Thám tử học trò: Những cuộc phiêu lưu của trẻ thơ giữa đời
Bộ sách ‘Thám tử học trò’ của nhà văn Nguyễn Thái Hải gợi mở một không khí trẻ thơ vừa vui nhộn, dễ thương lạị vừa sâu sắc những câu chuyện đời, chuyện người.
Thám tử học trò gồm 3 tập sách Kẻ trộm ví trong trường, Tí chuột mất tích và Tiếng động đêm trong vườn bưởi. Mỗi tập sách tập hợp những câu chuyện ngắn, xoay quanh nhân vật chính là những đứa trẻ tò mò, ham thích tìm hiểu đời sống xung quanh.
Từ sự tò mò, ham thích tìm hiểu, mỗi đứa trẻ trong Thám tử học trò đều rất mê sự phiêu lưu. Khi gặp bất kỳ vấn đề gì “bất thường” xung quanh, các em đều dùng trí thông minh, và sự nhiệt tình của mình để phá án. Chúng đã tạo cho mình những cuộc phiêu lưu kỳ thú và hấp dẫn ngay giữa đời thường hôm nay.
Bộ sách "Thám tử học trò"
Trong truyện ngắn Chuyến xe bus chiều thứ bảy, trên chuyến xe bus số 2, hai em nhỏ Thiện và Ngọc khi bắt gặp tình huống khách bị móc trộm điện thoại trên xe bus, đã tò mò quan sát, và bằng sự tinh ý, cũng như lập luận của mình, hai em đã tìm ra được đối tượng nghi ngờ.
Hay trong truyện ngắn Hai cô bé đọc sách trước nhà, My và Lành đã kịp thời phát hiện ra kẻ gian trộm cắp xe máy, và rất nhanh ý để đặt ra những câu hỏi khiến kẻ gian không thế chối cãi được, giúp chú Bình bắt được kẻ trộm.
Những “vụ án” trong Thám tử học trò không phải là những vụ án phức tạp, gay cấn, cũng thách thức nhiều khả năng suy luận, nhưng ẩn đằng sau những câu chuyện phá án ấy lại là những bài học sâu sắc dành cho các bạn nhỏ. Trong đó, điều quan trọng nhất chính là việc cởi mở tấm lòng, và biết quan tâm đến những người xung quanh từ những việc nhỏ nhặt.
Như trong truyện ngắn Cây xoài cỗi nhà thấy Toàn, khi thầy giáo phải nằm viện, Quý được thầy nhờ cậy trông nhà. Nhà thầy giáo có một cây xoài rất to, nhiều quả và cứ buổi đêm, Quý lại nghe thấy tiếng sột xoạt sau vườn. Cậu bé tìm hiểu và phát hiện ra rằng có kẻ đang lẻn vào vườn nhà thầy để ăn trộm xoài.
Cậu bé đã biết thủ phạm là ai, nhưng cậu mãi vẫn không thể cất lời vạch trần. Cho đến khi thầy ra viện, chính hai đứa bé ăn trộm xoài của thầy đã mang biếu thầy nhiều sữa cô gái Hà Lan. Quý lúc này mới hay, hóa ra hai anh em nhà Ngọt thấy xoài nhà thấy rụng nhiều quá, bỏ phí quá nên đã lén vào sân nhặt xoài nhờ mẹ đem bán, lấy tiền mua sữa. Cậu bé vừa ngượng ngùng lại vừa cảm động trước suy nghĩ và hành động của hai người bạn.
Câu chuyện nhỏ thế, đọc vui thế, hóm hỉnh thế, nhưng đã thể hiện được ý tứ thâm sâu vậy.
Hoặc trong truyện ngắn Kẻ chăn dắt trẻ, bộ ba người bạn với biệt danh “Xe Pháo Mã” khi phát hiện ra hai đứa trẻ mồ côi mẹ bị người cha nghiện lô đề bắt đóng giả câm điếc để đi xin tiền, đã nhờ các chú công an can thiệp. Nhóm “Xe Pháo Mã” sau khi biết hai đứa trẻ được gửi tạm một thời gian vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ, vì cha bị đi tù về tội cờ bạc, để nghĩ ra cách cùng nhau tiết kiệm tiền để cho hai đứa nhỏ tiền mua quần áo mới.
Mặc dù còn rất nhỏ, nhưng khi biết để ý đến đời sống xung quanh, các em nhỏ đã học được rất nhiều điều đẹp đẽ về việc chia sẻ tình cảm yêu thương đến những người bạn cùng lứa có hoàn cảnh éo le hơn mình.
Thám tử học trò với rất nhiều câu chuyện hài hước, mang đậm không khí hồn nhiên của tuổi thơ từ thành thị đến nông thôn, dễ khiến độc giả liên tưởng đến bộ phim học trò Đội đặc nhiệm nhà C21, với những câu chuyện phá án vui nhộn.
Tuổi thơ ở Thám tử học trò là tuổi thơ rộn ràng hương vị đời sống. Không có đứa trẻ nào trong Thám tử học trò sống khép mình, hay xa lánh bạn bè, hay phải đơn độc chống trọi với sự cô đơn một mình. Mỗi đứa trẻ trong bộ truyện đều sống giữa bạn bè và những người yêu thương, sống gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với hơi thở cuộc sống, để rồi từ những tình huống xảy ra trong đời sống mà trưởng thành.
Mỗi đứa trẻ sẽ khúc khích, thích thú khi đọc những truyện ngắn trong Thám tử học trò, còn người lớn, có lẽ có cơ hội được sống lại không khí tuổi thơ, thời còn chưa dán mắt nhìn vào điện thoại, facebook, đồng thời cũng từ những câu chuyện nhỏ của trẻ con mà nhìn lại bản thân mình, ngẫm nghĩ lại tâm tư mình.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải giao lưu cùng độc giả
Thám tử học trò được sáng tác bởi nhà văn Nguyễn Thái Hải. Ông còn một bút danh khác là Khôi Vũ. Ông sinh năm 1950, quê gốc tại Thái Bình, hiện sống tại Đồng Nai.
Từ năm 1968 đến 1975, bút danh Nguyễn Thái Hải đã được gắn liền với 8 tập truyện ngắn cho tuổi hoa. Kể cả sau khi tốt nghiệp Đại học Dược Sài Gòn năm 1973, Nguyễn Thái Hải nổi danh là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn cho lứa tuổi thiếu nhi và đều do Nhà sách Tuổi Hoa xuất bản với số lượng khá lớn. Những tác phẩm rất được độc giả yêu thích lúc bấy giờ như: Hoa tầm gửi, Ba chàng thám tử, Thềm nắng, Thằng đầu bò, Chiếc lá thuộc bài, Cha con ông Mắt Mèo...
Có nhiều cuốn sách được tái bản và có cuốn được in với số lượng kỷ lục như tập truyện Tóc sâu của mẹ, năm 2008 NXB Kim Đồng in tới 31.372 bản. Đây là tập sách kể lại những câu chuyện của chính cậu bé Nguyễn Thái Hải ở Biên Hòa ngày nào, với những tình cảm thân thương, đáng yêu về gia đình, bạn bè và ký ức êm đềm của tuổi thơ.
Với những cuốn sách thiếu nhi của mình, mỗi khi in sách, ông thường dùng tiền nhuận bút và còn thêm tiền mua hàng trăm cuốn để tặng các em học sinh ở những trường học nơi xa xôi, nghèo khó và sách của ông còn là phần thưởng cho những trò ngoan học giỏi.
Theo: Phụ nữ Việt Nam