cart.general.title

Phiêu lưu với trinh thám cho tuổi học đường

Từ thể loại được coi là “cận văn học”, trinh thám ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn trên văn đàn với nhiều thể loại như trinh thám chính trị, trinh thám hành động, trinh thám suy luận, trinh thám tâm lý, trinh thám hình sự...

Theo sự phát triển chung ấy, dòng trinh thám hướng tới độc giả ở lứa tuổi học đường cũng được nhiều độc giả đón nhận.

Cảnh trong phim "Đội đặc nhiệm nhà C21" (chuyển thể từ truyện trinh thám cho thiếu nhi của nhà văn Lê Tấn Hiển).

Thích khám phá phiêu lưu, ưa hài hước và mạo hiểm là tâm lý của nhiều độc giả học trò. Tuy nhiên, lứa tuổi này chưa đủ để có thể hiểu và cắt nghĩa cho nội dung các truyện trinh thám tâm lý hay suy luận, chưa đủ năng lực để tiếp nhận một cách chọn lọc các trinh thám hành động hay trinh thám đen, do đó, truyện trinh thám dành cho tuổi học đường chủ yếu mang nhiều màu sắc phiêu lưu hay đúng hơn là có yếu tố trinh thám trong tác phẩm.

“Tứ quái TKKG” của tác giả Stefan Wolf (Đức) là một trong những bộ truyện trinh thám học đường “đình đám” thập niên 1990. Mỗi tập truyện là một “đặc vụ” của những cô cậu học trò tuổi trăng tròn với những tình tiết phiêu lưu, ly kỳ, mạo hiểm mà không thiếu phần hóm hỉnh và mộng mơ. Chẳng thế mà “Tứ quái TKKG” trở thành tác phẩm được độc giả học trò trên thế giới săn đón. Khi đến với Việt Nam, "Tứ quái TKKG" được nhà văn Bùi Chí Vinh phóng tác để phù hợp hơn với tâm sinh lý lứa tuổi học đường trong nước. Ngay khi ra đời, bộ truyện đã phá mọi kỷ lục về số lượng phát hành, trở thành món ăn tinh thần được đón đợi mỗi tuần của nhiều độc giả. Cách đây không lâu, bộ sách đã được tái bản.

Cùng ra mắt độc giả Việt ở thập niên 1990 không thể không nhắc đến series ăn khách “Sáu người bạn đồng hành” nổi tiếng trên toàn thế giới của tác giả Paul Jacques Bonzon. Không chỉ đưa độc giả đến với những cuộc phiêu lưu trinh thám, “Sáu người bạn đồng hành” còn cung cấp một số thông tin về đất nước, con người và lịch sử Pháp. Điều này mang đến sức hấp dẫn không hề nhỏ với độc giả thiếu niên, nhất là thời điểm những năm 1996 - 1997, nhiều ngôi trường phổ thông ở Việt Nam có các lớp dạy tiếng Pháp cho học sinh.

Có thể nói thập niên 1990 là “thời hoàng kim” của nhiều bộ sách trinh thám tuổi học đường, cả truyện tranh cũng như các series truyện dài. Sự xuất hiện của các bộ truyện nổi tiếng thế giới dường như đã mở ra một cánh cửa để các tác giả Việt đến với thể loại còn mới mẻ và đầy sức hấp dẫn này. Lấy cảm hứng từ bộ truyện "Tứ quái TKKG", nhà văn Bùi Chí Vinh đã viết “Năm Sài Gòn” với các nhân vật Sơn Đại Ca, Thúy Bụi, Quyên Tiểu Muội, Hoàng Lãng Tử và Thạch Sầu Đời. Bộ truyện đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của nhiều độc giả thanh, thiếu niên, từng được NXB Kim Đồng trao giải đặc biệt trong đợt vận động sáng tác văn học thiếu nhi năm 1998, và sau này được dựng thành phim. Năm 2017, bộ truyện được NXB Trẻ tái bản với tên gọi “Ngũ quái Sài Gòn”.

Xuất bản năm 1996 là bộ truyện “Nhóm đặc nhiệm nhà C21” của nhà văn Lê Tấn Hiển với các nhân vật học sinh Minh "tổ cú", Sơn "sọ", Sáng "béo", Tùng "quắt" và Quang "sọt" học cùng lớp và chung một niềm đam mê phá án. Các “điều tra viên nhí” này được biết đến nhiều hơn khi bộ truyện được dựng thành phim "Đội đặc nhiệm nhà C21" và lên sóng truyền hình vào năm 1998.

"Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xoay quanh bộ ba nhân vật chính Quý ròm, nhỏ Hạnh và Tiểu Long. Ngay từ tập đầu tiên “Nhà ảo thuật” ra mắt năm 1995, bộ truyện đã tạo một cơn sốt, sau đó liên tiếp tạo nên những kỷ lục trong làng xuất bản như sách của tác giả Việt Nam nhiều tập nhất, được tái bản nhanh nhất, lượng phát hành nhiều nhất, có nhiều nhân vật nhất và nhận được nhiều thư bạn đọc gửi đến nhất. Cho đến nay “Kính vạn hoa” đã nhiều lần tái xuất với 7 phiên bản khác nhau, trong đó có những phiên bản được tái bản nhiều lần.

Khác với các tiểu thuyết trinh thám cho người trưởng thành, thông thường các “thám tử” trong trinh thám học đường không “hành động” một mình mà luôn là một nhóm bạn thân. Mỗi nhân vật một cá tính, một thế mạnh, một điều kiện hoàn cảnh. Sự đa dạng ấy bổ trợ cho nhau để các bộ “quái” cùng “phá án”. Như “Bộ năm lừng danh” của nhà văn Enid Blyton (Anh) là những cuộc phiêu lưu của bốn bạn nhỏ Julian, Dick, Anne, George và chú chó Timmy. Hay bộ truyện gồm ba cuốn: “Lũ trẻ thủy tinh”, “Cậu bé bạc” và “Thiên thần đá” của tác giả Kristina Ohlsson (Thụy Điển) xoay quanh hành trình giải mã các bí ẩn của nhóm ba bạn Billie, Aladdin và Simona.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng chia sẻ: “Con người ta sinh ra ai cũng có bản năng tò mò, bị cuốn hút bởi những gì bí ẩn xung quanh mình. Đó chính là lợi thế của văn học trinh thám”. Tuy nhiên, số lượng sách trinh thám dành cho tuổi học trò của tác giả Việt Nam hiện quá ít ỏi. Ngoài các bộ truyện dài kỳ xuất hiện từ nhiều năm trước, có thể đếm trên tay một số tác phẩm trinh thám học đường mới xuất bản như “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” của Nguyễn Đình Tú, “Thiên cầu ma thuật” của Nguyễn Dương Quỳnh...

Ngày nay trên nhiều nhóm đọc, không ít độc giả vẫn săn lùng những bộ truyện trinh thám học đường ăn khách nhưng chưa được tái bản, cho thấy sức hút không nhỏ của dòng sách này. Mong rằng cùng sự phát triển chung của dòng sách trinh thám những năm gần đây, trinh thám học đường sẽ được nhiều cây viết quan tâm đến.

Nguồn: hanoimoi.vn