cart.general.title

Nhà văn Mộc An: 'Giải Dế Mèn là cây cầu nối'

Từ vài năm nay, cái tên Mộc An đã dần trở nên quen thuộc với độc giả của văn học thiếu nhi. Chị cũng là thí sinh thân thuộc của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn: Nếu như năm 2022, bản thảo Nếu một ngày chúng tớ biến mất của chị lọt vào chung khảo; thì năm 2023, bản thảo truyện dài Ở một nơi có rất nhiều rồng đã được trao giải KHÁT VỌNG DẾ MÈN. Bản thảo này vừa được NXB Kim Đồng ấn hành, ngay trước lúc Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024 tái khởi động. Mộc An sinh năm 1980, hiện đang dạy học và sáng tác ở Bình Định.

Báo Thể thao và Văn hóa có cuộc trò chuyện với Mộc An.

* Chị dự thi Dế Mèn ngay mùa giải đầu tiên. Lúc ấy, nhờ đâu chị biết đến giải thưởng này?

- Tôi tham dự mùa giải Dế Mèn mùa đầu tiên với bản thảo Chuyện cô nàng Ốc Sên ăn chay, và không đoạt giải. Một cô bé học trò, cũng là bạn viết, đã rủ tôi tham gia.

Tưởng đâu không có duyên với giải này, thì bỗng một ngày đẹp trời năm 2022, một cuộc gọi từ ban tổ chức nói tôi có bản thảo thì gửi. Lúc đó tôi đã viết những phần tiếp theo của truyện, hợp lại thành Nếu một ngày chúng tớ biến mất, nên gửi lại, được vào chung khảo. Thế đã thấy vui lắm. Tôi vẫn tiếp tục viết, khi chia sẻ bản thảo mới cho một người bạn, anh ấy bảo em lại gửi cho Dế Mèn đi. Vậy là thành thí sinh thân thuộc của Dế Mèn.

Nhà văn Mộc An

* Nhiều năm liền Mộc An đều gửi tác phẩm tham dự giải Dế Mèn, đâu là sức hấp dẫn của giải thưởng này với chị?

- Như trên đã kể, có lẽ là có chút duyên. Từ việc bản thảo gửi từ năm trước vẫn được lưu tâm cho mùa giải năm sau cho thấy sự hết lòng của Ban tổ chức. Từ tên giải thưởng, mục tiêu đề ra, cách thức giới thiệu tác phẩm, đến việc tiếp tục theo dõi quá trình sáng tạo của các tác giả, ngay cả khi mùa giải đã qua, tất cả đều mang lại cảm giác hết lòng của giải thưởng vì văn học, nghệ thuật thiếu nhi. Tôi cũng muốn được ít nhiều dự phần vào đấy.

Tập truyện dài “Ở một nơi có rất nhiều rồng” từng được trao giải KHÁT VỌNG DẾ MÈN

* Mộc An của hiện tại được biết đến như một tác giả viết cho thiếu nhi, có khi nào chị viết cho các đối tượng độc giả khác chưa?

- Viết với tôi như một sự chia sẻ, giãi bày. Tôi cũng có tham dự viết cho các đối tượng khác, lớn hơn, mà trước hết có lẽ là viết cho chính mình. Văn học thiếu nhi với tôi đặc biệt quyến rũ, vì tôi có con nhỏ, bạn ấy là độc giả thứ nhất của tôi, rộng ra là con của bạn bè tôi, các em nhỏ khác ở các vùng miền khác nhau.

Tôi đã từng đi mua sách, đọc ké sách của con tôi, rồi cảm thấy rằng có lẽ mình tham gia được ở mảng này. Được trở về với tuổi thơ, trò chuyện với tuổi thơ, là một hạnh phúc mà chỉ khi viết cho các em mới cảm nhận hết. Mỗi lần xong một tác phẩm, tôi vui đến mức đủ phung phí trong một thời gian dài.

* Theo chị, một tác phẩm viết cho thiếu nhi thì cần thỏa mãn những yếu tố nào?

- Tôi nghĩ, không có một tiêu chí chung cho mọi tác phẩm, khi độc giả thiếu nhi có hứng thú đa dạng, người viết lại có những năng lực, sở trường riêng. Có tác phẩm mang vẻ đẹp súc tích, trau chuốt, có tác phẩm giản dị, xúc cảm, có tác phẩm giàu trí tưởng tượng… điều đó làm nên một vườn hoa văn học cho các em đa hương sắc. Miễn là các em chịu đọc, tiếp nhận, yêu thích, đã là thành công rồi.

* Từ những chú ốc sên nhỏ bé đến chú rồng huyền thoại, có thể thấy thế giới văn chương của Mộc An không ngừng biến hóa. Ở tác phẩm mới, chị sẽ đưa độc giả đến thế giới nào?

- Trong quá trình viết, ở khả năng hết sức có thể, tôi muốn giảm bớt sự lặp lại, về cả đề tài lẫn thông điệp nội dung, hướng đến tìm một cái gì đó mới mẻ hơn ít nhiều so với tác phẩm trước. Vì vậy mà thế giới tác phẩm có sự biến hóa nhất định. Tác phẩm mới hiện giờ vẫn đang chỉ là bản thảo, hy vọng trong một dịp gần nhất sẽ được ra mắt bạn đọc.

* Văn học viết cho thiếu nhi ở Việt Nam những năm gần đây được đánh giá là khá sôi động. Đây có phải là động lực để những tác giả mới như Mộc An mạnh dạng viết và công bố tác phẩm hơn?

- Văn học luôn là một dòng chảy không ngừng, văn học thiếu nhi cũng là một phần, rất trong trẻo, trong dòng chảy ấy. Với thế mạnh của các tác phẩm văn học thiếu nhi được dịch từ nước ngoài, dễ có cảm giác văn học trong nước vẫn còn chưa bắt kịp. Nhưng tôi thấy đó là một điều tốt, vì suy cho cùng thiếu nhi vẫn nhận được nhiều lợi ích nhất khi các em được tiếp cận với những tác phẩm giá trị của văn học nước ngoài, bản thân sáng tác trong nước cũng sẽ có sự tiếp nhận, biến đổi để tốt hơn, đến gần với thiếu nhi hơn.

Văn học viết cho thiếu nhi ở Việt Nam trong những năm gần đây thực sự sôi động, từ những cây bút đi trước vững vàng đến những cây bút trẻ với những đột phá mới mẻ, sự phát triển của truyện chữ lẫn truyện tranh, cho thấy một diện mạo mới. Tôi rất vui được tham dự vào không khí sôi động ấy, bản thân sự viết cho các em đã là một niềm vui.

* Vậy chị nghĩ gì về vai trò của những giải thưởng như Dế Mèn?

- Sự ra đời của các giải thưởng văn học thiếu nhi, chẳng hạn Đóa hoa đồng thoại, Dế Mèn, và gần đây là giải của NXB Kim Đồng… cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ dành cho mảng sáng tác này.

Giải Dế Mèn là một chiếc cầu nối, có sức lan tỏa rất lớn, từ sự thu hút hứng thú của đội ngũ sáng tác đến sự lưu tâm của xã hội, mà mục địch cuối cùng là vì thiếu nhi, mang lại nhiều tác phẩm hay cho các em.

Hy vọng Dế Mèn sẽ luôn có những phát hiện mới, những tác phẩm hay, giúp tinh thần sáng tác cho thiếu nhi ngày càng lan rộng trong đời sống văn chương nước nhà.

* Cảm ơn chị!

Nguồn: thethaovanhoa.vn