cart.general.title

NGHỆ THUẬT BÌA SÁCH

NHỮNG TRANG BÌA SÁCH TRONG KÝ ỨC

Tôi là kiến trúc sư, không phải người thiết kế bìa sách chuyên nghiệp. Nhưng, tôi thích sách… Thuở bé tôi thích vẽ đồng thời cũng thích sách, mà thứ mang lại ấn tượng ban đầu của một cuốn sách đối với tôi chính là bìa sách. Trong thời bao cấp, cũng như bao nhà khác, gia đình tôi khó khăn về kinh tế nên đứa nhỏ là tôi cũng không có nhiều sách mà xem. 

Bộ sách Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở, NXB Kim Đồng, 2021

Thường là mỗi khi đi học về, tôi ghé hiệu sách Quốc văn Hà Nội - Huế - Sài Gòn trên phố Tràng Tiền, tần ngần đứng trước các quầy bán mê man ngắm nghía bìa các cuốn sách. Ôi chao ôi là hấp dẫn! Những cái bìa sách rực rỡ che giấu đằng sau chúng những bí ẩn của các câu chuyện cổ tích, những cuộc phiêu lưu hồi hộp hấp dẫn. 

Hồi đó tôi đã say xưa ngắm Đất rừng phương Nam, Cuộc truy tầm kho vũ khí của Đoàn Giỏi, Người quản tượng và con voi chiến sĩ của Vũ Hùng, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của Xuân Sách, Timur và đồng đội của Arkady Gaida…

Ngắm vậy thôi chứ cũng không dám xin tiền để mua nhưng trang bìa lấp lánh những cuốn sách ấy đã đi theo tôi suốt chặng đường thơ ấu để sau này, khi lớn lên và đủ tiền mua những cuốn sách mình yêu thích, tôi bỗng yêu thích bìa các cuốn sách và… đi vào thiết kế bìa sách!

Tôi thực hiện việc thiết kế bìa sách cũng do tình cờ. Khoảng những năm 2015, có người nhờ tôi làm thử bìa sách cho một số tác phẩm của công ty họ. Thế là tôi bắt tay vào làm. Trước đó, tôi cũng đã từng thiết kế bìa sách, nhưng chỉ làm chơi một số những cuốn sách mình tự in ra cho vui thôi. Theo tôi thấy thì thiết kế công trình, hay thiết kế bìa sách đều có những nguyên tắc cơ bản của nó. Tôi từng được học về nguyên lý thiết kế và được học vẽ. Tuy vậy, khi thiết kế bìa sách tôi phải mày mò tìm hiểu và tham khảo. 

Việc đầu tiên tôi mang các bìa sách cũ trong bộ sưu tập nho nhỏ của mình ra để tham khảo. Khi xem bìa sách cũ, đối chiếu với những bìa sách trước đây mình làm “chơi”, tôi thấy phục các họa sĩ thiết kế bìa thế hệ trước. Họ thiết kế bìa đơn giản, đẹp, và quan trọng là rất có hồn. Đặc biệt là những thiết kế bìa của các bậc danh tài như Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc,… Bìa sách do các cụ thiết kế, từ hàng chữ đến những hình minh họa trên bìa sách đơn giản nhưng sang trọng mặc dù thời đó các cụ thực hiện đều bằng tay. 

Ngẫm lại tôi mới thấy, không phải lúc nào những dụng cụ, những thiết bị hiện đại cũng giúp người thiết kế có những sản phẩm tốt, và ưng ý. 

Một yếu tố rất quan trọng khi thiết kế bìa sách, theo tôi, chính là sự am hiểu về nội dung cuốn sách của người thiết kế. Bởi lẽ, bìa một cuốn sách, là ấn tượng đầu tiên cho người mua về cuốn sách đó. Ngoài yếu tố thẩm mỹ, bìa sách cần phản ánh được tinh thần, hoặc phần nào gợi mở nội dung của cuốn sách. Có những trường hợp, tôi cho rằng người thiết kế bìa có lẽ không đọc tác phẩm, mà thiết kế theo cảm tính. Một ví dụ là bìa cuốn tiểu thuyết Đèn không hắt bóng của Dzunichi, do Nhà sách Phương Nam phát hành chẳng hạn. Tác phẩm có nội dung về những người bác sĩ và bệnh nhân tại một bệnh viện tư ở Nhật Bản, tuy cuộc sống của mỗi người mỗi khác nhưng họ đều là những mảnh ghép tạo nên bức tranh về mặt trái của ngành y, vốn ẩn giấu sau vẻ cao quý khiến muôn người ngợi ca. Nhưng bìa sách lại gợi cho chúng ta nghĩ đến một câu chuyện ngôn tình chung chung. 

Tuy vậy, có rất nhiều cuốn sách mới được thiết kế bìa rất đẹp, trang nhã, giản dị và phù hợp với nội dung câu chuyện. Có thể thấy những cuốn sách của NXB Kim Đồng, NXB Trẻ hoặc các cuốn sách của Công ty Nhã Nam, Công ty Đông A đều có những thiết kế bìa đẹp và phù hợp với nội dung.

Minh họa mặt sau bìa sách Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở, NXB Kim Đồng, 2021

NGƯỜI THĂNG LONG VÀ KHÚC KHẢI HOÀN DANG DỞ

Mới đây, nhà Kim Đồng ấn hành bộ sách Người Thăng LongKhúc khải hoàn dang dở của nhà văn Hà Ân do họa sĩ Tạ Huy Long trình bày. Đây không phải là bộ sách mới mẻ với tôi. Trước đó tôi có hầu hết các ấn bản của bộ sách này. Cuốn Người Thăng Long được NXB Hà Nội xuất bản lần đầu năm 1980, với thiết kế bìa của họa sỹ Văn Cao, đơn giản, nhưng nó gợi lên sự hoài cổ và trầm mặc, rất ấn tượng. Năm 1993, NXB Thanh Niên tái bản dưới tên Đàn kiếm Đông A, người thiết kế bìa là Trương Hiếu. Năm 2019, NXB Hà Nội in lại cuốn này, lấy tên cũ là Người Thang Long, thiết kế bìa là Vũ Văn Chiến. Cuốn Khúc khải hoàn dang dở được NXB Hà Nội ấn hành năm 2002, với thiết kế bìa của họa sĩ Trần Đại Thắng, mang lại cảm giác hoành tráng hòa hùng của một tiểu thuyết lịch sử. Hai bìa của Trương Hiếu và Vũ Văn Chiến tuy nhã nhặn nhưng vẫn mang tính chung chung.

Lần ấn hành này, hai cuốn tiểu thuyết có một diện mạo hoàn toàn mới. Bộ sách được xuất bản đồng bộ, vì đây vốn là hai phần nối tiếp nhau. Họa sỹ Tạ Huy Long có một thiết kế độc đáo, về ý tưởng và chất liệu thể hiện. Nếu đặt hai cuốn sách cạnh nhau theo đúng thứ tự sẽ nhận thấy một bức tranh hoàn chỉnh, về quang cảnh và nét sinh hoạt thời nhà Trần. Một điểm nữa về thể hiện là phía sau của mỗi bìa, họa sỹ Tạ Huy Long vẽ minh họa theo lối trang trí dạng tranh khắc hình tròn, trên gam màu nâu đen, nổi bật trên nền trắng. Các minh họa gợi những hình ảnh trong câu chuyện. 

Nét vẽ của Tạ Huy Long mạnh và dứt khoát, rất phù hợp với tiểu thuyết lịch sử. Về chất liệu, có thể thấy sự long lanh như một bức tranh sơn mài thếp vàng trên bìa phía trước, gây ấn tượng rất mạnh đối với những khách hàng khi nhìn thấy bộ sách đặt trên giá. Cách sử dụng các nghệ thuật dân gian vào bìa sách như nghệ thuật sơn mài, nghệ thuật tranh khắc của họa sỹ Tạ Huy Long làm tôi vô cùng thích thú. 

Với tên tuổi của nhà văn, của họa sỹ, bộ sách Người Thăng LongKhúc khải hoàn dang dở là một món quà tặng đặc biệt cho các độc giả trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô sắp tới. Tôi chỉ cảm thấy tiếc một chút là giá như bộ sách được bổ sung thêm phần tranh minh họa, thì thật là hoàn hảo.

MỘT NGÀNH NGHỆ THUẬT

Tôi có đọc ở đâu đó rằng “Về cơ bản, bìa sách có thể được coi là khuôn mặt của một cuốn sách. Vì khuôn mặt có thể phản ánh cảm xúc bên trong của chúng ta. Tương tự 1 bìa sách cũng có thể phản ánh những gì chứa bên trong cuốn sách đó. Bìa sách phải làm sao vừa đủ để thuyết phục người đọc và nắm bắt câu chuyện bên trong, mà không tiết lộ quá nhiều.” nhận định trên là đúng.

Đi sâu tìm hiểu công việc thiết kế bìa sách, tôi nhận thấy cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp xuất bản, số lượng sách xuất hiện ngày càng nhiều và quá trình cạnh tranh giữa các cơ sở xuất bản ngày càng trở nên khốc liệt, thiết kế bìa sách đã và cần phải trở thành một ngành nghệ thuật cực kỳ quan trọng hỗ trợ cho sự ra đời của các ấn phẩm.

Sau thế hệ các họa sĩ tài danh thiết kế bìa lớp trước, đã xuất hiện một đội ngũ các họa sĩ kế cận nổi danh trong lĩnh vực vẽ bìa như Văn Sáng, Trần Đại Thắng, trẻ hơn như Kim Duẩn, Trần Thắng… Hầu hết trong số họ đều đã vẽ, thiết kế cả ngàn bìa sách. Trần Đại Thắng sau khi ghi dấu ấn trong thiết kế bìa sách đã chuyển sang làm sách và bìa những cuốn sách từ công ty Đông A của anh luôn đặc biệt. Họa sĩ Trần Thắng ngoài vẽ rất nhiều bìa sách còn tham gia thiết kế, trình bày toàn bộ một ấn phẩm, chẳng hạn như Viết & Đọc của NXB Hội nhà văn, gây được ấn tượng mạnh nơi bạn đọc văn chương…

Khi một tác phẩm từ trang bản thảo trở thành ấn phẩm có sự đóng góp bao công sức của nhiều người, nhiều công đoạn, trong đó có họa sĩ vẽ, thiết kế bìa sách. Cho đến nay, số bìa sách tôi thiết kế chưa nhiều nhưng tôi thực sự cảm thấy vui khi con tôi nói với cô bán hàng: “Ơ, cuốn sách này nhà cháu cũng có ạ, bố cháu vẽ bìa đấy”.

Tôi không phải người thiết kế bìa sách chuyên nghiệp nhưng tôi thích và trân trọng những người làm công việc đó.

Tùng-Giang