cart.general.title

'Kính vạn hoa' theo năm tháng (kỳ 1): Lấp lánh cuộc hành trình cùng tuổi thơ

Gần 30 năm qua, đúng như tên gọi, bộ truyện dài Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn là một thế giới biến ảo muôn màu và thu hút mọi thế hệ độc giả nhỏ tuổi. Và đến giờ, sức sống của bộ truyện vẫn được khẳng định qua những cột mốc mới - mà gần nhất là việc được đạo diễn Võ Thanh Hòa lên kế hoạch chuyển thể thành phim điện ảnh trong năm nay.

Ở thời điểm giải Dế Mèn lần 5- 2024 của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) chuẩn bị tái khởi động, chúng ta hãy cùng nhìn lại sức sống của bộ truyện này, cũng như hành trình lao động của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - người đã nhận danh hiệu Hiệp sĩ Dế Mèn ngay khi giải Dế Mèn mùa đầu tiên được tổ chức (2020).

Một hiện tượng xuất bản

Năm 1995, sau thành công của bộ truyện tranh Đô-rê-mon, NXB Kim Đồng đã có nguồn lực để tập trung đầu tư và phát triển văn học thiếu nhi trong nước. Như lời kể của nhà văn Lê Phương Liên (biên tập viên ấn bản 45 tập đầu tiên của Kính vạn hoa), tất cả người viết, người làm sách và bạn đọc đều mong ước có một bộ sách Việt Nam do tác giả Việt Nam sáng tác, in trên thị trường, thu hút được độc giả và cân bằng với sách dịch.

"Nhưng, tìm tác giả nào trong số rất nhiều tác giả viết cho thiếu nhi? Khi ấy, chúng tôi nhận thấy có một tác giả trẻ, dồi dào năng lực, đầy triển vọng, có khả năng thực hiện một bộ sách dài hơi. Đó là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bấy giờ, Nguyễn Nhật Ánh còn trẻ và chưa được biết đến nhiều" - bà Liên kể.

Từ trái sang: TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, nhà văn Lê Phương Liên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường tại buổi giao lưu kỷ niệm 25 năm “Kính vạn hoa” do NXB Kim Đồng tổ chức vào năm 2020

Thế rồi, tại một hội nghị ở Hà Nội, nhà văn Lê Phương Liên đã gặp và mời nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết cho NXB Kim Đồng, theo yêu cầu của giám đốc Nguyễn Thắng Vu. Bà nhớ lại: "Sau đó, Nguyễn Nhật Ánh viết 5 tập đầu tiên của Kính vạn hoa. Tôi nhận được tập bản thảo đánh máy, trong khi lúc đó hầu hết các nhà văn đều viết tay. Cách viết của tác giả cũng có nhiều đổi mới - dù trước đó, Ánh cũng từng viết cho NXB Kim Đồng cuốn Bàn có năm chỗ ngồi".

Còn nhớ, từ 1995, NXB Kim Đồng bắt đầu triển khai dự án Tủ sách vàng, tập hợp nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi chọn lọc. Bên cạnh tác phẩm của những tên tuổi như Tô Hoài, Trần Đăng Khoa, Đoàn Giỏi, Nguyễn Huy Tưởng… thì Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh là một tác phẩm hoàn toàn mới. Theo bà Lê Phương Liên, việc đưa xen Kính vạn hoa vào Tủ sách vàng cùng với những Dế Mèn phiêu lưu ký, Góc sân khoảng trời, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Đất rừng phương Nam… đã nhận về nhiều ý kiến khác nhau.

"Có người băn khoăn: Kính vạn hoa có xứng đáng đứng cùng với những tác phẩm có tiếng kia không?" - bà Liên kể - "Nhưng cũng có ý kiến ngược lại: Biết đâu chính một tác phẩm mới, một tác giả mới và một phong cách mới như Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh lại mang đến sức sống cho Tủ sách vàng".

Poster phim điện ảnh “Kính vạn hoa” được Galaxy Studio công bố

Và sự thật, việc ra mắt Kính vạn hoa tập đầu tiên mang tên Nhà ảo thuật đã ngay lập tức tạo lên một hiện tượng xuất bản. Đây cũng là bộ truyện dài kỳ của tác giả Việt đầu tiên được phát hành định kỳ và kéo dài liên tục trong 7 năm liền với tổng cộng hơn 7.000 trang sách.

Đến giờ, sau gần 30 năm, có thể khẳng định, Kính vạn hoa là "quả ngọt" từ sự hợp tác dài hơi, bền bỉ với nhiều tâm huyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và NXB Kim Đồng trong bối cảnh sách dịch còn đang lấn át sách Việt Nam vào những năm 1990. Có lẽ, chỉ riêng việc vượt qua cột mốc 1 triệu bản in - điều hiếm thấy trong lịch sử sách truyện viết cho thiếu nhi của Việt Nam - đã đủ để nói về thành công của bộ sách này.

"Viết Kính vạn hoa, tôi giống như một người đi đường dài, khi mỏi chân chỉ muốn ngồi bệt xuống hái hoa, bắt bướm, nhưng cuối cùng vẫn tiếp tục đi…" - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Cuộc chạy marathon của "Hiệp sĩ Dế Mèn"

Trong tập truyện thứ 45 của Kính vạn hoa, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nhắc lại lời động viên của ông Nguyễn Thắng Vu: "Trong tình hình sách ngoại văn chiếm lĩnh thị trường hiện nay, cậu là người lính chiến đấu trên mặt trận văn hóa. Cậu không được buông súng nửa chừng".

Thế nhưng trước những áp lực, khó khăn trong hành trình hoàn thành "cuộc chạy marathon" với Kính vạn hoa, quả thật không ít lần nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có ý định dừng lại bộ truyện, để chia tay với bạn đọc và các nhân vật.

Ấn phẩm đặc biệt “Kính vạn hoa” theo bản in đầu tiên năm 1995 của NXB Kim Đồng

"Có những cuốn bản thảo tôi đã viết lời chia tay bạn đọc. Quyết liệt nhất là tập 25, tôi gửi bản thảo ra Hà Nội, thay vì ở bìa 4 giới thiệu tập tiếp theo là lời chia tay bạn đọc" - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bộc bạch - "Dự định là vậy nhưng sự động viên của NXB Kim Đồng cũng như sự chờ đợi của bạn đọc giúp tôi có động lực vượt qua khó khăn, áp lực".

Suốt 7 năm ròng rã không ngơi nghỉ từ năm 1995, 45 tập Kính vạn hoa gồm 10 chương trong 192 trang đều đặn ra đời. Như lời nhà văn, đây là một bộ truyện đặc biệt: Dài hơi nhất, viết trong thời gian lâu nhất và cũng "hành" ông dữ dội nhất với những áp lực kinh hoàng.

Minh họa truyện Kính vạn hoa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

Chẳng hạn, mỗi tập sách, nhà văn phải viết trong đúng 10 chương, không hơn không kém, với dung lượng khoảng 192 trang. Cuốn nào, ông cũng phải tính toán để đảm bảo về cấu trúc, bố cục, tình tiết sao cho kịch tính tăng dần từ chương 1, chương 2, chương 3, tới chương 4 bắt đầu lên cao trào, đến chương 9 chuẩn bị "hạ cánh".

 Rồi, sau mỗi tập xuất bản, ở bìa 4 của sách phải giới thiệu tên và nội dung tóm lược ở tập tiếp theo và họa sĩ cũng phải vẽ bìa cho tập đó - tập mà nhà văn chưa viết. Có nghĩa, dù chưa triển khai cụ thể, nhà văn đã phải có tên sách, có tóm tắt giới thiệu nội dung, có ý tưởng để vẽ minh họa bìa.

Như lời nhà văn, trong quá trình làm việc với họa sĩ minh họa Đỗ Hoàng Tường, ông gặp không ít áp lực từ phía họa sĩ. Có thời điểm, họ"lệch sóng" nhau trong việc vẽ bìa sách cho tập sau, nên nhà văn phải tìm cách giải quyết.

Chẳng hạn, tập 5 có tên Xin lỗi mày, tai to kể về một tên trộm vào nhà của nhân vật Hạnh. Trong ý tưởng của Nguyễn Nhật Ánh, 1 tên trộm sẽ xuất hiện trong truyện. Nhưng khi vẽ minh họa, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường đã vẽ 2 tên trộm, khi ấy nhà văn không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận bìa đã vẽ và vắt óc viết để xuất hiện tên trộm thứ 2.

Hay trong cuốn nhan đề Mẹ vắng nhà có nhân vật người hàng xóm là bác Tám. Trong hình dung của tác giả khi viết, bác Tám là đàn ông nhưng họa sĩ Đỗ Hoàng Tường lại vẽ có búi tóc phía sau là phụ nữ.

Như lời nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những sự cố ấy vừa là kỷ niệm vui vừa là dịp thử thách tài năng của người viết, giúp nhà văn phát huy được khả năng thích ứng. Ông nói vui: "Bình thường là họa sĩ vẽ theo cốt truyện của nhà văn nhưng trong trường hợp này là nhà văn viết theo định hướng của họa sĩ".

Cầm bộ sách đã hoàn thiện, nhiều độc giả trẻ hẳn tưởng rằng những câu chuyện trong Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được viết ra một cách rất dễ dàng như việc "lắc ống kính vạn hoa" nhẹ một cái là ra một câu chuyện mới. Nhưng không! Nhà văn đã phải vượt qua những áp lực khủng khiếp trong quá trình sáng tác, cũng như trước một thị trường vẫn còn bị chiếm lĩnh bởi tác phẩm ngoại văn.

Để rồi, như tác giả của Kính vạn hoa viết: "Bộ sách cũng giống như con người, cũng có số phận của nó. Khi nhà văn quyết định chia tay với các nhân vật nhưng nhân vật lại quyết không chịu chia tay với nhà văn thì chịu thôi, vẫn phải viết tiếp".

Hành trình của "Kính vạn hoa"

Bộ sách Kính vạn hoa ra mắt tập đầu tiên năm 1995, kéo dài đều đặn trong 7 năm và tạm kết thúc ở tập thứ 45 vào năm 2002. Khi đó, nhiều độc giả bày tỏ sự tiếc nuối và hụt hẫng đến mức, NXB Kim Đồng phải in thêm một tập Còn chút gì để nhớ tập hợp ý kiến, nhận xét, thơ, tranh vẽ của độc giả để "xoa dịu" cơn khát.

5 năm sau đó, trước sự nồng nhiệt của bạn đọc, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục viết tiếp 9 tập của bộ sách. Tới năm 2009, Kính vạn hoa kết thúc ở con số 54 tập.

Kể từ khi ra đời, không kể số lần tái bản, chỉ tính riêng số lần "biến hóa" trong hình thức mới với minh họa mới, Kính vạn hoa đã có tới 7 phiên bản khác nhau. Bộ sách cũng xô đổ nhiều kỷ lục như:Bộ truyện của tác giả Việt Nam nhiều tập nhất, tái bản nhanh nhất, có số lượng phát hành nhiều nhất, có nhiều nhân vật nhất (khoảng 200 nhân vật), nhận được nhiều thư bạn đọc gửi tác giả nhất (trên 10.000 bức thư)…

(Còn tiếp)

Nguồn: thethaovanhoa.vn