mà mỗi người lớn đều từng là học sinh, từng vui đùa, từng ẩm ương, từng ngớ ngẩn, từng sợ hãi.

2. Trước đây, bộ đôi tác giả Trang Neko và X. Lan từng gây ấn tượng với cuốn sách tranh 199 mấy - Hồi ấy làm gì? (NXB Kim Đồng, 2020) tập trung vào gia đình, hàng xóm láng giềng cùng những trò chơi, đồ ăn thức uống thập niên 1990.

Đến nay, sách đã bán được hơn 20.000 bản, được vinh danh là Sách của năm 2020, hạng mục Sách tranh, do tập thể cán bộ nhân viên NXB Kim Đồng bình chọn.

Sau thành công của 199 mấy - Hồi ấy làm gì?, tác giả Trang Neko cho biết: "Chúng mình đã quay trở lại cùng "cỗ máy thời gian" thu nhỏ đời thứ hai. Bởi vì chuyện "ngày xưa" vẫn còn nhiều lắm, thế nên lại kể cho nhau nghe, để tiếp tục vui và tiếp tục nhớ. Mỗi câu chuyện được kể sẽ giúp chúng ta cùng nhau hồi tưởng lại một vài khoảnh khắc, quay về thời gian mà mỗi người lớn đều từng là học sinh, từng ở lứa tuổi "teen teen" ngày nào".

Sách tranh “199 mấy - Hồi ấy làm gì?” và “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy”

Trang Neko cũng tiết lộ, mặc dù Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy kể về trải nghiệm của một cô bé, nhưng đây không phải là một cuốn tự truyện của tác giả. Trong sách là tập hợp rất nhiều câu chuyện của rất nhiều người mà thế hệ 8X, 9X đã trải qua.

"Cái gì đẹp - nó sẽ luôn luôn ở trong tim. Đó cũng là động lực để chúng tôi thực hiện cuốn 199 mấy - Hồi ấy làm gì? trước đó" - Trang Neko bày tỏ - "Có một khoảng thời gian gần đây, xu hướng hoài niệm các thập niên nổi lên. Mọi người muốn nói lại những thứ đã diễn ra trong quá khứ bằng nhiều cách khác nhau như qua các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh… Với tôi, trong khả năng của mình là viết".

"Cho nên tôi đã có ý tưởng gom lại những kỷ niệm, rồi viết thành sách. Mọi kỷ niệm được kể từ 199 mấy - Hồi ấy làm gì? đến Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy như mới trải qua ngày hôm qua, và tôi trân trọng quãng thời gian đó".

Ở khía cạnh ngôn ngữ mỹ thuật, các minh họa trong Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy vẫn tiếp nối phong cách hoài cổ như đã có ở 199 mấy - Hồi ấy làm gì?. Đáng nói, họa sĩ X. Lan còn cho biết, 199 mấy - Hồi ấy làm gì? được nhiều độc giả nhí học cấp 1, cấp 2 yêu thích thay vì chỉ có bố mẹ của các em tìm đọc để ổn lại những kỷ niệm từng trải qua.

"Với Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy, chúng tôi cũng mong muốn hiệu ứng đó được tiếp diễn. Tức là, khi đọc sách, những ai đã trải qua những kỷ niệm đó sẽ được ôn lại một thời tươi đẹp đã qua. Còn những ai chưa trải qua, khi đọc sách sẽ biết được thế hệ trước đã có một thời học sinh như thế nào" - họa sĩ X. Lan chia sẻ.

Bằng hiệu ứng này, thông qua Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy, nhóm tác giả cũng mong muốn gửi đi thông điệp về sự bao dung, thấu hiểu của bố mẹ với những đứa con đang ở độ tuổi học trò.

Như lời cuối sách viết: "Đặt mình vào vị trí của người khác đã khó, để mình vào vị trí của một đứa trẻ sẽ càng khó khăn hơn. Những bởi cũng đã từng là một đứa trẻ con, và vẫn chưa muốn lớn lên cho đến tận bây giờ, tôi tin rằng đứa con nào cũng có một nỗi niềm, đó là ước gì bố mẹ có thể trở thành một người bạn thực sự đối với mình".

Nguồn: Thể Thao Văn Hóa