Lê Hoàng GIÁM KHẢO GIẢI SÁCH QUỐC GIA ĐÁNH GIÁ VỀ 'ĐOÀN BINH TÂY TIẾN'
Cuốn "Đoàn binh Tây Tiến" của Quang Dũng được trao giải A Giải thưởng Sách Quốc gia 2020. Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nhận xét chi tiết về tác phẩm.
Như lời giới thiệu về tổng quan có tính “vĩ mô” của tác phẩm, NXB Kim Đồng đã viết: “Tập sách cho chúng ta biết về việc thành lập Đoàn Võ trang Tuyên truyền ngay từ những ngày đầu, với hạt nhân là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Nó cho chúng ta biết về nhiệm vụ Đoàn được giao, những việc Đoàn đã làm trong suốt những năm tháng gian lao và hào hùng ấy".
"Nó cũng cho cho chúng ta biết về sự tham gia của Đoàn nhạc binh nổi tiếng của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên trên mặt trận này. Đặc biệt nó còn cho chúng ta biết về mối quan hệ gắn bó giữa bộ đội ta và bộ đội Lào, qua một Trung đội Pa thét Lào được cử tham gia vào Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt. Tây Tiến là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào”.
Cảnh đẹp núi rừng hoang sơ
Đi sâu vào tác phẩm, ta có thể nhận ra những điều thú vị mà tác giả Quang Dũng đã mang lại cho người đọc.
Tác giả đã miêu tả một toàn cảnh, một bức tranh sinh động của núi rừng biên khu Lào - Việt hùng vĩ, hữu tình nhưng cũng lắm gian nan hiểm trở.
Thông qua những động người Mán, bản người Mèo, những địa danh Chiềng Hịch, Chiềng Sại, Chiềng Pọng... với lối kể chân thật, sống động và gợi cảm, tác phẩm giúp người đọc hình dung được cảnh đẹp nên thơ hữu tình của núi rừng hoang sơ vùng biên cương Lào - Việt cách đây 70 năm.
Sách Đoàn binh Tây Tiến. Ảnh: NXB Kim Đồng.
“Sương chiều đã buông đặc cả đỉnh núi trước mặt. Những ngọn lửa thấp thoáng trên nhà Mèo lưa thưa, còn cao lắm. Đường càng dốc. Có hai ba ngả đường mòn chụm lại”.
“Những rừng chuối xanh tươi. Dọc đường, thỉnh thoảng một mái lều heo hút dựng trên mấy thân cây khẳng khiu”.
“Sau một cơn mưa, cây cối như tươi lại. Tiếng những mạch nước từ rừng chảy qua đường, tiếng những khe suối dồn xuống sông Mã... chỉ cái tiếng nước ấy đã làm mát đầu óc người ta rồi”.
“Bãi cỏ rộng trên đỉnh núi, bát ngát lượn xa. Ở đây là xứ của mây. Mây là thấp như chăn bông giải trên bãi. Những đàn bò béo tốt đang gặm cỏ non. Khí trời trong như không một hạt bụi. Lợn rất nhiều. Những vườn rau cải cao, xanh tốt”.
Tác giả cũng không quên nói lên cảnh núi non, sông nước, đầy hiểm trở, gian nan, thử thách sức của Đoàn binh Tây Tiến.
“Anh đưa đi toàn đường tắt, những quãng đường lội hàng hai giờ bì bõm ở suối nước, leo năm giờ liền một cái dốc để lại xuống, rồi lại lên một cái dốc khác. [...] Rồi cứ dốc, cứ dốc ngược mãi lên”.
“Nửa tháng ròng, họ đi như thế. Ngày nắng thì nắng gắt, hơi đá, hơi cỏ nồng nực xông lên, ngày mưa thì mưa bất chợt giữa đường, quần áo, chăn màn ướt sũng”.
Những đoạn tả cảnh hiểm trở của sông nước: “Tiếng nước ào ào réo. Sông Mã”. Hay: "Ông Ký vốn là tay bơi thạo có tiếng, sông Hồng Hà vượt như chơi, thế mà ở khúc sông nầy, đành nắm chặt lấy cây nứa thành bè... Một cái lắc mạnh, bè chìm, quây đi một vòng, bè lại nổi... Những tiếng bọt nước kêu ở đầu những ống nứa như một nồi cơm đang sôi sục sục”.
Tượng nhà thơ Quang Dũng tại khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ảnh: Anninhthudo.
Tư liệu chân thực
Tác giả đã cho thấy cảnh tản cư, chạy giặc, cảnh dân quân hiệp đồng chuẩn bị cho những cuộc đánh lớn sắp tới ở chiến trường vùng biên cương Tây Bắc.
Tác phẩm giúp người đọc hình dung được bối cảnh của cuộc chiến tranh tổng lực sắp tới, những quyết tâm cao độ của quân dân trong những năm cuối của thập niên 1940 trong công cuộc chống Pháp.
“Tiếng súng, tiếng xe tăng rì rì, tiếng súng tay nghe cũng rõ từng phát. Ngoại ô Hà Nội... cũng đã rục rịch chuyển bước... Những đám cháy ở phía xa khói không lúc nào hết cuộn. Lẫn vào dòng người thôn quê gánh gồng, thỉnh thoảng xen vào một gia đình thành thị”.
"Quân đội kéo ra tiền tuyến không lúc nào ngớt đi. Cáng thương binh khênh về cũng nghỉ lại ở những quán nước". "Cán bộ gặp nhau, kẻ từ mặt trận mới về, chuyện chiến đấu không kịp nói cho hết; người chiều nay ra đi, người miền xuôi nhìn đường lũ lượt dân chúng đã phá vườn, đốt nhà, bước theo con đường vất vả mà cả dân tộc đang phải can đảm dấn bước...”.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, thành viên Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba. Ảnh: Quỳnh Trang.
Sự hy sinh quả cảm của chiến sĩ Tây Tiến
Trong suốt tuyến nội dung tác phẩm, nổi bật lên hoạt động của Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt.
Nhiệm vụ của đoàn binh Tây Tiến là công tác tuyên truyền vận động, lôi cuốn quần chúng đồng bào các dân tộc đến với cách mạng, đã thể hiện một cách tài tình, sinh động đường lối cách mạng lỗi lạc của Hồ Chí Minh.
Đó là việc hình thành mặt trận đoàn kết tập họp nhiều lực lượng cho công cuộc đấu tranh cách mạng. Đó không chỉ là sự gắn bó mang tính quốc tế giữa bộ đội ta với bộ đội Lào, mà còn tập họp được đoàn nhạc binh nổi tiếng của Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, vốn là đội Kèn nhà binh của Bắc Kỳ ngày trước, phần đông theo đạo công giáo, bỏ quyền lợi riêng tư tự nguyện, nồng nhiệt đi theo cách mạng, đồng cam cộng khổ với Đoàn Võ trang Tuyên truyền và bộ đội ta trong suốt chặng đường đấu tranh chống Pháp.
Quang Dũng cũng kể được những câu chuyện sinh động về công tác tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc bằng những biện pháp dân vận tài giỏi, động viên lòng yêu nước, lôi cuốn được bà con các dân tộc, người lương cũng như người giáo hướng về cách mạng, để sau đó, dù các vùng dân tộc này rơi vào tay giặc, nhưng Đoàn trưởng Đoàn Hải vẫn tự tin rằng “Giặc không thể nào chiếm đoạt được lòng tin tưởng của đồng bào. Giặc không thể nào mê hoặc được người dân, khi mà người dân đã được chúng ta đem lẽ phải, đem sự thực nói cho họ biết”.
Dù không có nhiều cảnh đánh nhau của một cuộc chiến tranh khốc liệt thể hiện trong tác phẩm, nhưng trong “Thêm một vài dòng..." ở những trang đầu của tập sách, tác giả đã nói về những người đồng đội của mình. Nhiều đồng đội của Quang Dũng đã ngã xuống anh dũng như Đoàn trưởng Đoàn Hải, Như Trang, Tuấn Sơn, ông Thao Hạnh, Bác sĩ Đức. Điều đó cho thấy tính khốc liệt của cuộc chiến và bao sự hy sinh của các chiến sĩ Tây Tiến.
Ngoài ra, người đọc cũng tìm thấy từ tác phẩm sự vui tươi không chỉ bởi không khí, tinh thần lạc quan luôn thể hiện bởi những người lính của Đoàn binh Tây Tiến, mà còn có sự đóng góp của những màn nhảy múa, câu hát điệu hò, bởi giọng trọ trẹ Việt lai Hoa của ông chủ tiệm người Hoa, và bởi cái ngọng rất dễ thương "l" thành "n" của Tiểu đội trưởng Giang Sơn thỉnh thoảng lại thốt lên làm người đọc phải tủm tỉm cười.
Tác phẩm “Đoàn binh Tây Tiến” là một di sản quý giá, mang giá trị văn học chân thực có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử với người đọc thanh thiếu niên hiện nay và bao thế hệ sau này.
(Nguồn: Zing.vn)